“Giải mã” những căn nhà bất thường

Gần đây, nhiều đường dây “chạy” xây nhà không phép đã và đang hoạt động rầm rộ tại huyện Hóc Môn, TP HCM

Từ phản ánh của bạn đọc, đầu tháng 10-2015, trong vai người đi mua đất, chúng tôi đến dãy nhà không số nằm dọc bờ kênh Bà Mẫn, tổ 12, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng (XTT), huyện Hóc Môn, TP HCM để xác minh tình trạng nhà không phép tại địa phương này.

“Chạy đúng cửa thì được xây”

Trước mắt chúng tôi là 3 căn nhà nằm sát vách nhau, được xây dựng bằng gạch  nhưng lại ốp nhiều tấm tôn cũ kỹ bên ngoài để che chắn. Khi nghe chúng tôi hỏi về nguồn gốc những căn nhà này, người dân nơi đây khẳng định tất cả đều được xây dựng không phép.

“Giải mã” những căn nhà bất thường - 1

Dãy nhà mà cò Tưởng khoe xây dựng không phép tại ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM và cò Tuấn (ảnh nhỏ) Ảnh: LÊ PHONG Ảnh: LÊ PHONG

“Nhà xây trên đất ruộng thì làm gì được cấp phép!” - một nam thanh niên nói. Thấy chúng tôi còn bỡ ngỡ, anh giải thích: “Nói chung là chạy đúng cửa thì được xây, không thì bị đập” (!?).

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ khu vực kênh Bà Mẫn, ở xã XTT còn nhiều dãy nhà có dấu hiệu xây dựng không phép khác, gồm: dãy nhà nằm trên đường Phan Văn Sáng, tổ 12; dãy nhà tại tổ 11, ấp 2; dãy nhà trọ phía sau địa chỉ 98/2 ấp 4 (thuộc thửa đất 366, tờ bản đồ số 35); căn nhà thuộc thửa đất số 1876, tờ bản đồ số 3, ấp 4…

Tất cả đã tồn tại một cách bất thường từ nhiều năm nay, gây bức xúc trong dư luận và phát sinh chuyện lùm xùm xung quanh. Nhiều lá đơn tố cáo đã thẳng thắn đề cập về hành vi “chạy chọt” và “chung chi” cho một ai đó để việc xây nhà không phép được trót lọt, êm xuôi. Những “quy trình đen” ấy phải đi qua sự kiểm soát của các đường dây bảo kê xây dựng không phép?

Thế lực của các tay cò

Ngày 9-10, chúng tôi tiếp cận Tưởng - một cò đất tại ấp 2, xã XTT - để tìm hiểu về “quy trình” xây nhà không phép. Theo dẫn dắt của Tưởng, chúng tôi đến một lô đất nằm ở tổ 11, ấp 2, xã XTT. Qua quan sát, lô đất này đã xây xong phần móng, trụ bê-tông  cốt thép cũng được dựng lên tứ phía. Cò Tưởng cho biết nếu muốn cất được nhà không phép ở đây, khách hàng phải tuân theo những chỉ dẫn từ phía chủ thầu - do một người tên Tùng “cầm trịch”.

Cụ thể, “quy trình” xây dựng mà đường dây này đưa ra là nhà phải được ngụy trang bằng cách lợp các tấm tôn cũ bên ngoài để che mắt mọi người. Nếu muốn cất thêm lầu, phải đợi qua Tết Nguyên đán (!?). “Đất này là đất trồng cây lâu năm, không cấp phép nhưng cất nhà tạm lên mấy tháng là được. Bên thầu sẽ bao xây cất cho mình và chung chi luôn” - Tưởng mách nước.

Thấy chúng tôi còn chưa an tâm, Tưởng khoe tiếp: “Bên này mạnh lắm! Tùng đã “lo”  bên đô thị với xã rồi. Cả dãy nhà trải dài kế bên là tụi nó bảo kê làm hết, được 2-3 năm nay rồi, không đập đâu…”. Theo hé lộ của Tưởng, mức giá chung chi mà đường dây nêu trên phải thực hiện cho mỗi căn nhà không phép khoảng 30 triệu đồng.

Trong chiều cùng ngày, theo giới thiệu của cò Tưởng, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với chủ thầu Tùng để xác thực thông tin. Qua điện thoại, không ngần ngại, Tùng đề cập với chúng tôi hình thức xây dựng “chui” y như lời Tưởng đã nói trước đó...

Một nơi khác cũng đang tồn tại sự bất ổn trong lĩnh vực xây dựng là khu đất nằm trên đường Tuyến 5/2004 XTT, tổ 16, ấp 7, xã XTT. Theo nguồn tin phản ánh, dù nhiều lô đất trong “dự án” này vẫn chưa được cấp phép xây dựng chính thức nhưng các chủ đất đã đổ móng, xây cất rầm rộ.

Giải đáp nghi vấn, sáng 24-10, chúng tôi tiếp cận “dự án”. Thấy chúng tôi có nhu cầu mua đất, cò Tuấn (người tự xưng là quản lý hiện tại của “dự án” này) và một chủ thầu khác tên Điền tận tình hướng dẫn. Tuấn cam kết đất tại “dự án” này là “sạch” do người chị của mình đứng tên. Anh ta còn chào mời rằng nếu khách có nhu cầu mua đất thì việc xây dựng cũng khá dễ dàng, nếu chịu chung chi thì xin được giấy phép.

“Làm 20 ngày thì giá 2,5-3 triệu đồng, muốn nhanh hơn thì 7 triệu đồng và khoảng 6-7 ngày là có phép… Nếu giấy phép hẹn trong 1 tuần, anh có thể lo cho em làm móng, đổ cột trước” - Tuấn nói chắc nịch. Ngoài ra, Điền cũng báo giá cho chúng tôi biết kinh phí xây dựng một căn như vậy nếu bao luôn hoàn công là 4,8 triệu/m2.

Theo điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động, “dự án” này thật ra là “khu đất nhà bán phân lô” có tổng cộng 2.000 m2, gồm 108 lô đất do một phụ nữ tên Hiền làm chủ. Cò Tuấn là “trợ thủ” của bà Hiền, quê ở Thái Bình. Hiện có đến 17 trường hợp đang trong quá trình xây dựng ở khu đất này. Qua tìm hiểu, tính đến nay, phần lớn trường hợp đang tiến hành xây dựng đều chưa có giấy phép mà chỉ mới có “phiếu hẹn nhận giấy phép xây dựng”.

Nhiều nguồn tin xác nhận sở dĩ các chủ đất mới ở đây (mua lại đất của bà Hiền) dám tiến hành xây dựng, dù chỉ mới nhận được phiếu hẹn cấp giấy phép, là do họ tin tưởng vào thế lực của bên bán. Để mọi việc được xuôi chèo mát mái, ai cũng đều phải chung chi. Đơn cử, bà C. xác nhận đã chung chi cho cò Tuấn 2 triệu đồng để ông này đi “quan hệ”. Chuyện có việc chung chi hay không vẫn chưa thể kết luận nhưng trên thực tế, bà C. đã làm được phần móng trước khi có giấy phép xây dựng.

Kỳ tới: Những hoài nghi…

Chỉ đạo cả “thanh tra sở”!?

“Có người quen của anh, nó xây trên lô đất của anh trong chỗ Thảo Nhi đó, cho người ta làm cái móng trước nhé. Cho người ta làm móng trước đi. Người ta có biên nhận thì cho làm móng trước, vậy mới kịp tiến độ được” - cò Tuấn trao đổi qua điện thoại với chất giọng “chỉ đạo”. Khi chúng tôi hỏi nói chuyện với ai, Tuấn lập lờ: “Người vừa nói chuyện với anh là một thanh tra sở” (?).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong - Huỳnh Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN