Hà Nội: Cần lập ngân hàng dữ liệu tên phố
Câu chuyện dân dựng biển đường Ướp lạnh giờ vẫn nóng hổi trong cuộc thảo luận của Hà Nội về việc đặt tên đường phố, sáng 5/11. Giới chuyên gia, các nhà quản lý ủng hộ sáng kiến lập ngân hàng dữ liệu để tránh chuyện tương tự.
Các nhà sử học cũng đề xuất Hà Nội phải bổ sung những nhân vật có công lớn với nước, với Hà Nội. Mới đây bổ sung hai tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Ảnh: Ngọc Châu.
Phố không tên
TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia và nhiều đại biểu đánh giá những năm gần đây, Hà Nội nhiều chuyển biến khi đặt tên đường phố. Tuy nhiên, vẫn thiếu dự báo, thiếu quy hoạch dẫn đến lúng túng mỗi khi phố mới cần một cái tên.
Câu chuyện đường Ướp lạnh còn theo vào bàn hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội”. Ai có việc phải lần theo địa chỉ ở một số khu đô thị quận Cầu Giấy, có thể nói mướt mồ hôi. Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng VHTT quận Cầu Giấy: “Quận Cầu Giấy có rất nhiều khu đô thị mới, nhu cầu đặt tên phố mới rất lớn. Có những con đường, tuyến phố đủ điều kiện đặt tên đường nhưng chưa thể vì chưa tìm được tên hợp lý. Chính vì vậy mới có tình trạng người dân tự ý dựng biển đặt tên như đường Ướp lạnh”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng VHTT huyện Đông Anh nêu thực trạng tương tự. Nhiều tuyến đường tại khu Bắc Thăng Long không có tên, dân tự đặt tên để thuận tiện giao dịch, quảng cáo thuê nhà trọ. “Địa phương muốn đặt tên đường dẫn vào làng rối Đào Thục để tiện cho làm du lịch, nhưng lại mắc quy hoạch”, bà Hạnh nói. “Kể cả chúng ta làm ngân hàng dữ liệu, nhưng phải đặt trong mối quan hệ với quy hoạch mới tương thích”, TS. Phạm Quốc Quân nói. Các chuyên gia cũng cho rằng, các sở chức năng của Hà Nội phối hợp chưa chặt chẽ nên mới sinh chuyện phố phải chờ tên.
GS. Phan Huy Lê gọi tên bất cập này là “thiếu chủ động”. “Bất cập nữa ở phương diện yêu cầu của cộng đồng. Tên phố không chỉ là sự tôn vinh, bảo tồn mà có ý nghĩa cực kỳ thực tiễn. Nhiều khi làm không kịp, dân người ta tự đặt thôi, khi có lựa chọn, khi lại rất tùy tiện, nhiều cái làm hơi quá đà”, GS. Lê nói. Ông cũng chỉ ra, Sở VHTT Hà Nội chịu nhiều áp lực từ địa phương và lớn hơn là áp lực từ hậu duệ các dòng họ, gia đình có công với Hà Nội. “Đến nay cơ bản tôi chưa thấy sai phạm nào đáng kể, nhưng chúng ta cần nhìn lại, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, sở ban ngành để việc đặt tên ngày càng tốt. Hà Nội phải làm gương”, GS. Lê nói.
Ngân hàng dữ liệu
“Cần đầu tư, nếu không thì khó mà có kết quả tốt”, TS. Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói. Ông cho rằng, quy hoạch tổng thể phải đi trước các nghiên cứu về đặt tên, kết hợp sử dụng ngân hàng dữ liệu mới hiệu quả.
Ý tưởng ngân hàng dữ liệu này đến nay đều nhận sự đồng thuận từ các nhà khoa học, nhà quản lý. “Tôi đề xuất Sở VHTT Hà Nội tổng rà soát toàn bộ tên phố đã đặt, thống kê, phân loại địa danh, loại hình nhân vật để có cái nhìn tổng thể, phân tích sâu sắc. Trên cơ sở đó, phải xác định lại và cụ thể hóa các tiêu chí”, GS. Lê nói.
Xây dựng ngân hàng dữ liệu, theo các chuyên gia trước hết Hà Nội phải coi đây như đề tài khoa học, hình thành nhóm nghiên cứu bài bản, dựa vào tài liệu, sử sách. Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam còn đề xuất, không chỉ làm thống kê, chúng ta nên chủ động lập hồ sơ khoa học, biên soạn công phu theo mẫu, được thẩm định để tiết kiệm thời gian khi trình thành phố. GS. Lê thậm chí cho rằng phải mời chuyên gia độc lập kết hợp với các cơ quan thẩm định hồ sơ, đề nghị ký tên, đóng dấu chịu trách nhiệm.
Cốm Vòng, Sen Tây Hồ thành tên phố
Hà Nội thời gian qua than khó vì quỹ danh nhân cạn kiệt, thêm nữa nhiều người cho rằng không nên lấy danh nhân đặt tên phố. Những địa danh gắn liền lịch sử không nhiều, trong khi số phố cần tên càng lớn. Tuy nhiên, Hà Nội là nơi “vô địch” về số di sản văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, nhất là sau khi văn hóa xứ Đoài nhập vào văn hóa Thăng Long. Không riêng các nhà khoa học, địa phương đề xuất thêm nhóm tên đặc sản các vùng như Cốm Vòng, Sen Tây Hồ-mang đậm chất Hà Nội, lại thêm dữ liệu cho quỹ tên phố.
GS. Lê nói rằng, truyền thống Hà Nội là đặt tên theo tên người, cũng là cách tôn vinh con người-anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, người có công với dân với nước. “Nhiều nhân vật không phải tầm cỡ lớn, nhưng có công với cộng đồng, tổ sư các nghề cũng nên coi trọng. Không nên bỏ truyền thống này, tuy nhiên tên người đưa vào phải cẩn thận, rà soát kỹ và phải công minh”, GS. Lê nói.
Thời gian qua, nhiều nhân vật hiện đại, các nhà văn nhà thơ được đặt tên đường, phố nhưng nhân vật lịch sử hơi ít. Các nhà sử học cũng đề xuất Hà Nội phải bổ sung những nhân vật có công lớn với nước, với Hà Nội. Mới đây bổ sung hai tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Một số nhân vật có công lớn của các vương triều sau này còn vắng bóng: Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Trung, Nguyễn Phúc Chu hay vị chúa Trịnh có công lớn hoàn thiện cấu trúc Hà Nội. Rộng hơn, các nhà khoa học đề xuất nên có cả nhân vật quốc tế, các nhà khoa học lừng danh toàn cầu, hoặc có công với nước ta.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội hứa thúc đẩy quy trình xây dựng ngân hàng tên phố này. Hà Nội hiện đặt tên 929 phố, nhưng chưa có thống kê hiện trạng. Đại diện sở này nói, dự kiến cuối năm sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, sở ban ngành.
Tên phố Hoàng Sa, Trường Sa ở Hà Nội, sao không? GS. Phan Huy Lê nêu quan điểm, Hà Nội là Thủ đô nên khái niệm địa danh không nên hiểu theo nghĩa hẹp. “Sài Gòn có đường Hà Nội, Hà Nội nay chỉ có phố Huế đặt từ rất lâu, nhiều địa danh tiêu biểu khác chưa có. Ta phải suy nghĩ thêm, tại sao không có địa danh Sài Gòn, một số thành phố lớn khác. Tại sao Hoàng Sa, Trường Sa chưa có mặt trên các tên phố ở Hà Nội. Chúng ta đi chậm một bước, nhiều nơi làm rồi. Chúng ta nên nghiên cứu và bổ sung một số địa danh tiêu biểu của quốc gia, dân tộc”, GS. Lê nói. |