Giữ xác voi: "Cuộc chiến" gian nan

Chuyện các dũng sĩ săn voi (Gru) sau khi qua đời được xây mộ có lẽ được nhiều người biết đến, nhưng voi sau khi chết được xây mộ, có lẽ chưa nghe bao giờ. Việc xây mộ cho voi chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây khi tình trạng buôn bán các bộ phận trên cơ thể voi nở rộ…

Vì sao phải xây… mộ voi?

Với đồng bào Tây Nguyên, voi được tôn trọng, đối xử giống như một thành viên trong gia đình và rất mực yêu thương.

Khi voi mới được săn bắt, thuần dưỡng về, đều phải làm các nghi lễ nhập buôn, cúng sức khỏe… Khi voi bị bệnh, hay già nua sắp chết, người chủ sẽ thả voi về rừng, về với môi trường tự nhiên để chúng tìm ăn những lá cây thuốc chữa bệnh hoặc để chết tự nhiên trong rừng.

Đó là chuyện của hàng chục năm về trước, còn những năm gần đây khi rộ lên tin đồn nhiều bộ phận trên cơ thể voi có thể là những thứ thần dược giúp con người “khỏe như voi”, trừ được tà… thì cuộc sống của những chú voi nhà Đắk Lắk gần như không ngày nào được yên.

Voi còn sống thì bị kẻ xấu sát hại để lấy ngà, lông đuôi và lỡ chết đi thì bị rình rập đào lấy xương, lấy da và tất cả những thứ gì có thể được cho là hữu dụng và được mua – bán một loại hàng hóa đặc biệt.

Để bảo vệ xác voi sau khi chết, đã có những chủ voi tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng xây mộ cho voi. Ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có một người như thế, đó là bà Lê Thị Thanh Hà.

Giữ xác voi: "Cuộc chiến" gian nan - 1

Bà Hà chăm sóc mộ voi

Trong khuôn viên nhà, bà Hà đã dành một khu đất rộng chừng 30m2 tráng bê tông làm nơi yên nghỉ cho 2 con voi, một không may bị chết vì trúng độc và một bị kẻ xấu sát là voi H’panh và Pắc Kú.

Cả hai mộ voi đắp theo thế voi phục bằng xi măng kiên cố nằm cạnh nhau. Trên mỗi mộ voi dựng những tấm bia đá rất to ghi tóm tắt lý lịch cũng như những “công trạng” nổi bật khi voi còn sống.

Bà Hà kể, H’panh là con voi cái do Vua săn voi Ama Kông bắt, thuần dưỡng năm 1955. H’panh sau đó được bán cho một người dân ở huyện Krông Pắk. Vào năm 2003, bà mua lại để nuôi dưỡng và phục vụ du lịch.

H’panh từng chở nhiều đoàn khảo sát, khám phá các dãy núi xa, cao của ngọn Yok Đôn. Trong một lần đi khảo sát, H’panh đã phát hiện một đàn thú dữ và đã phát tín hiệu để đoàn thoát hiểm, sau đó đưa đoàn khảo sát về nhà an toàn sau một ngày, một đêm lạc trong rừng.

H’panh từng được thuê tham gia đóng phim “Tây Sơn hào kiệt” của hãng phim Lý Huỳnh. Trong đó, H’panh là voi được diễn viên Lý Hùng - người đóng vai vua Quang Trung cưỡi trên đường tiến quân ra Bắc.

Vào năm 2005, một tai nạn bất ngờ ập đến, trong lúc được thả ăn trong rừng, H’panh đã ăn phải vỏ cây rừng và trúng độc rồi sụp xuống hố chết ở tuổi 55.

“Cuộc chiến” khốc liệt: Giữ xác voi

Cạnh mộ voi cái H’panh là voi đực Pắc Kú – con voi nhà có bộ ngà dài 1m đẹp nhất nhì Bản Đôn. Chính vì bộ ngà này mà Pắc Kú nhiều lần bị kẻ xấu tìm cách giết nhằm cướp đi bộ ngà.

Cuối năm 2010, khi Pắc Kú được xích ở bìa rừng, kẻ xấu đã tưới xăng đốt ở đầu và phần mông, sau đó dùng dao, rìu chém hơn hai trăm nhát.

Giữ xác voi: "Cuộc chiến" gian nan - 2

Mộ voi cái H’panh

Trong cơn sinh tử, Pắc Kú vùng bứt đứt dây xích chạy thoát thân. Dù chủ voi ra sức chăm sóc, nhờ nhiều già làng có kinh nghiệm ở Bản Đôn đến chữa trị, song Pắc Kú vẫn không thoát khỏi cái chết.

Bà Hà kể, trong những ngày được điều trị, voi Pắc Kú nhiều lần kiệt sức, không thể đứng vững, khuỵu chân nằm xuống.

Là người từng nuôi và chăm sóc nhiều voi, kinh nghiệm cho bà Hà biết: voi không bao giờ nằm lâu, một khi voi nằm mà không dậy được thì chúng sẽ chết.

Những lần Pắc Kú không đứng dậy được, bà Hà đã phải nhiều lần gọi điện sang Đại đội C19 đóng quân ở xã Krông Na nhờ hơn 20 chiến sỹ bộ đội to khỏe đến giúp nâng voi đứng dậy.

Sau gần 3 tháng chống chọi với các vết thương, Pắc Kú đã không thoát khỏi lưỡi hái tử thần và trút hơi thở cuối cùng vào đầu tháng 1/2011 ở tuổi 30.

Sau khi chết, Pắc Kú vẫn không được yên, mỗi ngày có hàng chục người lạ kéo đến nơi để xác voi, nhăm nhe xông vào cắt các bộ phận trên cơ thể nó.

Bà Hà phải phân công nhân viên trong công ty túc trực thâu đêm canh xác voi, thậm chí nhờ cả lực lượng công an, bộ đội đến bảo vệ xác Pắc Kú liên tục nhiều ngày đêm liên tục. Khi huyệt voi được đào xong, xác voi được chôn cất, đổ bê tông kiên cố, lúc đó mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Bà Hà cho biết, từ ngày hình thành khu mộ voi, nhiều khách đến tham quan đều ghé đặt bông hoa hay thắp nén hương tỏ lòng thương tiếc đối với voi.

Và bà đang sưu tầm, viết lại những mẩu chuyện có thật về voi Pắc Kú, H’panh khi chúng còn sống, tập hợp hình ảnh, những bức thư chia sẻ của độc giả từng cưỡi H’panh và Pắc Kú, sau đó lập khu trưng bày các hiện vật cạnh mộ voi để mọi người khi đến thăm mộ voi có thể chiêm ngưỡng, thêm hiểu và yêu quý loại động vật thân thiết và thông minh này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Thanh (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN