Hè sang, làng quạt giấy vào mùa

Cứ độ chớm hè là người dân xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại tất bật vào vụ. Những bàn tay khéo léo của những nghệ nhân của gió cứ miệt mài làm ra những chiếc quạt xóa tan đi cái nắng nóng ngày hè. Giờ đây lợi nhuận từ những chiếc quạt giấy truyền thống đã mang lại cho người dân nơi đây thu nhập ổn định hơn.

Sản xuất hàng cho ngày… mất điện

Cách chùa Tây Phương khoảng chừng 2km, chúng tôi cứ thẳng tiến theo những chiếc xe tải rầm rập về Chàng Sơn. Hình ảnh những chiếc xe tải vào bốc hàng lại túa đi khắp nơi hứa hẹn một mùa bội thu đối với dân làng.

Đi đến đầu xóm Giáo, xã Chàng Sơn chúng tôi dừng lại tại xưởng sản xuất Dung Tuấn ngay sát mặt đường. Những cô gái trẻ chừng đôi mươi với bàn tay thoăn thoắt bôi quết bột hồ lên những chiếc nan tre dán quạt rất chuyên nghiệp và điệu nghệ.

Ngồi ngổn ngang với đống quạt giấy, chúng tôi bắt chuyện với Chi, cô bé nhỏ tuổi nhất ở đây, Chi chia sẻ: “Em mới 15 tuổi thôi, nhưng làm quạt từ lúc lên 7. Ở làng không ai là không biết làm quạt cả, những công đoạn khó thì người lớn làm, còn trẻ con thì làm quạt nhỏ, dán hoặc xếp quạt thành sản phẩm…”.

Đôi bàn tay thoăn thoắt dính đầy keo bột sắn, chị cả Yến vừa làm vừa tươi cười nói: “Ôi, cứ đến vụ là chúng em làm nhiều lắm. Ở nhà làm hết việc lại qua xưởng này làm thêm, với tốc độ như này mà không phải tiếp chuyện nhà báo thì mỗi ngày mình em làm được 800 cái quạt, đấy là riêng khâu dán giấy nhé. Tính ra mỗi ngày em có công khoảng 50 nghìn, cũng nhàn hơn làm những việc khác…”.

Hè sang, làng quạt giấy vào mùa - 1

Trong ngõ nhỏ, bà Nguyễn Thị Thân và Nguyễn Thị Mơ đang hoàn thành những chiếc quạt văn công

Cũng tại xưởng làm quạt này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những công đoạn để làm ra một chiếc quạt giấy. Không quá cần nhiều kĩ thuật nhưng cần độ tỉ mỉ và kiên trì. Các em nhỏ tuổi thì xếp quạt đã khô, các chị lớn hơn thì dán quạt. Mỗi khâu đều nhanh gọn và làm theo một dây chuyền. Nói về sự chuyên môn hóa ở làng nghề, ông Lê Văn Thiệp một người chuyên cung cấp khung quạt tre cho biết: “Làng nghề giờ làm quy mô lớn lắm, chuyên môn hóa nữa nên mỗi nhà đảm nhận từng khâu. Nhà tôi chuyên chẻ tre làm khung và bắn lỗ định vị quạt, mỗi ngày xuất đi hơn nghìn cái…”.

Làng sống nhờ quạt

Đến Chàng Sơn, hình ảnh những chiếc quạt giấy được phơi kín đường, phơi trên những chiếc dây thừng từ trong nhà ra đến tận ngoài ngõ độ vào hè này là không hiếm. “Chẳng biết làng nghề có từ bao giờ, chỉ biết là lớn lên tôi đã thấy có quạt treo khắp ngõ, nhà nào cũng làm quạt. Tuổi thơ chúng tôi gắn liền với những chiếc quạt giấy, dù ở làng có rất nhiều các nghề khác, nhưng dường như nghề làm quạt này là sống và trụ lại được lâu bền nhất ”- bà Nguyễn Thị Thân, 62 tuổi chia sẻ với chúng tôi.

Ông Dương Văn Mơ một nghệ nhân có công khôi phục làng nghề làm quạt nổi tiếng này cho biết: “Ngay từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và đã từng được người Pháp đưa sang thủ đô Paris triển lãm. Bước vào thời kỳ đổi mới, cả xã Chàng Sơn gần 1 vạn dân thì có đến 3.000 người làm nghề quạt, mỗi ngày trung bình cung cấp cho thị trường 7-8 vạn quạt các loại. Kiểu dáng và mẫu mã rất đa dạng. Vài năm gần đây, hàng vạn chiếc quạt Chàng Sơn đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc…”.

Ở đây, không chỉ có những chiếc quạt giấy tím đơn thuần mà xuất hiện thêm rất nhiều mẫu mã và chất liệu phong phú khác. Theo chỉ dẫn của ông Mơ, chúng tôi tìm đến nhà chị Hải Lưỡng, chuyên thuê phất quạt và xuất những chiếc quạt nghệ thuật, quạt múa, quạt vẽ…

Ngay đầu nhà, hai chiếc xe tải to đang chất hàng, chị Hải vừa tiếp chuyện chúng tôi, vừa chốt sổ hàng xuất. Chị cho biết: “Ấy các em đến không đúng dịp rồi, nhà chị mới xuất một lô hàng về quạt múa, muốn tham quan cũng khó, đợt này chỉ làm quạt vẽ và quạt lụa thôi. Nhà chị có đến hơn chục hộ làm “phất thuê”. Khách hàng đặt loại nào thì chị có loại đó.

Quả thật, tại Chàng Sơn loại nào cũng có, những chiếc quạt mới với mẫu mã mới như quạt lụa in chữ, quạt vẽ với những hình danh lam thắng cảnh, quạt múa (quạt văn công) đều là hàng kĩ và được đặt người dân mới sản xuất. Chính vì thế giá thành cũng cao hơn nhiều. Ở đây có những chiếc quạt đến 70-80cm, chiếc lớn nhất đến 105cm. Chị Hải phân trần: “Đắt nó xắt ra miếng em ạ, những chiếc quạt giấy là hàng thông thường nên giá thành không cao mấy, nhưng những chiếc quạt lụa, quạt vẽ đắt ở công in lên vải, rồi nguyên liệu…”.

Giờ đây chiếc quạt Chàng Sơn còn được xuất ra tận nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập đều đặn cho người dân nơi đây. Chẳng ai nói, nghề làm quạt là nghề phụ nữa. Giờ đây nhà nhà làm quạt, người người làm quạt. Những chiếc quạt không đơn thuần để làm mát những ngày hè mà còn là vật giải tỏa những ưu phiền, chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người.

Chia tay làng nghề Chàng Sơn chúng tôi được chị Hải kỉ niệm hai chiếc quạt lụa in chữ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hòa (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN