Hơn 5.000 hồ chứa không có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp
Trong số 7.342 đập, hồ thủy lợi trong cả nước mới chỉ có 28% hồ có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và 12% số hồ lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Tại hội thảo quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều địa phương và chuyên gia cho rằng, công tác vận hành hồ chứa còn nhiều bất cập và khó khăn.
Ông Nguyễn Đăng Hà - Trưởng phòng an toàn đập và hồ chứa nước, Cục Thủy lợi - cho biết từ năm 2003 đến nay ngành thủy lợi cả nước đã sửa chữa hơn 1.500 hồ chứa lớn có dung tích 3 triệu m3 trở lên, với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn 337 hồ chứa bị hư hỏng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp, tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ, đập.
Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước.
Hiện nay, khu vực hạ du đang hình thành các đô thị, thành phố dẫn đến hệ quả hành lang thoát lũ của các hồ chứa thủy lợi đang bị thu hẹp lại. Lưu lượng xả của các hồ chứa nếu xả theo thiết kế sẽ gây ngập lụt cho hạ du.
Hồ thủy lợi Đắk N'Ting ở Đắk Nông gặp sự cố trong mưa lớn, nguy cơ vỡ đập
Trong khi đó, theo ông Hà, việc dự báo tình hình mưa, bão, lũ ở nhiều nơi cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn khi đưa ra những kịch bản, chủ động phân xả lũ, ngăn lũ.
"Các hồ thủy điện, hồ thủy lợi cần hoàn thiện cơ chế vận hành và thông tin đến người dân một cách kịp thời, tránh tình trạng xả lũ xong mới báo để người dân trở tay không kịp", ông Hà kiến nghị.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cũng nêu ra thách thức trong vận hành hồ chứa gắn với yêu cầu chống lũ ở hạ du, đặc biệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên cùng lưu vực.
"Chúng ta đang bị động trong công tác quan trắc dự báo, cảnh báo mưa và dòng chảy về hồ. Điều này dẫn tới việc các chủ hồ đang vận hành hồ theo kiểu "lái mù", nghĩa là mưa thì mở cửa xả lũ, không mưa thì đóng cửa. Hệ quả gây ra những rủi ro như xả lũ nhân tạo, lũ chồng lũ cho hạ du", ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi, trong số 7.342 đập, hồ thủy lợi trong cả nước mới chỉ có 28% hồ có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và 12% số hồ lắp đặt thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Trong khi, hiện nay tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nhiều thách thức đặt ra trong việc vận hành hồ chứa. Vì vậy, ông Phòng đề nghị các địa phương cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và đưa ra quyết định tích nước, xả lũ để "vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa đảm bảo nguồn nước cho mùa khô".
"Bộ sẽ tổng hợp ý kiến của các tỉnh, chuyên gia kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ thủy lợi chứ không để ngành cứ mãi ăn đong được", ông Phong nói.
Ông Phong cho biết thêm Bộ NN&PTNT đang ưu tiên kinh phí để xây dựng quy trình vận hành thông minh cho bốn hồ chứa lớn quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia gồm hồ Dầu Tiếng, Cửa Đạt, Ngàn Trươi và Tả Trạch.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún ở hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) không phải do mưa mà có một cung sạt trượt tại...