Giật mình với hàng ngàn "cầu tõm" ở TP.HCM
Nhà cách đáy sông đến 2m, làm sao có thể làm được hầm chứa? Mà nếu có làm thì cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy nên không ai cho làm.
Những căn nhà nằm hoàn toàn trên dòng kênh Đôi, quận 8, hàng chục năm nay không có nhà vệ sinh. Ảnh: VIỆT HOA
Kênh Đôi và kênh Tẻ là hai con kênh đi qua địa bàn quận 4 và quận 8, TP.HCM. Suốt hơn 40 năm qua, hàng ngàn hộ dân sống trên kênh không có nhà vệ sinh. Mọi sinh hoạt đều phải thải xuống lòng kênh khiến cho những dòng kênh này ô nhiễm trầm trọng.
“Nhà vệ sinh” khổng lồ
Theo những người dân sống hai bên dòng kênh Đôi, kênh Tẻ, trước đây những dòng kênh này có nước trong, xanh đến nỗi trên bờ cũng có thể nhìn thấy đáy sông. Tuy nhiên, cùng với thời gian và năm tháng, lượng dân đổ về hai bên bờ sông này càng nhiều thì mức độ ô nhiễm càng tăng. Bởi tất cả cái gì thải, rác thải và chất thải của người dân đều đổ hết xuống sông.
Tôi ghé thăm căn nhà lộng gió của ông Trần Thanh Tùng, S334/32H Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4. Đó là căn nhà sàn bằng gỗ đã cũ, mục và tạm bợ, nằm hẳn trên dòng kênh Tẻ đã hơn 20 năm nay. Ông Tùng cho biết trước đây, khi mới dọn về sinh sống, mọi thứ rác thải đều vứt hết xuống sông. Tuy nhiên, sau này đã có dịch vụ thu gom rác nên người dân không vứt rác xuống sông nữa.
“Nhưng nhà vệ sinh sẽ là thứ xa xỉ với những căn nhà sàn như chúng tôi. Biết là sẽ gây ô nhiễm nhưng chúng tôi cũng không có cách nào khác là phải xả xuống sông. Vì như căn nhà này cách đáy sông đến 2 m, làm sao có thể làm được hầm chứa? Mà nếu có làm thì cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy nên cũng chẳng ai đồng ý cho làm” - ông Tùng nói.
Nhà vệ sinh của ông Tùng chỉ là tấm ván được khoét lỗ thông xuống lòng kênh, che chắn bằng tấm rèm bằng vải bố cũ. Người dân nơi đây vẫn thường gọi là “cầu tõm”. Cạnh đó là nhà bếp cũng là nơi rửa chén, rửa rau.
Tại quận 4, hàng trăm căn nhà trên dòng kênh Tẻ cũng giống như nhà ông Tùng.
Căn nhà của bà Giang Xuân nằm trên kênh Đôi, phường 12, quận 8 (TP.HCM) không có nhà vệ sinh. Ảnh: VIỆT HOA
Chỉ còn cách giải tỏa trắng
Theo ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, trên địa bàn quận có 1.378 căn nhà trên và ven kênh rạch. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, địa phương sẽ giải tỏa toàn bộ nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện các dự án như xây dựng công viên dọc bờ kênh Tẻ, công viên hồ Khánh Hội...
Ông Tân cho hay tại quận 4 nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu là dạng nhà một nửa trên bờ, phần đuôi nhà nằm trên kênh. Trong đó có khoảng 205 căn nằm hẳn trên kênh. Trước mắt, quận 4 thực hiện giải tỏa các hộ dân song song với dự án cải tạo môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 3.
Trong khi đó tại quận 8 có hơn 9.500 căn nhà ở trên và ven kênh rạch. Theo ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8, trong số này có hơn 1.000 căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh. Ông Đài cũng xác nhận tất cả trường hợp nhà ở trên kênh đều không có nhà vệ sinh.
“Việc xả thải xuống lòng kênh trong nhiều năm qua đã gây ô nhiễm trầm trọng. Chỉ còn cách là giải tỏa, di dời thì mới giải quyết được vấn đề ô nhiễm” - ông Đài nói.
Vị phó chủ tịch quận 8 cho hay hiện nay quận 8 đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ pháp lý về nhà ở của người dân để làm cơ sở lên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự kiến cuối năm 2017 sẽ lập phương án bồi thường và sẽ triển khai công tác bồi thường vào đầu năm 2018. Cũng theo ông Đài, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ xin đầu tư vào dự án di dời, giải tỏa và chỉnh trang nhà ở ven và trên kênh rạch quận 8. TP cũng đang giao các sở, ngành chức năng soạn thảo các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cho dự án này.
Mong được “lên bờ” Căn nhà của gia đình bà Giang Xuân, 821C Nguyễn Duy, phường 12, quận 8, chỉ hơn 50 m2 nhưng là chỗ đi về của hơn chục con người. Nhà bà Xuân cũng nằm hẳn trên dòng kênh Đôi, chủ yếu làm bằng những mảnh ván cũ ghép lại và được dựng lên từ năm 1967. Bà Xuân cho hay gia đình khó khăn, các chị của bà có thâm niên ba, bốn chục năm bán hàng rong chỉ đủ tiền để sống qua ngày. Còn lại những người anh em khác cũng làm thuê làm mướn đủ việc để sinh sống. Do không có điều kiện để tạo lập nhà riêng nên tất cả 10 anh em sống chung trong căn nhà sàn xập xệ này từ bé cho đến khi lập gia đình, có con cháu đông đúc. “Chúng tôi cũng mong Nhà nước sớm giải tỏa để được dọn đến một nơi ở khác sinh sống an toàn, sạch sẽ hơn. Ở trên sông nước bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm bất an nhưng không thể đủ tiền “lên bờ” tạo lập nhà ở. Mọi thứ ở trên sông đều tạm bợ nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác” - bà Xuân chia sẻ. Căn nhà của bà Xuân cũng chẳng thể làm nhà vệ sinh. Bà Xuân bối rối: “Chúng tôi cũng như các hộ dân ở đây bao nhiêu năm nay vẫn phải xả hết xuống sông”. Xuôi theo dòng kênh Đôi thuộc địa bàn quận 8, hàng ngàn hộ dân trên dòng kênh này cũng sống cảnh tương tự như cảnh ông Tùng, bà Xuân. |
Những đứa trẻ sinh ra ở xóm Việt Kiều này không được làm giấy khai sinh, không được đi học.