Kiện tướng lao động ngày ấy-bây giờ

Đã từng được phong kiện tướng lao động, nhưng giờ ở cái tuổi ngoài sáu mươi, ông lại đi mót từng nhánh củi để mưu sinh trong sự nhọc nhằn…

Cả một thời trai trẻ ông đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình trên đại công trường thủy lợi Phú Ninh, ông trần lưng đào xúc cả chục tấn đất đá mỗi ngày chỉ với cái cuốc vố (cuốc chim).

Kiện tướng cuốc vố một thời

Một buổi trưa nắng hạ, chúng tôi lần theo địa chỉ từ dòng chú thích nhỏ nhoi tại trung tâm Văn hóa thông tin TP Tam Kỳ (Quảng Nam) ghi trong phòng trưng bày, dòng chữ: “Cuốc vố, anh Võ Mau (Tam Thái), kiện tướng công trình thủy lợi Phú Ninh. Năm 1978, mình anh một cuốc vố đào hơn 10 tấn đất đá/ngày”.

Kiện tướng lao động ngày ấy-bây giờ - 1

Ông Võ Mau và bà Nguyễn Thị On trong căn nhà tồi tàn của mình

Ngược về xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam hỏi thăm. Lãnh đạo xã Tam Thái bảo ông Võ Mau vẫn còn sống, nhưng giờ ở bên xã Tam Đại. Chúng tôi lại lần mò về xã Tam Đại hỏi thăm mới biết kiện tướng một thời đang ở trong một căn nhà nhỏ bên dòng kênh xanh dẫn nước từ hồ Phú Ninh xuống tưới tiêu cho vùng đất phía dưới. Căn nhà thấp lè tè cách cửa đập Phú Ninh không xa ở cuối thôn Đại An, xã Tam Đại.

Phải chờ gần 2 giờ đồng hồ mới thấy bóng người đàn ông vác củi đi vắt vẻo bên bờ kênh. Cả nhà đi làm vắng hết nên chúng tôi mừng như bắt được vàng khi thấy ông về đến nhà. Thấy khách lạ, ông vồn vã mời chào vào nhà. Căn nhà do chính tay ông xây nên với những đường hồ, mạch vữa nham nhở, cong vênh như chính sự lận đận của cuộc đời ông. May phần mái ngói ông được Hội Chữ thập đỏ cho gia đình ông đã hơn 10 năm nay, đã thủng lỗ chỗ.

Kiện tướng lao động ngày ấy-bây giờ - 2

Căn nhà trống trơn không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ kĩ, là phương tiện duy nhất ông mưu sinh nuôi vợ và hai con mấy chục năm nay

Bằng chất giọng khàn đục của những người già, ông dắt chúng tôi ngược về đại công trường hò Phú Ninh ngày ấy… Thủa ấy, quê nhà xã Tam Thái vẫn còn rất nghèo khó, gia đình ông lại thuộc dạng nghèo nhất nhì xã, nên ông không được học hành, không biết chữ nghĩa. Đến năm 1977, đại công trình hồ thủy lợi Phú Ninh khởi công, lúc ấy chàng trai Võ Mau mới vừa tròn 20 tuổi, đã hăng hái cùng hàng chục ngàn thanh niên cùng đào đất, phá núi ngăn dòng, hăng say làm việc theo tiếng gọi xây dựng quê hương trên công trường Phú Ninh.

Hàng chục ngàn thanh niên như đàn kiến nhỏ trên đại công trường, cứ chăm chỉ, cần mẫn gánh từng gánh, chở từng xe đất, miệt mài đắp đập, ngăn dòng, làm nên kì tích mang tên hồ Phú Ninh - đại công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, lớn thứ nhì cả nước.

Thời bấy giờ, chàng thanh niên trẻ Võ Mau được nhiều người biết đến bởi sức khỏe phi thường, tinh thần làm việc hăng hái và quyết tâm. Không có bất kỳ máy móc nào, tất cả đều dùng đến sức người, không một người nào thở than dù đôi bàn tay chai sần, dù làn da cháy nắng, dù đôi bàn chân tứa máu bước trên những vỉa đá núi sắc lẹm.

Trong vô vàn con người nhiệu huyết ấy, chàng trai Võ Mau cũng chỉ một cuốc vố, một quang gánh và sau này là một xe cải tiến làm từ sáng tới trưa và thấu chiều.

Mơ màng về thời xa xưa huy hoàng, ông Võ Mau nói thoảng như vào thinh không: “Mỗi ngày, một mình tôi một cuốc, một xe cải tiến, dậy làm từ 4h sáng đến 11h trưa. Ăn uống nghỉ ngơi 30 phút lại bắt đầu công việc tới tối. Ngày qua ngày, tháng qua tháng thanh niên chúng tôi không ai bảo ai kiên trì với công việc cao cả. Vì không có máy móc phải làm bằng sức người nên tay chân ai cũng chai sần. Cực nhọc nhưng nghĩ đến lợi ích khi công trình hoàn thành nên ai cũng hăng say, chẳng ai phàn nàn điều chi hết. Chỉ mong công trình nhanh chóng hoàn thành, và đưa nước tưới về cho đồng ruộng quê hương!”.

Cứ thế, ngày nào cũng vậy, cả chục ngàn con người cần mẫn làm việc. Riêng với ông Võ Mau  tính ra mỗi ngày ông chở trên dưới 90 lượt xe cải tiến, ngày khỏe thì 12 - 13 khối đất đá, ngày mệt thì 7 - 8 khối, nhưng không ngày nào ông nghỉ.

Năm 1978, ông được phong kiện tướng lao động sau hai năm tình nguyện đổ mồ hôi nơi đại công trường. Trước hàng chục ngàn con người như thế, đó là một vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng có thể làm được. Khi đại công trình gần hoàn thành, thì tháng 2/1979, ông Võ Mau được lệnh lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia, đến năm 1983 rời quân ngũ trở về với đời thường.

Nhọc nhằn mót củi mưu sinh


Từ đầu câu chuyện, bà Nguyễn Thị On, vợ ông Võ Mau chỉ ngồi lắng nghe và thỉnh thoảng đôi mắt bà sáng lên mỗi lần ông mau nhắc đến những thành tích của mình thời trai trẻ. Nhưng khi nhắc đến cuộc sống khốn khó hiện tại, bà On mới ngậm ngùi kể lại, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông trở thành một nông dân chân chất. Sau những ngày tháng ở đại công trường và trong quân ngũ, sức khỏe ông suy giảm rõ rệt.

“Ngày tui quen ổng, rồi chấp nhận về làm vợ ổng là khi nghe nhiều thành tích của ổng. Thời ấy tui cũng là một người đẹp của đại công trình này đó chú. Có nhiều người mê lắm nhưng tui lại ưng ổng vì ổng làm được nhiều điều. Chúng tôi đến với nhau nhưng phải chờ đến lúc ổng từ chiến trường Campuchia về mời tổ chức. Sau đó sinh được hai thằng con trai, nhưng cuộc sống khó khăn lắm chú ạ!”-Bà On kể lại mà rơm rớm nước mắt.

Dẫu bộn bề khó khăn, hai người vẫn gắn bó với nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Cả gia đình chỉ được một sào ruộng nước, cày cấy chăm bẵm cũng chỉ đủ gạo ăn trong vài tháng. Thời buổi khó khăn, cuộc sống vất vả nên hình ảnh hai vợ chồng già đèo từng bó củi xuống chợ Tam Kỳ bán lấy tiền đong gạo từng bữa đã quá quen thuộc với nhiều người buôn bán ở chợ Tam Kỳ này. Nhiều người nói đùa, giờ ông Mau là “kiện tướng chở củi”, thay cho cái danh tiếng kiện tướng lao động một thời.

Căn nhà xập xệ sau trận bão số 9/2009 giờ càng tàn tạ hơn, mái tôn thủng lỗ chỗ khiến mỗi lần mưa gió là ông bà lại thay nhau cầm thau hứng nước, chỉ vẻn vẹn có mấy mét vuông quanh chiếc giường ngủ là không bị mưa dột. Cửa nhà chỉ là một tấm phên mỏng được nhấc ra mỗi lần có khách. Bà On bảo: “Tài sản của chúng tôi chỉ có vài nồi bẹp dúm dó, mấy chiếc bát mẻ, bộ bàn ghế gãy chân này thôi!. Năm trước đứa con trai đầu của vợ chồng tôi đòi lấy vợ, nhưng nhà gái thấy gia đình nghèo quá nên không đồng ý. Ổng giờ mắc bệnh mà không có tiền mua thuốc. Mà ngày nào cũng phải lên núi mót củi về bán lấy tiền. Ngày nào khỏe thì lấy được một bó, bán chừng 10.000 đồng. Ngày đau yếu, hay mưa gió thì ở nhà ăn cháo thay cơm”. Còn bà On bây giờ ngày ngày đi bắt ốc, hái rau má bán cho người ta để lấy tiền mua mắm muối ăn qua ngày.

Hơn 15 năm nay cuộc sống gia đình rất khó khăn, cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào sào ruộng khoán. Hai vợ chồng già thì sức khỏe ngày một suy giảm, không làm được việc nặng nhọc, còn bà On thì cứ ốm đau luôn. Trong khi hai con trai tuy đã lớn nhưng chưa giúp gì được cho cha mẹ. Mấy năm trước mỗi tháng ông cũng nhận được suất trợ cấp 120.000 đồng, còn bây giờ thì không có chế độ gì. Ngay đến suất hỗ trợ hộ nghèo cũng bị cắt.

Kiện tướng lao động ngày ấy-bây giờ - 3

Đại kiện tướng một thời phải mót củi mưu sinh

Khi hỏi ông vì sao bị cắt danh sách hộ nghèo, ông Mau buồn bã nói: “Bữa trước bên quân đội về cho được ít tiền, cho mấy tấm tôn lợp lại cái mái nhà bị bão lật. Bên xã thấy thế nên cắt danh sách hộ nghèo”.

Không biết chữ, giấy tờ của ông Mau thất lạc, mất sạch sau một lần cháy nhà. Đã nhiều lần ông lên xã, lên huyện làm lại giấy tờ, chính sách nhưng không được. Cuộc sống khốn khó nên con cái cũng không được học hành đến nơi đến chốn giờ cũng chỉ đi phụ hồ, nuôi thân còn chật vật nên không giúp gì được cha mẹ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Ninh, chủ tịch xã Tam Đại (Phú Ninh) cho biết: “Hoàn cảnh của ông Võ Mau quả  thực khó khăn, nhưng trong tầm của xã thì không thể giải quyết được bởi giấy tờ của ông đã không còn. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên xem xét giải quyết vấn đề này. Chúng tôi cũng cố gắng giúp đỡ đời sống của gia đình ông Võ Mau nhưng vì điều kiện xã cũng còn khó khăn nên việc giúp đỡ không có được nhiều. Chúng tôi cũng mong rằng những nhà hảo tâm, bạn đọc từ thiện sẽ giúp đỡ được ít nhiều cho hoàn cảnh gia đình ông!”.

Bây giờ, cứ cách vài ba ngày, người dân trên dọc tuyến đường từ thôn Đại An (xã Tam Đại, Phú Ninh) đến khu vực chợ Tam Kỳ, thường xuyên bắt gặp hình ảnh một ông lão ì ạch đẩy chiếc xe đạp cọc cạch chất đầy củi xuôi về chợ bán. Có lẽ, trong dòng người hối hả nơi phố phường nhộn nhịp, sẽ chẳng có ai đủ thời gian để bận tâm đến ông lão hom hem đang nhọc nhằn mưu sinh, để biết rằng ông lão ấy đã một thời là kiện tướng lao động của tỉnh Quảng Nam một thời…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Hữu Cường (VOV)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN