Lạ kỳ quan tài treo trên núi

Chưa rõ những chiếc quan tài treo trên trước cửa hang ở huyện miền núi Quan Sơn - Thanh Hóa là của người Thái cổ hay người Giới?

Cuối tháng 10, chúng tôi tìm về bản Bôn, xã Trung Thượng, huyện miền núi Quan Sơn - Thanh Hóa, nơi có những cỗ quan tài cổ độc đáo treo trên vách núi Pha Quen mà ông Hà Văn Ang (53 tuổi, ở bản Bôn) phát hiện năm 2009 khi ông đang đi phát rẫy trồng luồng.

Quan tài trong hang sâu

Chúng tôi được chính con trai của ông Ang là anh Hà Văn Lương, cán bộ văn hóa xã Trung Thượng, dẫn đường. Có 2 đường vào chân núi Pha Quen, một là đi xe máy theo đường của huyện mở, hai là lội qua sông Luồng. Chúng tôi đã chọn cách thứ hai vì đường sẽ ngắn hơn và đang mùa khô nên nước sông Luồng rất cạn có thể lội qua được.

Lên đến chân núi kỳ bí này, trước mắt chúng tôi chỉ là rừng rậm, không có một lối đi nào để lên hang, dù chỉ là một lối mòn. Để mở đường lên núi, anh Lương vừa đi vừa vung dao phát đường để cho chúng tôi đi và đánh dấu đường lúc xuống núi. Sau nửa giờ luồn rừng lên núi, chúng tôi có mặt ở lưng chừng đỉnh Pha Quen. Hang động nơi chứa những cỗ quan tài nằm trên một vách đá dựng đứng cao chừng 15m và phải vượt qua nó. Với kinh nghiệm đường rừng lâu năm, anh Lương đã trèo lên trước và thả dây xuống để kéo chúng tôi lên.

Lạ kỳ quan tài treo trên núi - 1

Những chiếc quan tài treo trước hang Pha Quen

Hang Pha Quen không rộng lắm, sâu hun hút, trước cửa hang có hơn chục chiếc quan tài được làm từ nguyên một cây gỗ to, kích cỡ khác nhau, loại lớn nhất có đường kính 50 cm, nhỏ hơn thì 40 cm, dài khoảng 2-2,5 m. Ở phần đầu thân gỗ được đục rộng hơn so với phần thân và cả 2 đầu đều có 2 chốt để định vị. Cách hang lớn này không xa cũng có một số hang nhỏ rải rác trên vách núi cũng có những chiếc quan tài độc đáo này, tuy nhiên, theo anh Lương, chưa ai dám vào sâu trong hang mà chỉ đứng ngoài thôi vì hang nhỏ, tối tăm và sợ thần linh nổi giận.

Những phỏng đoán

Ngoài núi Pha Quen, người dân địa phương cũng đã phát hiện trên núi Pha Dờn, cạnh sông Lò ở bản Muỗng, xã Trung Xuân có gần 30 chiếc quan tài cổ tương tự; ở bản Sủa, xã Sơn Điện có 3 chiếc… hầu hết chúng có hình dạng giống nhau và bên trong đều rỗng. Ông Lữ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trung Thượng, nói: “Những thân cây treo trên núi đã được đục đẽo cẩn thận và có hình thù giống hệt những chiếc hòm an táng người chết của dân tộc Thái chúng tôi, thế nhưng, từ xưa đến nay, người Thái không chôn người chết theo cách này mà thường chôn trên nương rẫy ở những chỗ nào có đất. Những cỗ quan tài này nay tôi cũng mới được biết đến”.

Lạ kỳ quan tài treo trên núi - 2

Đường lên hang, một bên là vực sâu một bên là núi đá dựng đứng

Ông Hà Văn Ang, người phát hiện các cỗ quan tài vào năm 2009, cho biết: “Ngày nhỏ, tôi có nghe các cụ thân sinh kể lại rằng trước đây vùng đất này của người Thái cổ và có rất nhiều dân tộc anh em sinh sống. Trong đó có một tộc người cao lớn, người dân gọi là người Giới, họ làm gốm rất giỏi và thường làm nương rẫy trên các ngọn núi cao. Nhưng trong những năm tháng loạn lạc, không biết người Giới này chết hay chuyển đi đâu không rõ. Có thể họ là chủ nhân của những cỗ quan tài treo trên núi kia”.

Lại có giả thiết cho rằng đây là những cỗ quan tài dùng để an táng vua chúa và cận thần gặp nạn khi vi hành. “Do đất Quan Sơn toàn núi đá chạy quanh sông Luồng, sông Lò nên vua vi hành qua đây đã giao nhiệm vụ cho người Thái phải làm sẵn những chiếc quan tài rồi gác lên vách núi, để lỡ ai gặp nạn kịp có hòm chôn cất” - một cụ cao niên trong bản Bôn nói.

Bí ẩn chưa có lời giải

Đến nay, vẫn chưa ai có thể lý giải được nguồn gốc những bộ quan tài này và làm cách nào để có thể đưa những chiếc quan tài lên những hang núi cao đến vậy. Huyện miền núi Quan Sơn có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Thái, Mường, H’mông, Kinh với nhiều đặc trưng văn hóa khác nhau. Những chiếc quan tài treo trên núi có đặc điểm giống hòm chôn cất người chết của dân tộc Thái. Liệu những quan tài này có phải của người Thái cổ? Câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Ông Lữ Văn Tiến lo lắng khi các cỗ quan tài đang có dấu hiệu bị mối mọt, bị ong rừng đục vào thân cây làm tổ. Bà Hà Thị Mai, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Quan Hóa, cho biết: “Kể từ ngày được phát hiện đến nay, vẫn chưa thấy nhà khoa học hay một công trình nghiên cứu nào về những chiếc quan tài cổ trên. Huyện cũng đã gửi mẫu xuống tỉnh và ra Trung ương để giám định niên đại nhưng chưa có thông tin phản hồi nào cả”.

Những chiếc quan tài này được làm chủ yếu bằng gỗ gụ, nghiến và điều lạ là đều mở nắp, nhìn vào bên trong không có gì. Cách hang lớn không xa có một hang nhỏ, sâu; trước cửa hang có nhiều mảnh sành, sứ vỡ và có vài chiếc xương người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Minh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN