Hà Nội: Bó tay khi vỉa hè thành… “chợ”?
Vỉa hè trên nhiều tuyến phố của Hà Nội đã bị biến thành… “chợ”, bất kể là phố mới hay khu vực trung tâm. Mất vỉa hè, chiếm cả lòng đường khiến tai nạn, ùn tắc giao thông vẫn diễn ra tràn lan, gây bức xúc cho người dân.
Xe máy, quán cà phê tràn ra vỉa hè để người đi bộ phải đi dưới lòng đường ở phố Nguyễn Du. Ảnh: H.P
Cả cây số là “công xưởng rèn sắt”
Vỉa hè hai bên đường Đê La Thành (đoạn từ ngã tư Đê La Thành – Giảng Võ đến đầu phố Khâm Thiên, Đống Đa) giống như xưởng rèn sắt thép của một đại công trường. Đây là tuyến phố chuyên kinh doanh sắt thép và vật liệu xây dựng. Anh Lê Văn Có, phố Hào Nam bức xúc: “Đường không còn vỉa hè từ nhiều năm nay rồi. Cơ quan chức năng cũng đi tuần tra thường xuyên nhưng có giải quyết được gì đâu. Cả đoạn phố dài hơn 1km vốn có vỉa hè nhưng không có nổi vài mét trống. Cửa hàng này nối tiếp cửa hàng khác chiếm dụng vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ”.
Theo quan sát của chúng tôi, có những cửa hàng sắt thép phía trong nhà được dùng làm kho để chất đồ, còn vỉa hè trở thành nơi thi công. Người đi bộ qua tuyến đường này nếu không quen sẽ bị giật mình bởi vỉa sắt đỏ lừ từ các máy cắt sắt bắn ra đường. Tình trạng tắc nghẽn ở phố này vào giờ cao điểm cũng thường xuyên xảy ra. Một phần bởi đường hẹp, vỉa hè bị chiếm dụng, phần khác cả đoàn người nối đuôi nhau phải dừng lại để cho một nhóm người khiêng những thanh sắt dài hàng chục mét quay ngược quay xuôi để xếp lên ô tô tải.
Vỉa hè của tuyến phố này không chỉ bị các cửa hàng trưng dụng làm “của riêng” mà còn bị các cột điện, bốt điện và chi chít dây điện kết thành “mạng nhện” chiếm dụng.
Anh Có cho biết thêm, cũng bởi vỉa hè bị chiếm dụng, nên mới có chuyện, hai vợ chồng trẻ đang đẩy xe nôi đưa con đi dạo dưới lòng đường bị xe máy tông vào, phải nhập viện. Đáng tiếc, những chuyện thế này không hiếm, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi trời mưa to.
Phố cổ cũng bị “mất”...vỉa hè
Chuyện vỉa hè bị “bức tử” không chỉ xảy ra trên tuyến phố Đê La Thành mà tình trạng này đang “nở rộ tràn lan” khắp Thủ đô. Dạo một vòng qua các tuyến phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng như Bà Triệu, Hàng Bài, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, hay khu vực phố cổ tình trạng diễn ra rất phổ biến.
Tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), dù là tuyến phố trọng điểm về du lịch, nhưng phần lớn diện tích vỉa hè đã biến thành nơi bán hàng, từ giày dép, quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ... Hàng bày dưới đất, treo trên cao, thậm chí… buộc cả vào thân cây. Hàng bày cạnh đường nên khách đi đường chỉ cần dừng xe là mua được đồ khiến tuyến phố thường xuyên ùn tắc. Khu vực chợ Đồng Xuân cũng trong tình trạng tương tự, khách du lịch đến khu phố cổ chỉ còn cách đi xuống lòng đường. Thậm chí, nhiều tuyến phố trung tâm, ngay sát trụ sở UBND các quận, phường, vỉa hè cũng bị biến thành nơi kinh doanh cà phê, bia hơi, quán nhậu…
Khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm - nơi có mật độ giao thông lớn, có đủ các loại hình phương tiện tham gia giao thông như: người đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, xe buýt, xe điện, xích lô… nhưng vỉa hè cũng không còn. Thậm chí, ngay cả lòng đường vốn đã hẹp còn bị chiếm làm nơi bán hàng, để xe... Việc đỗ xe trái phép dưới lòng đường và trên vỉa hè diễn ra phổ biến, đặc biệt là những phố có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như Hàng Ngang, Tạ Hiện, Lương Văn Can.
UBND TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị, kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè nhưng rồi đâu lại vào đấy. Như căn bệnh nan y chữa mãi không khỏi, nhiều người dân vẫn hoài nghi về khả năng lập lại trật tự đô thị Hà Nội: Mỗi khi cơ quan chức năng vào cuộc, hè lại thông, đường lại thoáng, nhưng hậu kỳ của các đợt kiểm tra thì đâu lại vào đấy – vỉa hè bị lấn chiếm, đường lại tắc. Năm 2015, Hà Nội tiếp tục đặt trọng tâm thực hiện Năm văn minh đô thị, liệu tình trạng tái chiếm vỉa hè cứ liên tục lặp lại thì mục tiêu này có đạt được hay không?