Lại chuyện liệt sĩ trở về sau 36 năm

Nhập ngũ năm 1978, đến năm 1994 ông Nguyễn Đình Dầu (quê Hưng Yên) được công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, sau 36 năm đằng đẵng kể từ khi nhập ngũ, “liệt sĩ” ấy bỗng trở về với gia đình khiến mọi người xúc động, ngỡ ngàng…

Lá thư sau nhiều năm bặt tin

Một ngày tháng 2/2014, gia đình ông Nguyễn Ngọc Anh (trú tại thôn Phương Thông, xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) bỗng nhận được bức thư của một người tại tỉnh An Giang.

Nghĩ thư gửi nhầm cho mình (sai tên đệm, bản thân lại không quen ai tận An Giang) nên ông Anh gửi trả lại cho bưu điện. Vài ngày sau, bức thư lại được chuyển cho ông Anh vì địa chỉ và tên người nhận tại địa phương không còn ai khác ngoài ông.

Hai người chị gái lớn của ông Anh bèn bóc thư đọc, rồi ngẩn người nhìn nhau. Người viết thư ký tên Nguyễn Văn Đương, kể lại chuyện mình đi bộ đội rồi không thể nhớ được địa chỉ gia đình, nay nhờ người giúp đỡ mới hồi tưởng được phần nào và viết thư về nhà. Đương chính là tên thường gọi ở nhà của liệt sĩ Nguyễn Đình Dầu. “Chẳng lẽ cậu Dầu còn sống!?”- hai người chị gái của liệt sĩ cùng bàng hoàng thốt lên.

Dựa theo số điện thoại viết trong thư, bà Nguyễn Thị Nên (chị ông Dầu) lập tức gọi điện và gặp bà Nguyệt, người đã giúp ông Đương gửi bức thư. Cuộc gặp qua điện thoại giữa bà Nên và ông Đương diễn ra. Qua vài câu, linh cảm huyết thống khiến bà Nên có cảm giác đó chính là em trai mình. Trò chuyện một hồi, khi ông Đương nhắc chuyện “nhà mình trước đây có cây táo ở đầu hồi và cái ao nhỏ” thì bà Nên bật khóc: “Đúng là cậu rồi. Về với gia đình đi, cậu ơi!”.

Lại chuyện liệt sĩ trở về sau 36 năm - 1

Từ phải sang: Ông Nguyễn Đình Dầu bên mẹ, em trai và chị gái. Ảnh: K.N

Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyệt, một thời gian sau ông Dầu thu xếp để lên đường về quê. Khi đó, bà Nguyệt đã mua vé ô tô, rồi dặn người lái xe khi nào đến bến xe của tỉnh Thái Bình sẽ có người nhà ông Dầu đón. Hôm đó, dù được báo trước 12 giờ trưa xe mới tới bến, nhưng gia đình ông Dầu đã đến đây từ 7 giờ sáng để đợi. Háo hức chờ, cuối cùng phút gặp lại người thân sau 36 năm đằng đẵng cũng đến.

Khi đó, mặc dù trông ông Dầu gầy còm, đen đúa và gương mặt đờ đẫn - nhưng hết thảy chị em ông đều oà khóc khi nhận ra người thân của mình. Còn bản thân “liệt sĩ”, tuy không nhớ được như người bình thường, nhưng ông cũng láng máng nhận ra người thân.

Khi “liệt sĩ” Dầu về nhà, cụ Nguyễn Thị Nụ, nay đã 91 tuổi cũng khóc ngất khi nhận ra con trai. Hai mẹ con - người không còn minh mẫn do tuổi già, người trí nhớ cũng không được bình thường khi trở về - nhưng đều nhận ra nhau. Nắm tay con, cụ Nụ hỏi: “Sao bao năm nay con không về để đến nỗi trở thành liệt sĩ?”.

Mất giấy tờ, mờ trí nhớ?

Bà Nên kể: Năm 1978, dù chưa tốt nghiệp phổ thông, nhưng Nguyễn Đình Dầu (sinh năm 1960) đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đơn vị anh Dầu huấn luyện tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Sắp kết thúc huấn luyện tân binh, vợ chồng tôi đã lên thăm em tại Khoái Châu, sau đó được biết đơn vị của em thuộc quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.

Từ năm 1979, gia đình bắt đầu không nhận được tin gì của Dầu. Những năm sau, gia đình nhiều lần hỏi tin tức của em nhưng vẫn bặt vô âm tín. Đến năm 1993, em tôi mới có giấy báo tử được xác định là liệt sĩ.

Lại chuyện liệt sĩ trở về sau 36 năm - 2

 Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Luỹ (phải) trao đổi với ông Nguyễn Đình Dầu. Ảnh: K.N

Sau khi ông Dầu trở về, gia đình đã báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, nộp lại Bằng Tổ quốc ghi công, các loại giấy tờ liên quan cũng như xin ngừng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ. Địa phương cũng đề nghị ông Dầu thuật lại quá trình chiến đấu và lưu lạc trong những năm qua để có cơ sở giải quyết sự việc.

Qua lời kể chắp nối của ông Dầu, sau quá trình huấn luyện tân binh đơn vị ông hành quân vào Nam rồi sang Campuchia. Ông nhớ đơn vị mình thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 207, trung đoàn 152, còn lại không nhớ. Sau khi chiến đấu một thời gian, ông Dầu cùng vài chiến sĩ nữa được điều chuyển sang đại đội 2 của tiểu đoàn. Tuy nhiên, khi những chiến sĩ trên đến được nơi đại đội 2 đóng quân thì đơn vị đã chuyển nơi khác. Họ trở lại đại đội 1 thì đơn vị cũng chuyển đi.

Thời gian đó khoảng năm 1981, cuộc chiến diễn ra khá ác liệt. Nhóm chiến sĩ này phải trốn trong rừng để tránh sự truy quét của địch, rồi dần lạc nhau.

Ông Dầu cùng một đồng đội (quê Hải Dương) đi cùng nhau thêm một thời gian rồi cũng lạc nhau nốt khi bị địch truy đuổi. Sau hơn hai tháng trốn trong rừng, với nhiều lần đối mặt với đạn bom tai ông Dầu nhiều lần chảy máu, đầu lúc nào cũng ong ong. Ông như lang thang vô định và may mắn thay ông lần về khu vực gần biên giới, và gặp một phụ nữ người Việt là bà Bảy Quang.

Qua bản trình bày của gia đình ghi lại theo lời kể của anh Dầu gửi chính quyền sở tại, được biết, bà Bảy Quang sống tại tỉnh An Giang, gần khu vực biên giới Campuchia. Bà gặp anh Dầu trong tình trạng sức lực cạn kiệt. Được bà Bảy Quang đưa về nhà chăm sóc, sức khỏe Dầu dần hồi phục, nhưng bản thân không còn nhớ đơn vị lẫn quê của mình. Sau một thời gian dài sống tại đây, anh Dầu chỉ nhớ thêm mình họ Nguyễn, còn tên vẫn quên.

Bà Bảy Quang bèn nhận Dầu làm con nuôi, đặt cho tên mới khá lạ là Sál. Một thời gian sau, bà Bảy Quang giúp Dầu lập gia đình, người vợ tên Lê Thị Mỹ. Tuy nhiên, do Dầu không còn giấy tờ tùy thân nên hai vợ chồng không thể làm đăng ký kết hôn. Thời gian sau đó, ông Dầu sức khỏe ngày một yếu, đầu óc vẫn lúc tỉnh lúc mê nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn, các con phải bỏ học nửa chừng.

Vợ chồng ông sinh được hai trai, một gái. Con gái hiện đã lập gia đình, hai con trai chưa lấy vợ. Tại địa phương nơi ông sinh sống (ấp Tân Thanh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), mọi người và chính quyền địa phương biết đến ông Dầu với tên Nguyễn Văn Sál.

Cách đây hai năm, bà Bảy Quang mất. Gần đây, trong một lần bị ốm phải ra trạm xá địa phương điều trị, ông Dầu có dịp gặp bà Nguyệt, một phụ nữ quê ở tỉnh Thái Bình, lấy chồng và sống tại An Giang từ lâu. Hai bên nhận đồng hương người Bắc, trò chuyện khá lâu. Có lẽ do câu chuyện về quê hương miền Bắc được bà Nguyệt gợi lại với nỗi niềm của người con xa quê đã khiến ông Dầu vụt nhớ lại chuyện xưa.

Ông nhớ quê mình là xã Phương Chiểu, cách nhà không xa có cây đa rất to nằm ven đường. Bà Nguyệt lần theo tên xã Phương Chiểu, thì biết địa phương này thuộc huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 21/3/2014, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hưng Yên có văn bản (số 202) trong đó đề cập đã tiếp nhận được thông tin trường hợp ông Nguyễn Đình Dầu (Đương) đã được xác nhận là liệt sĩ nhưng đến nay còn sống trở về nhà.

Để làm rõ thông tin trên, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hưng Yên phối hợp cùng UBND xã Phương Chiểu và gia đình ông Nguyễn Đình Dầu (Đương) để xác minh và lập biên bản về nội dung trên.

Hiện nay tên xã Phương Chiểu vẫn giữ, tuy địa phương vài năm gần đây thuộc thành phố Hưng Yên. Và cây đa to theo trí nhớ của ông Dầu chính là cây đa 5 chân hàng trăm năm tuổi có tại xã Phương Chiểu, được nhiều người sống cách xa hàng chục cây số cũng biết.

Rồi ông Dầu còn nhớ ra tên thường gọi ở nhà của mình là Đương, nhớ tên em trai là Anh. Ông Dầu viết một bức thư cho ông Anh theo địa chỉ bà Nguyệt đã tìm, và mọi sự diễn ra như phần đầu đề cập.

Chúng tôi đã nối máy trao đổi với chị Nguyệt để xác tín lại câu chuyện này và chị Nguyệt đã xác nhận.

Sẽ về quê nhà sinh sống

Trước khi tới nhà ông Dầu chúng tôi đã tới trụ sở xã Phương Chiểu để nắm bắt sự việc. Ông Nguyễn Văn Lũy, Trưởng Công an xã Phương Chiểu cho biết: Ngay khi nhận được thông tin của gia đình về việc liệt sĩ Nguyễn Đình Dầu còn sống trở về, chính quyền địa phương đã phân công cán bộ đến nhà tìm hiểu sự việc, đồng thời thăm hỏi, động viên gia đình. Sau đó, chúng tôi đã tổ chức xác minh, bước đầu cho việc ông Nguyễn Đình Dầu còn sống nay trở về quê hương là có cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Lũy đưa tôi đến nhà ông Nguyễn Đình Dầu. Tại đây, chúng tôi gặp một số cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên đang hỏi chuyện ông Dầu về tên đơn vị trước kia, quá trình chiến đấu, những đồng đội cùng nhập ngũ…

Cuộc gặp diễn ra khá lâu vì không phải điều gì ông Dầu cũng nhớ, cũng trả lời ngay được. Kết thúc buổi làm việc, một cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên cho biết: “Chúng tôi sẽ báo cáo sự việc với cấp chỉ huy để có hướng giải quyết tiếp theo về trường hợp của ông Dầu”.

Bà Nguyễn Thị Nên cho hay, sau hơn một tháng trở về với gia đình, sức khỏe lẫn trí nhớ của em trai đã khá hơn nhiều. “Chúng tôi cùng thống nhất tới đây gia đình em sẽ chuyển về đây sinh sống. Vợ cùng các con của Dầu cũng đã ra đây thăm gia đình và đồng ý chuyển về”- bà Nên cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiến Nghĩa (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN