Hành khách hú vía vì lái tàu bằng… chân trên Vịnh Hạ Long
Tại cảng quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngoài vấn đề mà du khách bức xúc vì quá nhiều “cò vé” thì việc thiếu ý thức của một số thuyền viên như lái tàu bằng chân còn khiến nhiều người rùng mình lo sợ.
Cò vé “làm xiếc” trước mặt Cảng vụ viên
Được biết đến là một khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày có hàng nghìn lượt du khách đến Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đổ về mua vé tham quan vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, điều mà nhiều du khách khá bức xúc là lực lượng cò vé liên tục làm phiền họ.
Một cò đang chèo kèo khách tại Cảng quốc tế Tuần Châu
Để mục sở thị, trong vai hành khách đi du lịch, khi chúng tôi vừa bước vào của nhà ga bến tàu, một nhóm những người phụ nữ và đàn ông đã chạy ào ào đến đon đả mời mua vé. “Đi tàu không em, giá vé 100 nghìn đồng/ người đối với 4 giờ tham quan trên Vịnh”, một người đàn ông đon đả. Chưa kịp trả lời, người này đã gọi một người phụ nữ cầm cuốn sổ chạy đến và nói “em bổ sung cho anh mấy anh này vào danh sách đi tàu”. Ngay lập tức người phụ nữ nhanh chóng ríu rít bảo “các em đọc tên đi, lên tàu đi luôn, không phải chờ đợi”.
Quá bất ngờ trước sự bạo dạn của những “nhân viên” bán vé vô danh tính, chúng tôi liền từ chối nhưng các “cò vé” vẫn nhất quyết bám theo, không buông tha. Một vài du khách khác trong khu vực bán vé tàu cũng bị nhóm “cò vé” hung hăng tiến lại mời chào, dắt díu, tạo khung cảnh hỗn độn, khó chịu và bực tức cho du khách trong bến cảng này.
Theo quan sát của chúng tôi, khi chưa chèo kéo được du khách, các “cò vé” tụ tập thành một nhóm khá đông ngay bên trong sảnh bán vé, cứ thấy du khách nào đi qua liền vây kín lại để chào mời. Các cò mồi này thường là nhân viên của các tàu đang đỗ trong cảng Tuần Châu, mỗi khi chèo kéo được một vài khách du lịch, “cò” liền dẫn ra hàng ghế chờ tàu trước sân cảng, dồn hành khách thành một nhóm, đợi khi đông đủ sẽ xin lệnh cho tàu chạy.
"Cò vé" hoạt động công khai nhưng không thấy bất cứ nhân viên của cơ quan chức năng can thiệp.
Nghiêm trọng hơn, đội ngũ “cò vé” còn hoạt động náo loạn trong nhà điều hành ga tàu Tuần Châu và ngay trước mặt của nhân viên Cảng vụ Cảng đường thủy nội địa Quảng Ninh đang làm nhiệm vụ tại đây. Với du khách Việt Nam, việc từ chối đội ngũ “cò vé” đã mệt mỏi nhưng với du khách nước ngoài, họ chỉ có thể tỏ thái độ bực mình bằng những cái lắc đầu và xua tay không sử dụng dịch vụ.
Điều lạ lùng là khi đội ngũ “cò vé” bám đuổi và chèo kéo du khách ngay trong sảnh bán vé nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng bảo vệ và giữ an ninh trật tự nhắc nhở. Bên cạnh đó, một số nhân viên thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh còn làm ngơ, không quan tâm đến hành khách khi bị chèo kéo.
Theo tìm hiểu, giá vé của các “cò” ngày thường cao hơn mức giá quy định không đáng kể, nhưng vào các dịp lễ tết, ngày nghỉ, ngày đông khách, giá có thể “đội” lên gấp rưỡi, gấp đôi quy định. Mức vé này đã được quy định ngầm giữa các “cò” và dĩ nhiên người chịu thiệt chính là du khách.
Du khách hoảng hốt vì lái tàu… bằng chân
Sau khi đã mua được vé, chúng tôi lên chiếc tàu vỏ gỗ có tên là Thắng Lợi 68 ra thăm Vịnh Hà Long. Điều mà nhiều người khá bức xúc là tình trạng không có ghế ngồi do số lượng người vượt quá sức chứa, một số hành khách phải trèo lên bong tàu ngồi. Theo quan sát của phóng viên, con tàu này có 8 hàng ghế, với quy chuẩn 6 người một hàng, như vậy, tàu chỉ đáp ứng chỗ ngồi tiêu chuẩn là 48 nhưng số người có mặt trên tàu là hơn 60 người.
Cảnh lái tàu bằng chân khiến du khách hốt hoảng.
Điều đáng khiến các du khách khiếp sợ là cảnh trong buồng lái, lái tàu nằm xuống chiếc giường dùng chân để điều khiển. Chính sự xem thường an toàn mà vào lúc 14g20p, ngày 6/7/2016, chiếc tàu này đã va chạm mạnh với một tàu khác đang cập cảng. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng cũng khiến hàng chục du khách hoảng loạn.
Ngoài ra, những con thuyền nhỏ bán hàng rong chạy áp sát tàu khách để mời chào cũng gây nên hình ảnh rất phản cảm và mất an toàn. Trong quá trình thực tế, chúng tôi nhiều lần thót tim vì có lúc hai ba con thuyền bán hàng rong lao từ các phía đến mạn tàu hò hét hoặc bám lên tàu khách để mời mua hàng. Các nhân viên trên tàu cho biết, hoạt động bán hàng rong trên biển diễn ra từ lâu và công khai ngay giữa lòng Vịnh Hạ Long nhưng không thấy “bóng dáng” các lực lượng chức năng ở đâu.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, hiện có 534 tàu du lịch, trong đó có 202 tàu lưu trú qua đêm và 332 tàu phục vụ tham quan theo tiếng (tàu tiếng). Theo tính toán của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, hiện đội tàu lưu trú qua đêm trên Vịnh chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, trong khi tàu tiếng chỉ sử dụng hết khoảng 42% công suất.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ chìm tàu, cháy tàu trên Vịnh Hạ Long do hoạt động thiếu phương tiện bảo đảm an toàn.
Chính vì việc “cung lớn hơn cầu” nên để giành khách, các chủ tàu đua nhau đại hạ giá và thả nổi dịch vụ. Đáng lo ngại trong 7 năm qua xảy ra 20 vụ tai nạn liên quan đến tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, khiến 22 du khách (trong đó chủ yếu là khách nước ngoài) thiệt mạng.
Để chấn chỉnh tình trạng mất trật tự trong hoạt động tàu khách ra thăm Vịnh Hạ Long, mới đây, UBND TP Hạ Long đã có công văn số 2812/UBND ngày 06/06/2016 yêu cầu Công an thành phố, Ban quản lý Vịnh Hạ Long tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo đó, chủ tàu không được để khách đứng, ngồi trên mui, mạn tàu khi đang hành trình, phao cứu sinh phải để nơi dễ thấy, dễ lấy… Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động của phương tiện nếu không đảm bảo các điều kiện về an toàn.
Thế nhưng, điều đáng buồn là những điều này chỉ là “hô hào” trên giấy mà thôi. Nhiều du khách sau khi “hết hồn” đi thăm Vịnh Hạ Long về đã đặt ra những câu hỏi, liệu rằng có “bảo kê” của các cá nhân để cho các chủ tàu làm trái các quy định xem thường tính mạng du khách du lịch trên Vịnh Hạ Long hay không?