Formosa lại gây lo lắng

Vi phạm lớn nhất của Formosa là tự ý đổi công nghệ xử lý cốc khô sang xử lý cốc ướt, có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ngày 11-7, tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhiều đại biểu lo lắng về hậu giải quyết sự cố Formosa làm chết thủy hải sản ở 4 tỉnh miền Trung.

Vi phạm chồng chất

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhìn nhận báo cáo của Chính phủ không nêu cụ thể tác động của sự cố Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) xả thải hủy hoại môi trường biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) không chỉ là ô nhiễm môi trường mà còn hàng loạt vấn đề khác.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết qua kiểm tra đã phát hiện Formosa khi chạy thử nghiệm có 6 nhà thầu nước ngoài. Trong đó, liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ráp thiết bị và vận hành hệ thống xử lý nước thải thì hầu hết là nhà thầu của Trung Quốc. Qua kiểm tra phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm về hành chính, trong đó liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công... Quan trọng nhất là tự ý thay đổi từ công nghệ xử lý cốc khô sang công nghệ xử lý cốc ướt có rất nhiều chất thải. “Công nghệ này hoàn toàn do họ tự ý điều chỉnh, đây là bằng chứng rõ ràng về mặt pháp lý” - ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nhà máy của Formosa đang trong giai đoạn chạy thử, trên thực tế công suất và nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc. Sau khi Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả sự cố môi trường, Chính phủ đã triển khai các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát và yêu cầu khắc phục các tồn tại.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm do ảnh hưởng từ sự cố Formosa xả thải gây hại môi trường, nhiều nhà hàng, khách sạn ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, đa phần vẫn không dám ăn hải sản và khách du lịch chưa dám đến đây. “Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đúng là chưa bàn giải pháp cho du lịch 4 tỉnh miền Trung. Trong tuần này, Chính phủ sẽ có cuộc họp bàn giải pháp khôi phục du lịch của 4 tỉnh này” - ông Dũng nói.

Formosa lại gây lo lắng - 1

Các đại biểu lo lắng về hậu quả mà Formosa gây ra cho môi trường tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 11-7 Ảnh: THẾ DŨNG

Thủ tục nhanh, sai phạm nhanh

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng rất ngạc nhiên bởi dự án Formosa được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xử lý hồ sơ đều rất nhanh. Formosa vi phạm cũng quá nhanh và đây là doanh nghiệp có kinh nghiệm đối phó ở tầm quốc tế.

Ông Hà Ngọc Chiến cho rằng cần xử lý nghiêm hành vi sai phạm của chủ đầu tư, đồng thời rà soát lại từ đầu dự án này. “Cần xem xét lại dự án ở trên địa bàn rất nhạy cảm mà Formosa được thuê đất tới 70 năm; cần làm rõ, nhất là khâu điều hành, xây dựng có rất nhiều người Trung Quốc. Chính phủ nhấn mạnh việc xác định nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự cố này và rà soát lại các chính sách ưu đãi dành cho họ” - ông Chiến góp ý.

Đi sâu hơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lo ngại mục tiêu GDP cả năm 2016 là 6,7% sẽ khó thực hiện khi 5 tháng đầu năm tăng trưởng chỉ 5,52%. “Chính phủ chưa làm rõ sự cố Formosa trong khi đây là vấn đề tiềm ẩn lâu dài, nếu không lường trước thì sẽ rất phức tạp, không đơn giản về mặt kinh tế, xã hội mà gắn với an ninh, quốc phòng” - ông Chiến quan ngại.

Cùng mối lo này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đặt vấn đề bao giờ ngành du lịch, nghề cá ở khu vực bị sự cố môi trường được khôi phục; số tiền đền bù được giải ngân, bố trí đến người dân thế nào... Còn Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng thì chỉ rõ: “Formosa là ví dụ điển hình cho việc giám sát công trình, dự án không kỹ. Chỉ có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH tham gia một phần ở dự án chứ không phải giám sát. UBTVQH cũng không biết cho Formosa thuê đất tới 70 năm” - bà Phóng nêu vấn đề.

Vi phạm pháp luật về mặt hành chính

Ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng khi áp dụng công nghệ xử lý cốc khô sẽ phát thải ra khí có nhiệt độ rất cao và lẫn các chất ô nhiễm, đặc biệt là xyanua. Khí thải này thông thường sẽ được tận dụng để thu nhiệt cho nhà máy điện và xyanua được xử lý trong quá trình thu nhiệt đó. Trong khi đó, khi chuyển sang công nghệ ướt thì khí thải được đưa vào nước. Nếu không có biện pháp xử lý xyanua trong nước thải thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường khi xả thải trực tiếp. Nếu so sánh thì công nghệ khô ít ô nhiễm hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng đầu tư lại tốn kém hơn. Việc chủ đầu tư tự ý thay đổi công nghệ là vi phạm pháp luật về mặt hành chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng - Phương Nhung (Người lao động)
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN