HN xây 8 cầu vượt giảm ùn tắc giao thông

Trong gần 2000 nghìn tỷ đồng chi cho giảm ùn tắc giao thông Hà Nội sẽ có 1000 tỷ dành cho xây dựng cầu vượt. Đây là nội dung trong dự thảo về giảm thiểu ùn tắc giao thông Hà Nội 2012- 2015 nhận được sự ủng hộ của tất cả đại biểu tham gia kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội lần này.

Sáng nay (13/7), Kỳ họp thứ 5 khoá XIV Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thảo luận về Đồ án giao thông vận tải Thủ đô HN đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Nghị quyết về chương trình giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
TP Hà Nội đặt mục tiêu giảm tối thiểu 27/89 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại trong giai đoạn 2012-2015. Duy trì không để phát sinh điểm ùn tắc mới trên địa bàn Thành phố.

Để đạt được điều này, nguồn vốn cần thiết là 1944 tỷ đồng. 1000 tỷ trong số đó sẽ dành để xây 8 cây cầu vượt tại ở một số nút giao thông quan trọng thường xuyên ùn tắc như nút Kim Mã - Liễu Giai (Daewo), nút Bạch Mai - Đại Cồ Việt, nút Nguyễn Chí Thanh, nút Lê Văn Lương. Cầu cho người đi bộ qua đường khu nhà ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Xây dựng bổ sung thêm cầu mới cạnh cầu cũ để tăng năng lực thông hành chống ùn tắc giao thông tại vị trí các cầu: Cống Mọc, cầu Yến Vĩ, cầu Mỹ Hưng...

HN xây 8 cầu vượt giảm ùn tắc giao thông - 1

Kỳ họp HĐND TP Hà Nội thứ 5 khoá XIV

Đại biểu Nguyễn Đình Dương đặt vấn đề: “Để giảm ùn tắc phải mở rộng đường, nhưng có những điểm “đen” ùn tắc không thể mở được nữa thì làm thế nào? Cần phải phân tích rõ lộ trình cụ thể mới đảm bảo được kết quả của gần 2000 tỷ”.

Đại biểu Nguyễn Tấn Thịnh cũng đồng quan điểm: “Trong nội dung chương trình cần phải ghi chi tiết hơn các dự án. Muốn thực hiện được giảm ùn tắc 27 điểm cũng là cả một sự phấn đấu”. Đặc biệt, đại biểu Thịnh thắc mắc về nguồn vốn: “Dự toán ngân sách năm 2012 đã thông qua chi 558 tỷ cho ùn tắc giao thông. Tức là phần chi đã vượt ra ngoài dự tính, trong khi thu ngân sách năm nay sẽ gặp khó khăn do tình hình kinh tế bất ổn. Chúng ta cần phải xác định điều chỉnh, cân đối ngân sách, nếu không dự án sẽ khó mà khả thi”.

Giải trình về điều này, ông Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, để giảm ùn tắc 27 điểm thì Uỷ Ban sẽ có kế hoạch từng năm một. Riêng cuối tháng 5 vừa rồi, thi công xây dựng 2 cầu vượt ở Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, chi phí hết khoảng 350 tỷ, chưa kê các công trình ngầm”.

Trấn an nỗi lo về nguồn vốn, đại biểu Nguyễn Văn Nam (Trưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội) khẳng đinh: “ Về nguồn vốn sẽ có phương án xử lý là tăng thu. Nếu không, có thể sử dụng trong dự phòng ngân sách còn hơn 1000 tỷ. Việc giảm ùn tắc giao thông là việc cấp bách nên chúng ta cứ yên tâm về nguồn vốn!”.

Bên lề cuộc họp, đại biểu Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội) cho biết “Khó khăn nhất trong giảm ùn tắc giao thông Hà Nội là nguồn lực. Để thực hiện chương trình cần huy động nhiều nguồn vốn như ngân sách nhà nước, ODA, sự chênh lệch địa tô… Trước mắt, giải pháp giảm ùn tắc là xây dựng các cây cầu vượt. Hiện tại hai cây cầu vượt ở khu vực Thái Hà, Láng Hạ đang được xây dựng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN