HN bóc đường nhựa, phủ bê tông: Theo tư vấn

Hà Nội bóc mặt đường nhựa lên để thay bằng đường bê tông một phần bởi chịu sự tư vấn về mặt kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) để bảo đảm dự án có hiệu quả.

Thông tin một số đoạn trên tuyến đường xe buýt nhanh chạy từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa được bóc lớp đường nhựa, làm đường bê tông xi măng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 13/8, ông Phan Đăng Long – Phó Ban Tuyên giáo cho biết, tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhanh có chiều dài 14,7km, từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa.

Trong đó, có 3,3km đường chất lượng không bảo đảm, vì vậy phải thay thế đoạn đường nhựa này bằng đường bê tông xi măng. Bởi đường sử dụng cho xe buýt nhanh đòi hỏi chịu được tác động của tải trọng, tác động của lực hãm phanh khi dừng đỗ, đảm bảo không gây hư hỏng, phá hoại mặt đường trong quá trình khai thác..

“Những đoạn đường có thời gian sử dụng nhiều năm không đáp ứng được yêu cầu đường xe buýt nhanh, nên phải bóc để thay thế bằng đường bê tông. Việc làm này hoàn toàn do đáp ứng yêu cầu kỹ thuật”, ông Long nói.

Ví dụ tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ xây dựng từ năm 1985, đến nay khai thác được 28 năm; đường Lê Văn Lương khai thác 10 năm...

HN bóc đường nhựa, phủ bê tông: Theo tư vấn - 1

Một đoạn đường nhựa Lê Văn Lương (Hà Nội) bị bóc lên để thay bằng bê tông

Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, dự án này sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) nên cũng chịu tư vấn về mặt kỹ thuật để bảo đảm dự án có hiệu quả.

“Khi một số báo đưa tin, WB có phàn nàn với Ban quản lý dự án không tuyên truyền tốt cho người dân và báo chí hiểu. Điều này cũng gây cản trở dự án và khó khăn vay vốn”, vị Phó ban Tuên giáo cho hay.

Trước đó, đầu tháng 8/2013, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản cho rằng, báo chí phản ánh đào bóc mặt đường cũ thay thế bằng mặt đường bê tông thể hiện sự lãng phí là thiếu cơ sở.

Sở GTVT Hà Nội đưa ra hàng loạt lý do như xe buýt nhanh có đặc điểm chạy với tần suất cao (khoảng 3 - 5 phút một chuyến), tốc độ nhanh và phải dừng đỗ thường xuyên tại các nhà chờ. Do vậy đòi hỏi kết cấu mặt đường cho làn dành riêng phải có cường độ cao, chịu được tác động của tải trọng trùng phục và tác động của lực hãm phanh khi dừng đỗ, đảm bảo không gây hư hỏng, phá hoại mặt đường trong quá trình khai thác...

Sở GTVT cũng cho biết, tuyến đường này do đơn vị tư vấn có nhiều năng lực, kinh nghiệm thực hiện lập dự án và thiết kế kỹ thuật (đã từng thiết kế tuyến xe buýt nhanh tương tự ở một số nước trên thế giới).

Trong quá trình lập, phê duyệt dự án và thiết kế kỹ thuật, đơn vị này đã lấy ý kiến các bộ ngành liên quan; đã được Bộ Xây dựng thẩm định; Ngân hàng Thế giới xem xét chấp thuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN