“Làm quan” đâu phải nghề gia truyền!
Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Tổ chức và Ủy ban Kiểm tra nắm tình hình để công khai với báo chí về việc bộ máy chính quyền huyện Mỹ Đức có nhiều người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện.
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện”, thông tin về việc bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức của TP Hà Nội gồm 13 phòng, ban thì có hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu huyện Mỹ Đức làm rõ.
“Không hợp lý lắm thôi!”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 21-9, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Phạm Quang Nghị - cho biết đã giao Ban Tổ chức và Ủy ban Kiểm tra nắm tình hình để báo cáo với lãnh đạo và công khai với báo chí.
Một cán bộ Sở Nội vụ TP Hà Nội cho rằng về nguyên tắc, việc bổ nhiệm lãnh đạo huyện là do Thường vụ Thành ủy quản lý còn bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo cấp dưới thì do Thường vụ Huyện ủy quản lý. Như vậy, với việc này, trước hết ở dưới địa phương phải có ý kiến báo cáo, trả lời. Mặt khác, khi bổ nhiệm nhân sự, ngoài căn cứ vào phẩm chất và trình độ thì còn phải làm theo quy trình. Nếu bổ nhiệm một cá nhân nào đó mà vi phạm quy trình thì là sai. Đó là căn cứ để xem xét việc bổ nhiệm có đúng hay không chứ pháp luật không đặt vấn đề phải cấm cán bộ, công chức, lãnh đạo là người cùng một nhà hay một họ.
Một lễ hội dân gian ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội (Ảnh của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; chỉ mang tính minh họa)
“Với những vị trí pháp luật cấm người cùng nhà không được đảm nhiệm thì mới không được. Tại Mỹ Đức, trường hợp nào vi phạm quy định bổ nhiệm thì mới khẳng định là sai chứ không thể nói chung chung là một ông có nhiều họ hàng cùng làm quan thì là sai. Còn nếu không cấm thì người ta làm cũng không phải sai đâu, chỉ không hợp lý lắm thôi” - vị này nói và cho hay về trách nhiệm của Sở Nội vụ, nếu xảy ra nghi vấn có làm sai thì mới kiểm tra.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, cho rằng có những nghề có thể cha truyền con nối theo kiểu gia truyền nhưng trong tuyển công chức, viên chức thì phải khác, phải quy định rõ ràng nhiệm vụ, chức năng và tiêu chuẩn. Đặc biệt là tuyển dụng phải minh bạch: Tiêu chuẩn thế nào? Bao nhiêu hồ sơ đăng ký? Hội đồng là ai? Chức năng nhiệm vụ là gì? Cũng theo bà An, chính sách ưu đãi cán bộ cũng rất cần nhưng dù diện ưu đãi thì cũng nên minh bạch.
Chưa có vụ nào “lớn” như thế
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu rõ trong Luật Cán bộ, Công chức, cùng một cơ quan thì thủ trưởng và người phụ trách tài chính (ví dụ kế toán trưởng) không được là người cùng một nhà, ngoài những trường hợp nằm trong luật quy định thì các vị trí khác không bị cấm. Đối với các vị trí nhân viên, cán bộ trong bộ máy hoạt động trong địa bàn, trưởng thành và đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm thì không sao cả. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn không nên để quá nhiều người trong cùng một gia đình làm việc trong một bộ máy để tránh “nhạy cảm”. Thực ra, tiền lệ chưa có trường hợp nào “lớn” như thế nhưng cũng có nơi có người thân làm việc ở trong cùng 1 cơ quan. Việc như thế này là không tế nhị, lẽ ra phải xem xét để ở mức độ nào đó thôi.
Bà Bùi Thị An nói thêm: “Với các đồng chí lãnh đạo thì nên gương mẫu, đừng làm khó cấp dưới vì các đồng chí gửi thì họ biết làm thế nào được? Các đồng chí được dân giao thì ở cấp nào cũng là của tất cả mọi người, không chỉ riêng gia đình nào. Nên làm tốt vị trí mà dân giao thì mới trong sạch, hiệu quả. Hiện tượng đó, cử tri có nói với tôi đây đó đều có rồi. Tôi đề nghị tất cả các địa phương và Bộ Nội vụ với chức năng được Chính phủ giao nhiệm vụ này cần rà soát thực chất xem hiện tượng này phổ biến đến đâu? Và đánh giá kết quả xem tốt hay xấu, gây ảnh hưởng thế nào. Từ đó, kiến nghị lại cho Chính phủ, thậm chí có thể đưa vào Luật Công chức, Viên chức. Nên luật hóa để các địa phương thực hiện, nếu có “khe hở” trong quy định thì cần xử lý ngay”.
Theo ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đến ngày 21-9 vẫn chưa nhận được báo cáo của huyện Mỹ Đức. |