Giàu ngầm từ... phế phẩm
Tinh thần tiết kiệm của người Hoa ở Chợ Lớn (TP HCM) góp phần hình thành một số ngành nghề chuyên tận dụng phế liệu, phế phẩm để làm ra những mặt hàng tốt cung ứng cho thị trường.
Trong nhà người Hoa thường lưu giữ nhiều đồ dùng hư, cũ. Lâu lâu, gia chủ soạn ra bán cho gánh ve chai, thu ít tiền, qua đó cung ứng phế liệu cho những lò nấu thủy tinh, nhôm hay đúc gang, đồng... ở Chợ Lớn.
Không bỏ bất cứ phế liệu nào
Ngày trước, các chủ tiệm người Hải Nam ở Chợ Lớn thường giữ lại xác trà pú lỉ (trà đỏ) sau khi pha trà cho khách uống. Khi xác trà ngày càng nhiều, họ đem bán cho các trại hòm. Chủ các trại hòm dùng xác trà tẩm liệm thi thể người chết, thu phí dịch vụ mai táng khá cao. Cũng ở Chợ Lớn, ngày nay, nhà nào cũng có hũ đựng cơm hẩm cùng đồ ăn thừa bỏ mứa. Cứ đôi ba ngày thì có người tới tận nhà lấy sạch đồ thừa đem về nuôi heo; đổi lại, người đó tặng cho gia chủ chút quà mọn. Phân heo được các ông già người Tiều cho vào cặp thùng nhôm có nắp đậy kín quảy đi bán cho những chủ vườn ở quận 6, quận 11 dùng bón rau cải.
Xưởng mộc nào của người Hoa cũng giữ lại toàn bộ gỗ vụn và dăm bào để làm chất đốt. Ngöời bán nước mía thì giữ lại xác mía để phơi khô, làm đồ nhen lửa, nấu ăn. Tro trấu thải ra từ các nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn cũng được tận dụng để làm chất đốt trong các lò gạch, lò gốm hoặc đưa lên ghe chở về các miền quê bán cho nông dân làm ruộng hay trồng cây ăn trái. Ngoài ra, họ còn tận dụng tro trấu xay nhuyễn để bọc trứng vịt muối - món ăn hút khách của người Hoa.
Dân Chợ Lớn cũng chuyên sản xuất giấy vệ sinh từ giấy vụn rẻ tiền. Một số người Hoa thu mua bao bố cũ với giá rẻ, mang về vá đắp thành bao lành lặn rồi bán cho các nhà máy xay xát để đựng lúa, gạo, cám... mà kiếm lời. Còn dân lạc-xoong quanh năm suốt tháng gắn với toàn đồ cũ, xấu xí mà làm giàu ngầm, ít ai hay. Như ông Quách Ðàm ngày trước, từ gánh ve chai mà vươn lên hàng đại phú thương, tiếng tăm lừng lẫy. Ông Lý Long Thân khởi nghiệp từ nghề thu mua sắt vụn, dù vẻ ngoài lùi xùi nhưng giàu nứt đố đổ vách; ông lập hãng cán sắt Visasa rồi trở thành "vua sắt thép" của Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngoài món lạp (quay) danh tiếng, người Hoa còn biết tận dụng thứ phẩm lòng gà, vịt để làm thành nhiều món ngon (Ảnh: Tấn Thạnh)
Phế phẩm của ngành này - vật liệu của ngành kia
Từ sau năm 1975, người Hoa ở Chợ Lớn đã biết tận dụng phế liệu chiến tranh để giải quyết tình trạng khan hiếm vật tư, nguyên liệu. Nòng pháo cỡ lớn được chế thành trục máy cán cao su. Vỉ sắt lót phi đạo trở thành kẽm khoanh để vuốt đinh. Miếng cao su đệm xích xe tăng được dùng làm tấm gioăng liên kết trục láp xe lam. Bao đựng cát choáng đạn đem cắt nhỏ, làm bố lót vỏ xe đạp. Ống đựng thuốc đạn pháo trở thành lưỡi xẻng xúc đất, gàu tát nước… Khi phế liệu chiến tranh cạn dần, người Hoa chuyển sang phế liệu từ đời sống. Cái gì cũ, có thể tái chế là họ mua. Từ bao nhựa, túi ni-lông; nhớt xe máy đen, bạc đạn đã rơ đến dây sên xe máy đã giãn, họ đều gom mua hoặc có cách làm mới để dùng được.
Ngày nay, thị trường dồi dào nguyên liệu nội, ngoại nhập song người Hoa vẫn còn giữ cung cách làm ăn theo tinh thần tiết kiệm. Họ tận dụng bã đậu phộng, đậu nành chế biến thành nước tương hợp khẩu vị đại chúng. Phế phẩm da heo từ các lò giết mổ được mua về, rang trên cát nóng để cho ra da heo phồng giá trị cao (ñồ nấu không thể thiếu trong các món lẩu). Ðặc biệt, chủ các quán cơm Tàu rất khéo hầm giò gà rẻ tiền với đậu phộng thành món tiềm "hầu xực" (ăn ngon), bán khá cao giá. Cải vụn từ chợ đầu mối nông sản Bình Ðiền thì được đưa về chế biến thành cải bắc thảo thơm ngon, ăn khách. Ớt dập, giá rẻ được gom mua với số lượng để làm thành ớt sa tế Triều Châu hay ớt bột khô rất hợp khẩu vị. Họ còn sáng tạo ra món cá bạc má, cá nục hấp để lâu cả tuần, phù hợp với người nghèo. Các chủ lò bánh trung thu biết cách nhồi bánh ế thành thứ bột thập cẩm, chiên bột thành bánh chao thơm ngon, bán cho người nghèo để tận thu doanh lợi. Tro bếp còn được tận dụng làm phụ gia chế biến dưa kiệu chua ngon đúng điệu, kể cả dùng làm phụ gia chế biến mì sợi dai theo kiểu Trung Hoa.
Ở quận 11 có một số cơ sở chuyên thu mua vải vụn đem về lọc cắt, phối màu, may thành những tấm nhấc nồi xinh xắn, được các bà nội trợ ưa thích. Vải vụn còn được đan kết thành thảm chà chân cần thiết cho mọi nhà. Họ còn đem vải vụn đánh tơi ra thành bông độn vào gối, nệm rất êm ái. Ngoài ra, nhiều chủ xưởng chỉ tập trung thu mua vỏ ruột xe cũ, dùng máy cắt thành dây thun ràng hàng hữu dụng. Họ còn đốt vỏ ruột xe cũ hứng lấy muội khói đem bán cho các xưởng dùng làm nguyên liệu lưu hóa cao su.
Còn tại chợ Tân Thành (quận 5), dân lạc-xoong buôn bán phụ tùng xe máy cũ làm ăn sung túc nhờ nguồn cung luôn dồi dào và nhu cầu tiêu dùng bất tận...
Hoạt động kinh tế theo tinh thần tiết kiệm của người Hoa thì đồ phế thải của người này là nguyên liệu cho người kia, phế phẩm của ngành này là vật liệu cho ngành nọ. Do vậy, các ngành nghề kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau, cứ xoay vòng tận dụng những thứ không đáng bỏ đi. Họ khéo làm gia tăng giá trị sản phẩm từ những thứ có trị giá rất thấp, ít ai để ý. Do vậy, thời buổi nào, người Hoa ở Chợ Lớn cũng đều sống khỏe.
Biến đồ thừa thành tiền Nhà người Hoa nào ở Chợ Lớn ăn cam, quýt rồi cũng đều không bỏ vỏ. Họ phơi vỏ để dành dùng làm gia vị cho các món ăn. Ðây là nguyên liệu cho các nhà thuốc Bắc dùng bào chế thuốc trần bì ngọt the, bán cho bệnh nhân bị đắng miệng. Các quán ăn, nhà hàng của người Hoa không đổ bỏ đồ ăn thừa. Họ bán đồ ăn khách bỏ mứa cho những người nuôi heo để "kiếm thêm". Một dạo, nhà hàng Triều Châu Hồng Toàn Tiên đắt khách ở quận 5 còn mang biệt danh... "nhà hàng chuồng heo" vì ông chủ nuôi bầy heo ở tầng trệt của nhà hàng bằng đồ ăn thừa của thực khách! Thỉnh thoảng, chủ nhà hàng bán lứa heo mập ú, thu tiền đầy tay. |