Khả năng phi thường của "kỳ nhân phố núi"
Họ khâm phục bởi khả năng phi thường của anh, dù mù lòa nhưng anh vẫn có thể sử dụng máy vi tính, sửa đồ điện... và miệt mài lao động trở thành trụ cột nuôi con trai học đại học, lo 6 miệng ăn trong gia đình.
Anh tên là Đỗ Phú Kim (54 tuổi), trú tại tổ 3, thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, thường được người dân địa phương gọi là "kỳ nhân phố núi".
Không gục ngã trước số phận…
Về xã Đại Đồng, hỏi tên anh, ai cũng biết và đều trầm trồ khen ngợi hết lời. Họ nói, anh là một người đàn ông mù lòa đầy nghị lực, là tấm gương sáng về một người cha mẫu mực, người chồng thủy chung và người con hiếu thảo. Mặc dù bị mù lòa nhưng anh đã không chịu khuất phục trước số phận, trở thành “bông hoa” thơm giữa đời thường.
Anh Kim đang xay xát gạo cho bà con
Nằm chênh vênh trên con đường Trường Sơn huyền thoại, căn nhà cấp 4 thấp lè tè của đại gia đình người nông dân mù Đỗ Phú Kim nằm án ngữ ngay trên tuyến đường liên xã.
Ngồi lân la câu chuyện về cuộc đời mình, anh Kim lắm lúc tự cảm thấy mình kém may mắn. Anh ước gì mình có thể có được sức khỏe như người bình thường để mẹ già, vợ hiền và con ngoan có cuộc sống sung túc.
Anh xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Lên 3 tuổi, nghiệt ngã cuộc đời đã cướp đi ánh sáng đôi mắt, nhấn chìm cuộc đời của anh trong bóng tối mù mịt. Những tưởng, từ đó, số phận tật nguyền sẽ đưa anh đến con đường chông chênh, không lối thoát, không lối về và đầy bế tắc.
Không chấp nhận thực tại, ngay từ những ngày còn nhỏ, cậu bé Đỗ Phú Kim đã ý thức được mình phải cố gắng nhiều hơn so với người bình thường để có được cuộc sống ít ra là đủ ăn đủ mặc. Và anh đã tập cho mình tính tự lập từ rất sớm. Đôi mắt bị mù lòa, chân tay co quắp và ít được ăn học nên với anh đó là một thiệt thòi lớn nhưng không gì là không có thể…
Năm 1983, lúc ấy anh vừa tròn 24 tuổi, trời cũng thương tình cho anh một người vợ. Cô ấy ở làng bên, một phần vì cảm phục cái nghị lực của anh, một phần là mắc bệnh hơi ngớ ngẩn nên đồng ý theo anh về làm vợ. Dù chị mắc chứng bệnh hay quên, hay nói nhiều nhưng anh Kim và gia đình cũng đã rất vui. Một người tật nguyền như anh, đâu dễ gì kiếm được một người vợ, nhất là trong lúc khó khăn như bấy giờ.
Từ khi có vợ, anh Kim càng quyết tâm làm việc, cố gắng lo cho hạnh phúc của gia đình. Hai người con một trai một gái lần lượt ra đời trong niềm vui khôn tả của anh. Dù không thể nhìn thấy, nhưng bằng đôi tay và các giác quan còn lại, anh làm tất cả mọi việc để kiếm ra tiền. Từ chăn nuôi heo, gà, vịt, làm vườn cho đến mở xưởng máy gạo, mở quán trò chơi điện tử cho trẻ con hàng xóm.
Chưa kể đến việc từ năm 2010, em ruột anh Kim là chị Đỗ Thị Hường, bị bệnh nặng, bị chồng bỏ mặc, mang con nhỏ về ở cùng gia đình anh. Suốt 2 năm trời, vừa vay mượn, tích cóp chạy chữa cho em gái lại vừa phải nuôi thêm đứa cháu gái gọi mình bằng cậu, nhưng anh không một lời than van. Đầu năm 2012, chị Hường không cầm cự được với căn bệnh ung thư quái ác và qua đời. Anh Kim chính thức nhận nuôi cháu Nguyễn Đỗ Yến Trinh, đang học lớp 5 như con của mình. Việc ấy càng làm nhiều người khâm phục và yêu mến anh hơn. Rất nhiều người dù lành lặn cũng có khi không làm được những nghĩa cử như anh.
Bây giờ, con gái đầu của anh đã có việc làm ở khu công nghiệp Hòa Khánh, TP.Đà Nẵng. Cậu con trai nhỏ thì đang học đại học năm cuối, ngành công nghệ thông tin, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng. Nhiều lúc, anh cũng thấy hãnh diện với mình, nhưng tự nhủ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Anh tâm sự: “Thì đói quá, phải nghĩ ra kế sinh nhai thôi à. Họ sáng mắt thì có cách làm của họ. Mình mù thì có cách làm của mình. Chậm hơn 1 chút nhưng hiệu quả thì cũng tương đối tốt. Nhiều lúc nghĩ lại, thấy mình như ri mà gồng gánh được cả gia đình, cũng thấy vui lắm chứ...”.
Dù một mình gánh vác cả một gia đình để lo 6 người gồm vợ, 2 con, mẹ già và 1 đứa cháu gọi bằng cậu, nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ, hòa nhã với mọi người và hết lòng với công việc của mình. Anh luôn tự hào về những đứa con, đặc biệt là đứa con trai đang học năm cuối đại học với bao niềm tin yêu, hy vọng.
Gã "kỳ nhân" khiến cả xã khâm phục…
Cụ Nguyễn Thị Én, mẹ ruột anh Đỗ Phú Kim năm nay đã 83 tuổi, vừa móm mém nhai trầu, vừa kể chuyện về con trai mình khi chúng tôi hỏi chuyện: “Ngó rứa chứ trời sinh có tật có tài chú à. Hắn (tức anh Kim) từ nhỏ đã tự làm giúp vợ chồng tui những việc lặt vặt trong nhà dù tui thương nó tật nguyền, không cho làm chi hết. Lớn lên, cái hồi lợp lại mái nhà ngói, lúc đó không có người, một mình hắn trèo lên, dỡ ngói ra rồi lợp lại. Trong xóm, ai nấy cũng khen hết trơn. Rồi khi lấy vợ, hắn mở xưởng máy gạo, mở quán trò chơi điện tử, tui thấy cũng lo lắm. Thấy rõ nhất là tiền nong, họ lừa mình thì răng? Với lại mình mù lòa, nhìn mô thấy chỗ hư mà sửa chứ! Nhưng rồi hắn làm được hết trơn...”.
Anh Kim dẫn tôi ra sau nhà, đến xưởng xay xát gạo của anh. Tôi giúp anh bê lấy bao lúa khi anh khởi động máy. Hình như đoán được ý định của tôi, anh ngăn lại. Anh bảo tôi cứ đứng đó chơi, xem anh làm việc cho vui. Từ việc lấy chổi quét xưởng xay xát cho đến việc đổ lúa vào máy rồi lấy gạo ra, anh làm rất nhẹ nhàng, nhanh chóng, không rơi vãi. Từng động tác chính xác như một người sáng mắt làm. Điều ấy làm cho tôi thật sự ngạc nhiên.
Vừa làm giữa tiếng máy chạy ù ù, anh vừa bảo: “Cũng không có chi giỏi giang đâu. Làm miết rồi quen thôi mà. Tui còn sửa được điện, máy xay xát, mô-tơ kia. Mới đầu loay hoay, bị điện giật miết. Nhưng không nản lòng, vẫn cứ mày mò tìm chỗ hỏng và sửa. Chừ cầm vào những thiết bị, máy móc điện đơn giản, tui sửa được hết. Chỉ còn loay hoay với mấy đồng tiền pô-li-me thôi.
Tiền giấy thì tui sờ được. Còn tiền pô-li-me thì hơi nhầm. Nhưng người dân quê nơi đây và trẻ con cũng biết tui vậy nên không lừa lọc làm chi chú à...”. Anh bảo, vợ anh hơi ngớ ngẩn, chỉ biết nấu nướng, giặt giũ và làm việc vặt thôi, còn hầu như anh làm tất cả mọi việc trong nhà. Nhưng anh vẫn bảo như vậy là vui rồi. Có một gia đình để lo toan, vất vả cũng là ước mơ mà nhiều người tìm kiếm cả đời không được...
Ngoài giờ làm việc, anh Đỗ Phú Kim còn lên mạng xem tin tức thời sự cả trong và ngoài nước. Được địa phương cho đi học một lớp tin học ngắn hạn, sẵn chiếc máy vi tính của con trai được học bổng mang về, anh cài phần mềm âm thanh cho phù hợp với mình rồi say sưa với những thông tin mới lạ. Anh vui lắm vì trước đây, anh chỉ biết bóng tối và miệt mài làm việc mà thôi. Giờ, có cái máy vi tính, có phần mềm âm thanh dành cho người khiếm thị, anh biết cả những chuyện xảy ra ở nước ngoài và ở xã mình. Người dân trong thôn, trong xã càng khâm phục anh hơn khi ngày nào anh cũng nắm đúng tin tức và nói lại vanh vách trong khi ở đây còn là một miền quê nghèo, người dân ít quan tâm đến tin tức, thời sự vì suốt ngày phải miệt mài ngoài đồng, ngoài ruộng mới có cái để ăn và nuôi con cái học hành.
Chị Phạm Thị Vang (50 tuổi), một người hàng xóm của anh Kim luôn lấy tấm gương anh Kim để cho con cái mình học tập. Chị khâm phục về sự kiên trì, chịu thương chịu khó dù trong hoàn cảnh rất éo le. Chị bảo bà con hàng xóm vẫn hay động viên, chia sẻ với gia đình anh lúc anh gặp khó khăn, nhất là lúc em gái anh Kim lâm trọng bệnh và qua đời. Chị bảo vui nhất là khi nghe anh Kim kể chuyện tiếu lâm. Anh kể làm ai cũng phải cười.
Nói về người đàn ông này, bà Nguyễn Thị Ngọc, tổ trưởng tổ 3, cho biết: “Anh Kim là người đầu tiên của xã này làm được như vậy. Anh là người giỏi giang, tài ba. Anh đã chứng tỏ cho mọi người biết tuy "tàn nhưng không phế". Và quả thực, chúng tôi thực sự khâm phục khả năng phi thường của anh. Là người mù lòa nhưng anh đã vượt qua số phận, hằng ngày vẫn lao động cần mẫn, và nói thiệt là giỏi hơn những người bình thường mà chúng tôi gặp. Anh có thể sử dụng máy vi tính, máy gạo rất “ngon lành” không giống như người bị mù. Chuyện nuôi cả 6 miệng ăn, rồi nuôi được con vào đại học là chuyện khó với người bình thường huống gì anh là người mù lòa… Nói chung người dân nơi đây luôn tự hào về anh”.