Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị

Sự kiện: Thời sự

Bản đồ quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã vạch ra 10 tuyến đường sắt trong khu vực trung tâm và kết nối đô thị vệ tinh.

Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị - 1

Hà Nội là địa phương đầu tiên có đường sắt đô thị hiện đại (Trong ảnh: Vận hành thử nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông trước khi đưa vào khai thác) - Ảnh: Khánh Linh

Phấn đấu 7 tuyến đưa vào sử dụng trước năm 2030

Ngoài hai tuyến Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội đang tích cực được triển khai, hàng loạt đoạn tuyến khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Từ tháng 9/2018, đoạn phố Cát Linh khu vực ngay trước khách sạn Pullman đã được rào kín, tổ chức giao thông đường một chiều để phục vụ thi công ga ngầm Cát Linh của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết, đây là một trong số bốn ga ngầm của tuyến đường sắt nói trên và được thi công đến tháng 4/2019. Sau khi hoàn thiện, đỉnh ga ngầm nằm cách mặt đường khoảng 3m, cách vị trí ga trên cao Cát Linh của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chỉ vài chục mét. Hành khách chỉ cần đi bộ giữa hai ga trên để chuyển tiếp hành trình bằng 2 tuyến đường sắt đầu tiên nói trên.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiểu dài hơn 417km, trong đó 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven.

Tuy nhiên, trong khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu vận hành thử từ tháng 9/2018 (và mục tiêu khai thác trong 3-6 tháng) thì tuyến Nhổn - ga Hà Nội phải chờ đến năm 2021 mới xong đoạn ngầm để kết nối hai tuyến.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, ngoài hai tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội sắp hoàn thành, một vài tuyến khác theo quy hoạch cũng đang được chuẩn bị đầu tư, trong đó gần nhất là đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

“Hà Nội cũng đang là chủ đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, trong đó có nhánh thành phố đặt mục tiêu đến 2023 hoàn thành như đoạn nhánh Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (11,5km) . “Hiện dự án đã thu xếp đủ nguồn vốn, nhưng dự án đang được điều chỉnh. Nếu năm 2019 dự án được phê duyệt, sẽ hoàn thành xây dựng năm 2023”, ông Hiếu khẳng định.

Kế đó, tuyến đường sắt số 1 nhánh Ngọc Hồi - Yên Viên dài 26km đã được Bộ GTVT phê duyệt, cơ bản hoàn thành thiết kế kỹ thuật, và điều chỉnh phân kỳ đầu tư từ 2017 đến sau 2025. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư), hiện dự án đã giải phóng mặt bằng khoảng 80% mặt bằng khu tổ hợp Depot, nhưng đang được nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến để kết nối với tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao Bắc - Nam. Dự kiến, tháng 5/2019 sẽ đấu thầu những gói thầu đầu tiên của dự án.

3 tuyến đường sắt đô thị khác cũng đang được nghiên cứu tiền khả thi gồm Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5), ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7km (tuyến số 3, với 8,13km ngầm). Nếu suôn sẻ, các dự án trên có tiến độ đầu tư thực hiện từ năm 2018 - 2025 và có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại từ năm 2026.

Bài học từ những dự án đi trước

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt, thời gian qua các dự án đường sắt đô thị đầu tiên khi triển khai đều gặp phải các vấn đề phát sinh như: Điều chỉnh dự án, đội vốn, thiếu vốn, thi công kéo dài, xây dựng suất đầu tư cao hơn thực tế, chậm trễ giải phóng mặt bằng... Vì vậy, khi triển khai xây dựng các tuyến đường sắt tiếp theo quy hoạch, cần rút kinh nghiệm từ thực tế các dự án đã có.

GS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, không nên triển khai nhiều dự án đường sắt đô thị cùng lúc, mà nên coi dự án đã và đang triển khai làm “trường học” để thực hiện các dự án tiếp theo.

Đồng quan điểm, GS. Từ Sỹ Sùa, Đại học GTVT cho các dự án vừa qua đều là lần đầu tiên triển khai nên chưa tiên lượng được những tiêu chuẩn, định mức, những vấn đề liên quan suất đầu tư... Tới đây, Hà Nội còn nhiều dự án cần triển khai, nên cần rút kinh nghiệm thành công và thất bại để thực hiện các dự án tiếp theo.

Cũng theo ông Sùa, bình quân tuyến đường sắt có chiều dài dưới 15km chỉ cần làm 1 năm là xong, nhưng các dự án đầu tiên kéo dài quá khiến người dân phần nào mất niềm tin vào loại hình vận tải này.

Một chuyên gia khác lại bày tỏ e ngại về việc thiếu sự đồng bộ về công nghệ. “Các dự án có nguồn vốn ODA khác nhau, kèm đó là công nghệ của nhà tài trợ vốn (Nhật, Pháp, Trung Quốc). Trong khi đó, chúng ta chưa có bộ quy chuẩn chung về đường sắt đô thị. Điều này dễ dẫn đến sự thiếu đồng bộ về công nghệ, quản lý, vận hành khai thác và kết nối theo hệ thống chung”, vị này lo ngại.

Cận cảnh tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông trước giờ chạy thử nghiệm

Sau nhiều năm chậm tiến độ, 5 đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã sẵn sàng để chạy thử trên toàn tuyến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lộc ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN