Hà Nội bất lực với xe khách xuyên tâm
Hà Nội dường như bất lực trước tình trạng xe khách chạy xuyên qua nội đô hàng ngày. Hàng loạt văn bản thể hiện ý chí quyết tâm của liên ngành ở Thủ đô từ năm 2008 bị xếp xó quá lâu, cho đến gần đây mới có vài động tác nhỏ.
Gây áp lực cho CSGT
Sau nhiều năm hoãn sự quyết tâm dẹp nạn xe khách chạy xuyên tâm Thủ đô, mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất chuyển 525 xe khách khỏi bến Mỹ Đình sang các bên khác. Đáng lẽ sáng 18/4, các sở ban ngành Hà Nội sẽ họp kín để thống nhất vấn đề này, nhưng buộc phải hoãn; đủ thấy vấn đề hết sức nhạy cảm.
Từ khi các khu đô thị, trường đại học chuyển về Mỹ Đình, Bến xe Mỹ Đình trở thành bến “vàng” cho các doanh nghiệp vận tải. Khảo sát của PV tại bến xe Mỹ Đình mấy ngày qua cho thấy, dù nhiều lần ra tay dẹp xe dù, bến cóc, nhưng tình trạng này chưa giảm.
Từ trên cao nhìn xuống, Bến xe Mỹ Đình không khác nào tổ ong vỡ. Giữa bến, xe ken đặc, người đi bộ còn khó tìm chỗ lách. Phía ngoài, xe xếp hàng dài vào đón, trả khách. Phía sau và cạnh bến, nhan nhản xe chờ vào xếp “lốt” (giờ vào bến đón khách).
Một lái xe khách chạy tuyến Hà Nội-Nam Định tiết lộ, các “lốt” xe ở đây đều có giá: xấu nhất có giá 50 triệu đồng; giờ vàng lên đến 800-900 triệu. Để có “lốt” đẹp, các nhà xe tự chuyển nhượng lẫn nhau hoặc phải “chạy” ở các nơi có thẩm quyền.
Bến xe Mỹ Đình ngày một quá tải dù đã cấm cấp “lốt”.
Trung tá Bùi Văn Sử, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, phòng CSGT Hà Nội kiểm soát giao thông ở địa bàn này, cho biết: “Nhiều xe ở bến Mỹ Đình chỉ được đón khách trong bến 5-10 phút nên có ít khách. Ra ngoài, họ không thể chở gió về được, buộc phải đi chậm, bắt khách, gây áp lực cho CSGT”.
Nhóm lợi ích không xử nổi?
Một trong những mục tiêu của việc di chuyển 525 xe khách khỏi Bến xe Mỹ Đình được nêu trong tờ trình của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký là, điều chỉnh lại hướng tuyến. Giải pháp chống xuyên tâm này có từ 2008; lãnh đạo sở GTVT, Giám đốc Công an TP Hà Nội lúc đó đều chỉ đạo cần thực hiện giải pháp này.
“Quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia, Hà Nội không nên để xe khách chạy vào trung tâm thành phố. Cần cho xe khách dừng tại cửa ngõ, sau đó, tổ chức hệ thống xe buýt nối giữa các bến thật tốt” Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp |
Trong một cuộc họp đầu tháng 5/2008, Ban chỉ đạo liên ngành 197 lúc đó đã từng lên tiếng “xe đi các tỉnh phía Tây, Tây Bắc đón, trả khách tại bến xe Mỹ Đình; xe đi các tỉnh phía Nam đón trả khách tại bến xe phía Nam, Nước Ngầm; xe đi các tỉnh phía Bắc đón, trả khách tại Gia Lâm...
Thậm chí, đến tháng 10/2009, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội ký thông báo ngừng đăng ký mới, bổ sung phương tiện từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam thành phố Hà Nội đến bến xe Mỹ Đình (vì quá tải với xấp xỉ 1.100 lượt xe/ngày).
Tuy nhiên, sau đó, chính lãnh đạo sở GTVT Hà Nội lại đi ngược thông báo đó, bằng cách tiếp tục cấp nhiều “lốt” dẫn tới bến Mỹ Đình “vỡ trận” như hiện nay.
Tình trạng này khiến cho xe khách từ Hà Giang có thể chạy chéo qua TP Hà Nội tới Bến xe Nước Ngầm hoặc các xe từ Nghệ An, Hà Tĩnh xuyên qua trung tâm tới Bến xe Mỹ Đình. Trong khi đó, nhiều tuyến phía Tây Bắc bỏ qua bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) rộng rãi, đầu tư hiện đại. Giao thông nội đô Hà Nội càng trở nên ùn tắc hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, dư luận, lái xe nói về việc phải “chạy”, “lo lót” để có “lốt” đẹp chạy ở bến xe, nhưng chưa thể khẳng định việc đó. Tuy nhiên, tình trạng xe nhiều, khách ít đang hiện hữu.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh vẫn cho rằng, việc chuyển xe ở Mỹ Đình lần này không phải là giải pháp chống xuyên tâm. Theo ông Linh, việc để xe khách vào khu đô thị, trường đại học như ở Mỹ Đình là cần thiết để phục vụ nhu cầu người dân.
Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội cho chuyển 525 xe khách của 59 đơn vị đang hoạt động tại bến xe khách Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) sang bến xe Yên Nghĩa và Gia Lâm. Theo đó, toàn bộ xe đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); xe từ Mỹ Đình đi Thái Bình, Nam Định được chia đều cho bến Yên Nghĩa và Gia Lâm (huyện Gia Lâm). |