Hành trình 50 năm đèn sách nuôi giấc mộng thạc sĩ của lão nông U70
Dù tuổi ngoài 70 nhưng ông Lương Tuyển vẫn cần mẫn cắp sách tới trường cùng những người “bạn học” đáng tuổi cháu mình để lấy bằng thạc sĩ Luật…
Hơn nửa thế kỷ đi…học
Ông Lương Tuyển (70 tuổi) sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chỉ mới 8 tuổi, ông bắt đầu kiếp ở mướn, chăn bò thuê cho các nhà giàu ở trong vùng. May mắn, ông được ông chủ thương, cho đi học hết lớp nhất, tương đương với lớp 5 bây giờ. Tròn 18 tuổi, ông theo nghiệp lính, phục vụ trong trạm quân y. Tuy nhiên, chiến tranh loạn lạc, ông vẫn cố gắng tham gia lớp bổ túc văn hóa từ lớp 6 đến lớp 9.
Năm 1975, hòa bình lập lại, ông giải ngũ trở về quê, đảm đương chức cán bộ thú y ở xã Ninh Quang. “Vốn bản tính ham học, tôi ghi danh tham gia lớp bổ túc văn hóa nhưng thời gian này có chính sách ưu tiên cán bộ cao cấp đi học nên tôi bị từ chối. Trong cái rủi có cái may, hơn một năm sau, lớp rơi rụng dần còn 11 người. Số lượng học sinh ít mà các thầy, cô thấy tôi ham học nên cũng thương tình cho vô học “ké”. Hồi đó khổ lắm! Học bổ túc vào ban đêm, đạp xe đường rừng 12km từ Ninh Quang về thị xã Ninh Hòa nhưng mưa gió gì tôi cũng mượn xe đạp hợp tác xã để đi học cho kịp giờ. Khó khăn cực nhọc rồi cũng được đền đáp khi tôi tốt nghiệp 12 vào năm 1980, lúc đó tôi mới… 33 tuổi”, ông Tuyển chia sẻ.
Ông Lương Tuyển nhận bằng đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh
Những năm đầu sau giải phóng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, việc học chỉ có thể lùi lại vào ban đêm còn ban ngày phải tập trung cho công việc đồng áng. Dù vậy, chưa đêm nào ông chịu đi ngủ nếu như chưa ngồi vào bàn học một vài tiếng. Không có tiền mua sách vở, ông lội bộ trong xã, ngoài huyện hỏi mượn sách vở, để tối về thắp đèn dầu ngồi nghiền ngẫm hàng giờ liền. Năm 1982, ông Tuyển theo học trung cấp chăn nuôi thú y ở Phú Yên. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông mắc chứng lao phổi, phải nghỉ học giữa chừng.
Ông Tuyển nhớ lại: “Lúc đó, thân mang bệnh, vợ ở quê một mình nuôi con nhỏ, công việc đồng áng thì không ai cáng đáng nên tôi định bỏ học. Thế nhưng, được vợ động viên, tôi nghỉ ngơi một thời gian lại cơm đùm, gạo bới ra lại Phú Yên học hết khóa học”.
Tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp, ông Tuyển được giao nhiệm vụ làm trưởng trại heo của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ninh Quang, sau đó “lên chức” phó chủ nhiệm HTX. Từ năm 1997, ông là chủ nhiệm HTX Ninh Quang cho đến nay. Hiện ông Tuyển là một trong những chủ nhiệm HTX cao tuổi nhất và tại vị lâu nhất trên toàn tỉnh Khánh Hòa.
Song song với thời gian làm chủ nhiệm HTX, ông Tuyển cũng chăm chỉ nối dài sự học “suốt đời” của mình. Năm 2001, ông tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh trường đại học Mở bán công TP.HCM. Đến năm 2010, ở tuổi 63, ông Lương Tuyển nhận tấm bằng đại học Luật TP.HCM, chuyên ngành Luật học. Ở cái tuổi của ông, khi nhiều người đã lui về an thú điềm viên, vui vẻ tuổi già bên con cháu, ông vẫn chưa muốn dừng lại. Năm 2011, ông tiếp tục thi cao học tại trường đại học Luật TP.HCM.
Ngày ông khăn gói vào Sài Gòn dự thi, không ai nghĩ ông đỗ, vậy mà ông đã làm được. Thấm thoắt cũng đã 5 năm kể từ ngày ấy, ông vẫn miệt mài bên đống tài liệu, ghi ghi chép chép. Dù đã nhiều lần phải gián đoạn, có lúc tưởng phải bỏ dở ước mơ nhưng bằng sự đam mê, lòng hiếu học, ông Tuyển đã vượt qua tất cả. Hiện, ông đang hoàn chỉnh những trang luận văn cuối cùng để chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ Luật.
Ông Tuyển được mệnh danh là vị chủ nhiệm HTX "tại vị" lâu nhất tại Khánh Hòa và được bộ NN&PTNT trao kỷ niệm chương
Khi được hỏi, động lực nào khiến ông “chiến đầu” với sự học một cách bền bỉ như vậy, ông Tuyển mỉm cười cho biết: “Trong thời gian đi học đại học, nhiều người nói tôi chểnh mảng công việc. Thậm chí, có người còn nghi ngờ tôi “ăn cắp” tiền của HTX đi học nhưng tôi đã chứng minh được rằng việc tôi học những kiến thức bổ ích giúp tôi giải quyết công việc tốt hơn và tôi không hề đụng đến một đồng của tập thể. Dần dần, mọi người cũng hiểu. Bên cạnh đó, đồng lương ít ỏi từ chức chủ nhiệm HTX không đủ để trang trải việc học, tôi phải dành thêm công sức và tâm huyết vào trang trại cây ăn trái và trồng rừng. Cũng nhờ nguồn hoa lợi hàng năm từ khu vườn rộng 10 ha này mà ông có thêm tiền để lo cho việc học”.
“Nhiều người hỏi tôi làm ở HTX và trang trại ở nhà thì cần gì mà phải học nhiều thế, tôi nói đã là học thì biết bao nhiêu cho đủ. Đam mê học của tôi cũng có ích khi truyền thêm cảm hứng cho thế hệ con cháu”, ông Tuyển chia sẻ.
Tấm lòng người vợ sau hơn 40 năm “nuôi chồng” đi học
Với ông Tuyển, sự học là đam mê, là khát vọng, là ngọn lửa cháy bỏng đi cùng năm tháng thì người chắp cánh cho ước mơ ấy luôn rừng rực lửa chính là bà Trần Thị Xương (63 tuổi), là người vợ thủy chung, son sắt, một nắng hai sương tần tảo nuôi chồng đi học.
Chia sẻ về nghiệp đèn sách của người bạn đời, bà Xương cười hiền, nhớ lại: “Hồi xưa, hai chúng tôi lấy nhau cũng vì chữ duyên chứ anh ấy mồ côi, còn gia đình tôi cũng chẳng khấm khá gì. Gia sản lớn nhất của hai vợ chồng chỉ là chiếc xe đạp cà tàng. Hồi đó, thấy ông một đêm phải lội bộ hơn chục cây số từ xã về huyện học bổ túc, tôi thương quá mới dành dụm mấy vụ lúa, bán thêm con lợn mới đủ mua lại chiếc xe đạp phượng hoàng cũ rích. Rồi nhiều thời điểm, gia đình gặp khó khăn, ông ấy buộc phải bỏ dở việc học để lo cho vợ, cho con… Những lúc như vậy thấy ông buồn lắm, tôi lại dặn lòng cố gắng vất vả hơn chút, để ông thỏa giấc mộng của đời mình. Khi thì gánh đậu hũ đi bán dạo, nấu rượu, chăn heo. Đến khi ông ấy bận đi học trung cấp nông nghiệp, tôi kiêm luôn chức thú y, y tá bên hợp tác xã suốt 3 năm trời ông ấy đi học. Khó khăn nào rồi cũng qua, nhìn ông ấy ham học là niềm vui lớn nhất của đời tôi, không khó khăn, vất vả nào so sánh được”.
“Do tuổi tác đã cao nên sự học của ông ấy cũng lắm gian truân. Một bài bình thường tụi trẻ học khoảng 30 phút đến 1 tiếng thì ông ấy mất cả đêm, có khi mấy ngày. Lọ mọ từ khi gà chưa gáy để đi học, đêm khuya thì học đến 1, 2h sáng, có khi ngủ quên luôn trên bàn học. Nhưng việc đi học cũng phải trông cả vào… mùa thu hoạch. Nếu được mùa thì may mắn được đi học, không may lũ lụt, mất mùa thì đành bấm bụng ở nhà chờ năm sau khấm khá mới đi học lại”, bà Xương kể.
Hai vợ chồng ông Tuyển là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Khánh Hòa noi theo
Nhắc đến gia đình bà Xương, người dân Khánh Hòa đều tấm tắc khâm phục. Bởi một tay bà Xương quán xuyến mọi chuyện nuôi chồng, con ăn học. Bốn người con của hai ông bà đều tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định.
“Ba đứa con đầu tốt nghiệp đại học Nha Trang đã có gia đình và ra ở riêng. Hiện còn mỗi cậu út Lương Trần Hiếu, mới tốt nghiệp học viện Biên phòng đang công tác gần nhà. Hai ông bà túc tắc sống với nhau. Đến chừng này tuổi rồi, cũng có lúc bảo ông ấy nghỉ ngơi nhưng ông ấy luôn bảo “học biết mấy cho đủ, còn sống là còn phải học”, rồi lại lục đục lấy sách vở ra học. Ông ấy còn tính bảo vệ luận văn thạc sĩ xong sẽ học thêm ngoại ngữ để học lên cao nữa. Thấy chồng quyết tâm như vậy, tôi cũng ủng hộ hết mình”, bà Xương tâm sự.
Người “học trò” đặc biệt Trao đổi với PV, bà Tạ Thị Xuân Mai, Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Từ trước đến nay, có rất nhiều học viên lớn tuổi theo học tại trung tâm. Nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là ông Lương Tuyển, “học sinh” lớn tuổi nhất và bền bỉ nhất trên địa bàn Khánh Hòa. Ông ấy có một nhiệt huyết, đam mê học tập đến cháy bỏng và luôn hết mình vì việc học. Ông ấy thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”. |