Iran ra dự luật biến phụ nữ thành “máy đẻ”
Các chuyên gia lo ngại nếu 2 dự luật được Iran thông qua, phụ nữ nước này sẽ phải trở thành những "cỗ máy sản xuất em bé".
Ngày 11/3, tổ chức Ân xá Quốc tế đã ra một báo cáo cho hay hai dự luật được Iran đề xuất mới đây sẽ gần như biến phụ nữ nước này thành “máy đẻ” khi họ bị hạn chế hoàn toàn các lựa chọn tránh thai.
Theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế, một trong hai dự luật trên sẽ cấm phụ nữ Iran triệt sản tự nguyện, hạn chế các ca nạo phá thai và ngăn cản phụ nữ tiếp cận với các thông tin về biện pháp tránh thai.
Dự luật thứ hai khuyến khích phụ nữ Iran kết hôn sớm, đồng thời đề ra các điều kiện ngặt nghèo hơn cho việc ly dị. Dự luật này cũng cho phép các ông chủ phân biệt đối xử với các nữ ứng viên tìm việc, đặc biệt là đối với những phụ nữ độc thân và chưa có con.
Theo dự luật này, các giáo sĩ sẽ được huy động để cổ vũ cho một “lối sống Iran Hồi giáo” bắt nguồn từ các giá trị gia đình “truyền thống”, trong đó việc sinh con đẻ cái được coi là nhiệm vụ hàng đầu của phụ nữ.
Hai dự luật trên được Iran đưa ra sau khi tỉ lệ sinh ở nước này giảm liên tục trong nhiều thập kỷ. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 1980, Iran có tỉ lệ trung bình là 7 trẻ em trên một phụ nữ, nhưng đến năm 2014, tỉ lệ này giảm xuống còn 1,85 trẻ trên một phụ nữ. Tỉ lệ sinh đẻ bình thường để có thể duy trì dân số là 2,3 trẻ em trên một phụ nữ.
Từ năm 2012, chính phủ Iran đã tìm cách đảo ngược xu thế này, khi Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi Iran tăng gấp đôi dân số trong vòng 50 năm. Đến tháng 5/2014, ông Khamenei ra một sắc lệnh hối thúc phụ nữ Iran sinh thêm con để “tăng cường bản sắc dân tộc” và chống lại “ảnh hưởng của lối sống phương Tây”.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc lại coi việc giảm tỉ lệ sinh đẻ này của Iran là một trong những chiến dịch kế hoạch hóa gia đình thành công nhất trong lịch sử. Các chương trình giáo dục giới tính và biện pháp tránh thai cho phụ nữ Iran ở trường học đã đóng vai trò trung tâm trong việc giúp phụ nữ kiểm soát việc sinh đẻ của mình và hạ thấp tỉ lệ sinh đẻ.
Tuy nhiên với những dự luật này, tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng các lựa chọn hạn chế sinh đẻ của phụ nữ Iran đang “gặp nguy hiểm”.
Ông Hassiba Sahraoui, phó giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Ân xá Quốc tế nhấn mạnh: “Những dự luật này tiềm ẩn các yếu tố phân biệt giới tính và kéo lùi quyền của phụ nữ Iran xuống hàng thập kỷ. Nhà chức trách đang cổ vũ cho một nền văn hóa nguy hiểm, nơi phụ nữ bị tước bỏ những quyền lợi quan trọng và bị coi như những chiếc máy đẻ”.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu tăng gấp đôi dân số trong 50 năm của Iran là quá tham vọng và thiếu thực tiễn.
Ông Djavad Salehi-Isfahani, giáo sư kinh tế học tại đại học Virginia Tech nhận định: “Sẽ rất khó khăn để thuyết phục phụ nữ rằng những gì họ mong muốn là sai trái, vì trước đó họ đã biết được rằng quyền lợi đó của họ là chính đáng”.
Theo ông Salehi-Isfahani, các dự luật có thể dẫn đến nguy cơ phụ nữ Iran sẽ phải đối mặt với sự tăng giá của các biện pháp tránh thai trên thị trường chợ đen và tìm đến các phòng khám chui để phá thai, gây nguy hiểm cho chính sức khỏe và tính mạng của họ.