Huyện có hàng nghìn người mù vì... hành
Một người bình thường khi nhìn thấy dăm bảy người mù quờ quạng, lầm lũi trong bóng đêm số phận đã choáng, nói chi cái cảnh trực diện với hàng chục, hàng trăm con người không nhìn thấy ánh sáng ngồi xếp lớp với bao âu lo, thảm sầu hằn rõ trên từng khuôn mặt nhợt nhạt, khắc khổ.
Đa phần họ không phải mù bẩm sinh. Họ đã từng là người bình thường, từng sáng mắt nhưng vì số phận, vì cảnh nghèo, vì sự thiếu hiểu biết mà tự đẩy mình vào bóng đen vĩnh viễn.
Gọi Vĩnh Châu là "vương quốc bóng tối", hẳn rằng điều ấy sẽ khiến không ít cư dân địa phương, nhất là các vị lãnh đạo phật lòng. Nhưng một huyện (nay là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) mà có hơn 1.000 người bị mù, dân tình gọi "vương quốc" hẳn cũng có cái lý của họ!
Những tâm sự đắng lòng…
Tìm về thủ phủ hành tím Vĩnh Châu, mới biết được rằng nghề trồng hành đã mang đến cho vùng đất này những con số ấn tượng: Vĩnh Châu có hơn 5.000 ha hành, hơn 5.000 hộ trồng hành và khoảng 2.000 hộ chuyên sinh sống nhờ vào việc làm thuê cho các chủ trang trại hành vào vụ. Mỗi năm Vĩnh Châu cung ứng trên dưới 50.000 tấn hành cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, chủ yếu Indonesia và Nhật. Với những con số ấn tượng ấy, Vĩnh Châu được xem là "thủ phủ" hành tím của không chỉ phạm vi đồng bằng sông Cửu Long mà còn là của cả nước. Vì là "vương quốc hành" nên khi cận tết, khi vào mùa hành, đến Vĩnh Châu sẽ thấy làng làng trồng hành, nhà nhà trồng hành. Không khí tươi vui, tất bật.
Vĩnh Châu là địa phương chiếm kỷ lục cả nước về số lượng người mù
Cây hành đã mang đến cuộc sống cơm áo cho người dân Vĩnh Châu, giúp nhiều người làm giàu, mang lại công ăn việc làm cho biết bao người nghèo khó, điều ấy ai cũng rõ. Nhưng bên cạnh niềm vui, cây hành cũng để lại rất nhiều nỗi buồn khi mang đến sóng gió cho nhiều gia đình, tước đi của không ít hộ dân thứ được gọi là hạnh phúc và ánh sáng. Trong bóng tối dày đặc, như nhiều người mù khác ở ấp Cà Lăng A Biển (xã Vĩnh Châu, nay là phường 2, thị xã Vĩnh Châu), bà Thạch Thị Bé, 54 tuổi, thổ lộ rằng ánh sáng mà bà và nhiều người khác bị cây hành tước đoạt là ánh sáng của cuộc đời, ánh sáng của đôi mắt.
Xuyên suốt Vĩnh Châu, nhói lòng khi bắt gặp rất nhiều người sống trong cảnh mù lòa như bà Bé, nhiều người hãy còn rất trẻ, chưa đến 30 tuổi đã trở thành phế nhân. Cái sự nhói lòng ấy càng trĩu nặng khi chúng tôi theo chân nhóm thiện nguyện Vô Thường đến từ TP HCM ghé Tịnh xá Ngọc Châu Như ở xã Vĩnh Châu do ni sư Như Huệ làm trụ trì. Trong khuôn viên chùa có hàng trăm người mù đang chờ đợi đoàn từ thiện phát tặng quà. Họ gồm đủ độ tuổi, họ ngồi xếp lớp, quờ quạng với nỗi đau số phận chẳng biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Bước vào khuôn viên chốn thiền của vị nữ tu dành cả đời tuyên chiến với bóng tối, luôn nặng lòng với những phận người mù, thấy dưới tán cây bồ đề có cô gái gương mặt rất sáng, đeo kính đen ngồi thẫn thờ, hỏi chuyện mới biết đó là Châu Thị The, 27 tuổi, bị mù từ 5 năm trước. The cho biết cô gắn bó với nghề trồng hành từ năm 15 tuổi và đã nhiều lần cay xốn mắt do tác hại của phấn hành: "Đến năm 20 tuổi thì "em đau nặng, chữa hoài hổng hết, lúc được một Mạnh Thường Quân biết chuyện đưa lên TP HCM chữa trị thì bác sĩ lắc đầu báo hung tin "sẹo giác mạc, vô phương cứu chữa" - The kể lại sự việc trong đau đớn.
Có cảnh sống nào thê thảm hơn cái cảnh một người phải vùi cuộc đời tươi trẻ trong bóng đêm dằng dặc hết năm này sang năm khác, cho đến hết cuộc đời tuổi trẻ, đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Hỏi The ước mơ điều gì nhất, cô gái nhìn đời qua bóng tối, nở nụ cười buồn: "Em chỉ ước mình được nhìn thấy chính mình, thế thôi anh".
Người ta ước mong được nhà cao cửa rộng, được thăng quan tiến chức, riêng The chỉ mong ước nhỏ nhoi như thế. Được nhìn thấy chính mình, với những người sáng mắt, điều ấy hiển nhiên nhưng với The và biết bao chàng trai cô gái khác ở Vĩnh Châu, cái điều đời thường hiển nhiên ấy lại là khái niệm xa xỉ: "Đời em chôn chặt với bóng tối rồi" - The lặng lẽ thở dài.
Thử nhắm mắt lại, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một phút một số thành viên nhóm thiện nguyện đã vội đầu hàng. Đằng này The phải vò võ trong bóng đêm, bước trên đường đời trong bóng đêm hàng bao năm nữa, một quãng đường quá dài mà nếu không bản lĩnh, không nghị lực, cô gái đáng thương này khó có thể trụ vững: "Rồi cũng phải thích nghi thôi anh, chứ khóc lóc, than vãn thì có giải quyết được gì, có cứu vãn được gì!" - lần này The rắn giọng.
Ở Vĩnh Châu, câu chuyện thân phận đời người buồn như The, sầu thảm như The, đau đớn như The... kể sao cho hết. Khẽ thở dài, ni sư Như Huệ tâm tình với một người mù bẩm sinh, có lẽ chuyện sống trong bóng tối không quá nặng nề như những người đang sáng nay chẳng nhìn thấy gì. Nên để có thể thích nghi với bóng tối, những người như The phải mạnh mẽ, phải đấu tranh tâm lý "dữ" lắm!".
"Đời là bể khổ". Với ai đó, điều này là phi lý, là hoàn toàn sai nhưng với những phận người phải ăn đời ở kiếp với cảnh tăm tối, mù lòa, điều ấy chẳng có gì để phải bàn cãi. "Không chỉ là bể khổ mà khổ đến vô cùng, khổ đến không thể khổ hơn. Làm sao không khốn khổ khi lúc khỏe, lúc sáng mắt phải chạy ăn từng bữa mà đã muốn hụt hơi. Còn bây giờ, bóng tối phủ dày, chẳng thể làm gì được, đành bất lực với mọi sự" - anh Thạch Bảo, 31 tuổi, đau đớn cho hay.
Hỏi Vĩnh Châu có bao nhiêu người mù, ông Lý Diên, 63 tuổi, công an viên ấp Sài Con, xã Vĩnh Châu, bảo rằng nhiều đếm không xuể. Rồi ông bảo người ta mù do làm hành, do ảnh hưởng của phấn hành, bản thân ông cũng có vấn đề về mắt và vì quá sợ cái cảnh mù nên gia đình ông bỏ nghề trồng hành. Cũng theo tâm sự của ông Lý Diên, từ một số thông tin, ông được biết toàn huyện có trên dưới 1.000 người mù, trong đó có hơn 300 người bị mù vĩnh viễn. "Có gia đình 5 người nhưng chỉ có 3 con mắt, mà trong 3 con mắt đó có con chỉ thấy lờ mờ, chẳng biết mai này có mù hẳn" - ông Diên đắng giọng.
Theo ghi nhận của ni sư Như Huệ, con số mà thầy trực tiếp khảo sát, ghi nhận có đến trên dưới 1.500 người mù và tàn tật ở Vĩnh Châu: "Trong tổng số ấy có khoảng 300 người mù hoàn toàn, 600 trường hợp mờ mắt, bị múc bỏ một mắt và số còn lại là người khuyết tật, tàn tật, bại liệt, bán thân bất toại" - ni sư Như Huệ chùng giọng: "Đây là con số mà thầy ghi nhận được, thực tế có khi hơn".
Những hình ảnh nhói lòng ở "vương quốc" bóng tối Vĩnh Châu
Bao giờ giông gió đi qua?
Những bậc cao niên cho biết, câu chuyện "làng mù" Vĩnh Châu được phát hiện vào năm 1995. Sau khi bão số 5 đi qua, trong quá trình thống kê thiệt hại, người ta mới phát hiện Vĩnh Châu có quá nhiều người nghèo bị mù nhưng vì lâu nay bà con sống trong xóm ấp sâu xa, khi bị bệnh thì cắn răng chịu đựng nên ít ai hay biết. Khi thông tin buồn ấy lan rộng, đã có nhiều cơ quan, ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước tìm đến Vĩnh Châu sẻ chia. Họ giúp tiền, giúp nhu yếu phẩm, họ đưa những cư dân đã và đang bị các chứng bệnh về mắt đi khám chữa trị. Họ giúp những người bệnh nghèo giành giật lại ánh sáng cũng như nâng cao ý thức tự bảo vệ mắt đối với người làng hành như đeo kính bảo vệ khi ra đồng, đến cơ sở y tế thay vì tự điều trị... để rồi bị viêm loét giác mạc, dẫn đến tình trạng vô phương cứu chữa.
Đề cập đâu là "hung thủ" đích thực gây nên thảm cảnh khiến hàng bao con người lâm cảnh mù lòa ở Vĩnh Châu, không ít người khẳng định đó chính là phấn hành. Phấn hành xộc vào mắt, gây các chứng tổn thương về mắt khiến biết bao chàng trai cô gái tràn đầy sức sống trở thành phế nhân. Và biết bao đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn bỗng dưng chịu cảnh đắng cay, phía trước là bầu trời tăm tối.
"Sau khi thu hoạch, để giữ hành được lâu mà không bị thối thì mình phải vô phấn, nghĩa là pha một số hóa chất với bột đất để ướp củ hành. Tùy thời gian để lâu hay mau mà lượng hóa chất trộn làm phấn hành được sử dụng nhiều hay ít, càng nhiều thì càng độc hại. Quá trình tiếp xúc với những chất pha trộn này khiến mắt tôi bị tổn thương, lúc đầu mờ dần và sau thì mù hẳn" - đấy là tâm sự của anh Thạch Bé, 32 tuổi, trụ cột của gia đình vợ đau yếu và 3 đứa con còn nhỏ. Bé kể căn nguyên dẫn đến việc đôi mắt của anh bị sẹo giác mạc vô phương cứu chữa với nỗi buồn vô hạn.
Ni sư Như Huệ năm nay ngoài 60 tuổi. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Vĩnh Châu nên hơn ai hết bà hiểu rất rõ cội nguồn dẫn đến vấn nạn mù ở địa phương mình. Ni sư khẳng định nếu đổ lỗi mọi sự do phấn hành là không chuẩn xác: "Mùa thu hoạch hành là thời điểm mà Vĩnh Châu có nhiều người bị các chứng bệnh về mắt nhất. Sẽ chẳng có quá nhiều người bị mù lòa nếu như khi bị phấn hành, hóa chất xộc vào mắt được chữa trị kịp thời, đúng cách" - ni sư, bộc bạch: "Do ít kiến thức, ý thức kém mà bà con làm khổ cho chính mình và người thân. Mắt ngứa, mắt đau, vậy là họ tự chữa. Họ tìm hái một số loại cây lá theo mách bảo truyền miệng, giã nát rồi dùng chiếc khăn mà mình hay quấn đầu, lau mồ hôi vắt lên mắt, để lá cây thuốc dập nhỏ lên trên. Đang bị tổn thương, nay bị đắp thuốc với chiếc khăn mất vệ sinh nên mắt chóng lành đâu không thấy, chỉ thấy biến chứng càng thêm nguy kịch và hậu quả dẫn đến cảnh mù".
Nói chuyện người dân tiếp xúc với độc chất mà cứ như giỡn chơi, ni sư Như Huệ có cả "kho": Phấn hành độc hại là vậy nhưng người trồng hành ở Vĩnh Châu thờ ơ, xem nhẹ tính chất nguy hiểm của nó. Khi vào phấn hành, họ chẳng dùng bất kỳ biện pháp phòng tránh nào. Hành được vào phấn rồi, vậy là người ta chất đầy trong nhà, cùng ăn cùng ở với hóa chất độc hại.
"Những lần đi khảo sát, thấy có nhiều bà mẹ khi đi làm công cho người ta mang theo con trẻ để dễ bề trông coi. Điều này khiến không chỉ mẹ mà cả bé cũng tiếp xúc với phấn hành. Đây cũng là lý do khiến nhiều trẻ em chưa kịp lớn đã bị mù" - ni sư Như Huệ, trăn trở: "Trong quá trình tiếp xúc với phấn hành, trong không gian bụi phấn mịt mù, nhiều người thản nhiên dùng tay dính đầy phấn dụi mắt, quệt trán lau mồ hôi…, chẳng bận tâm rằng điều này khiến đôi mắt của mình dễ bị dính hóa chất".
Chỉ còn vài tháng nữa tết sẽ về với mọi nhà. Năm hết tết đến là Vĩnh Châu vào mùa hành. Mùa hành qua đi, số người mắc các bệnh về mắt và bị mù ở Vĩnh Châu sẽ lại gia tăng. Cứ nghĩ cái cảnh cả ngàn con người đang sống trong cảnh tăm tối, chợt thấy nao lòng. Lẽ nào người dân Vĩnh Châu cứ phải sống mãi, cứ phải ăn đời ở kiếp với cái cảnh trời kêu ai nấy dạ? Đành rằng ý thức giữ gìn, phòng bệnh của bà con còn nhiều hạn chế nhưng nói như thế không có nghĩa là chấp nhận cảnh bó tay. "Chuyện nhiều người tìm đến Vĩnh Châu san sẻ yêu thương, tặng quà, đưa người dân đi chữa bệnh suy cho cùng đó chỉ là cách giúp đỡ mang tính chất “chữa lửa”. Cần nhất là các cơ quan chức năng, ban ngành hỗ trợ bà con cách thức thay thế các loại hóa chất an toàn hơn trong việc bảo quản hành. Được như thế mới mong chuyện bóng tối không còn là nỗi ám ảnh với người làng hành".
Rời Vĩnh Châu, mà chúng tôi nhớ mãi ước mong đến trĩu nặng ấy của ni sư Như Huệ. Lòng thầm hỏi đến bao giờ, mong ước của ni sư Như Huệ sẽ thành hiện thực để giông gió của "làn sóng mù" thôi không còn là nỗi ám ảnh với người dân ở nơi được mệnh danh "vương quốc bóng tối".