Dũng cảm đến mức nào được là “liệt sĩ”
Không nhất thiết hy sinh trong chiến đấu mới là liệt sĩ. Dũng cảm cứu 1 người hay 10 người đều được xem xét công nhận liệt sĩ.
Xung quanh câu chuyện anh Trần Hữu Hiệp (Thanh Hóa) và em Nguyễn Văn Nam (Nghệ An) đang được đề nghị công nhận liệt sĩ vì dũng cảm cứu nhiều người khỏi chết đuối, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Kiên (Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội).
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định về điều kiện được công nhận là liệt sĩ. Vậy xin ông cho biết, người được công nhận liệt sĩ là người như thế nào? Có phải là người chiến đấu bảo vệ tổ quốc hoặc truy bắt tội phạm, hy sinh mới là liệt sĩ?
Người được công nhận liệt sĩ không nhất thiết phải là bộ đội, công an, người phục vụ an ninh quốc phòng chiến đấu hy sinh. Một công dân được xem xét công nhận liệt sĩ nếu hy sinh khi có hành động “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.
Hành động như thế nào được coi là dũng cảm cứu người, thưa ông?
Nghị định “hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng” đã ghi rõ, hành động dũng cảm là hành động thực hiện những công việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân mặc dù biết có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Ông Nguyễn Duy Kiên (Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội).
Vậy theo ông, dũng cảm tới mức nào, cứu được bao nhiêu người thì được xem xét công nhận là liệt sĩ? Đơn cử những vụ cứu người chết đuối như anh Trần Hữu Hiệp vừa qua, nếu chỉ cứu được một người, có được xem xét công nhận liệt sĩ không?
Cứu 1 người cũng là dũng cảm. Cứu 5 người, 10 người cũng là dũng cảm. Miễn sao, người đó biết là nguy hiểm tính mạng mình nhưng vẫn xả thân cứu người. Họ đều được xem xét để công nhận là liệt sĩ.
Mỗi năm, có bao nhiêu trường hợp dũng cảm cứu người như anh Trần Hữu Hiệp, được công nhận là liệt sĩ?
Tôi không có con số cụ thể nhưng có thể thấy người được phong liệt sĩ dạng này không nhiều. Vài ba năm mới có một người. Số người được công nhận liệt sĩ vẫn chủ yếu trong ngành quân sự, an ninh đã hy sinh khi thực thi nhiệm vụ.
Thực tế, những tấm gương dũng cảm cứu người, trong đó có cứu người chết đuối không phải chuyện hiếm. Nhưng tại sao số người được công nhận liệt sĩ lại ít như vậy?
Ai dũng cảm hy sinh cứu người đều được xem xét công nhận liệt sĩ. Không thể có chuyện không được công nhận.
Nếu ai không được, đó là lỗi của chính quyền địa phương nơi người đó hy sinh. Địa phương có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo và đề xuất để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm thông tin và xem xét công nhận liệt sĩ cho người đó.
Vụ việc anh Trần Văn Hiệp là do báo đài đưa nên Cục Người có công biết và đề xuất. Nếu địa phương không đề nghị và đài báo không đưa tin, có thể cơ quan Nhà nước không biết để công nhận.
Em Nguyễn Văn Nam - người đã dũng cảm lao xuống dòng nước sâu, chảy xiết của sông Lam để cứu 5 em nhỏ thoát khỏi thủy thần
Có những người cũng dũng cảm, xả thân cứu người nhưng không cứu được và chết cùng với nạn nhân luôn. Vậy người đó có thể được xem xét công nhận liệt sĩ hay không?
Người dũng cảm được công nhận liệt sĩ thường là người đã cứu người thành công và bản thân bị chết. Lúc này, trong biên bản có thể dựa vào lời khai của người được cứu để làm căn cứ để xem xét công nhận.
Thực tế có những người đã xả thân nhảy xuống sông cứu người mà không cứu được và cùng chết. Khi lập hồ sơ, rất khó để xác định là ai cứu ai, hay là chết đuối tập thể. Bởi thường khi đó không có người chứng kiến.
Mặt khác, cần nhấn mạnh việc người đó nhận thức được sự nguy hiểm nhưng vẫn dám xả thân cứu người chứ không phải là chết do vô thức.
Thực tế, từng có sự việc xảy ra từ thời kháng chiến. Một bà mẹ vừa mới sinh con. Khi cùng nhiều người ẩn nấp, bà mẹ đã bịt mồm con để con khỏi khóc, tránh địch phát hiện. Không ngờ đứa bé chết.
Câu chuyện đã từng gây tranh cãi về việc đứa bé có thể được phong liệt sĩ hay không và chính sách với bà mẹ đó như thế nào. Tuy nhiên, sự cố đó chỉ là bất đắc dĩ. Không thể công nhận đứa bé là liệt sĩ vì khi đó, nó không hề có ý thức về việc hy sinh vì người khác. Và đương nhiên, người mẹ đó cũng không thể được coi là người có công.
Một trường hợp khác là vụ một cán bộ công an phường chết khi đang xử lý TNGT. Sự việc xảy ra vào tối mùng 2 Tết Tân Mão (năm 2011) đối với Thiếu tá Trần Duy Nghĩa (cán bộ Công an phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái). Thời điểm đó, Thiếu tá Nghĩa nhận nhiệm vụ bảo vệ và phân luồng giao thông, phục vụ khám nghiệm hiện trường một vụ TNGT. Tuy nhiên không may lúc đó có một chiếc mô tô phóng rất nhanh lao thẳng vào Thiếu tá Nghĩa đang đứng. Kết quả cán bộ công an này đã mất vài giờ sau đó.
Công an tỉnh Yên Bái cũng như Bộ Công an sau đó đều có công văn gửi Bộ LĐTB-XH đề nghị công nhận liệt sĩ đối với Thiếu tá Nghĩa. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH qua nhiều lần xem xét, bàn thảo với Bộ Công an cùng các ban ngành liên quan, đã thống nhất: Thiếu tá Trần Duy Nghĩa từ trần do tai nạn giao thông, không đủ điều kiện để công nhận liệt sỹ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nhà nước đã có chính sách ưu đãi, tôn vinh đối với những con người dũng cảm, dám xả thân cứu người. Vậy nhưng, phải chăng, trong cuộc sống, những hành động như vậy đang ngày càng ít đi? Theo ông là vì sao?
Điều này đúng. Tuy nhiên, cần nói rõ, hành động dũng cảm không chỉ là cứu người mà còn là thực thi công vụ, phòng chống tội phạm. Chúng ta vẫn cần có cơ chế bảo vệ tốt hơn đối với người dũng cảm. Người thi hành công vụ phải được hưởng chế độ bảo vệ chặt chẽ hơn.
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình (GĐ Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã Hội học) cho rằng, chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước với người có công hiện nay là phù hợp, đúng đắn. Nhưng ngày càng ít thấy những hành động dũng cảm nghĩa hiệp, xả thân cứu người. Điều này thể hiện sự đứt gãy của nhiều giá trị trong cuộc sống. Văn hóa phương Đông chúng ta là văn hóa “nêu gương”. Người bé noi gương người lớn, cá nhân noi gương tập thể. Vậy nhưng, chính những tấm gương cũng đang dễ khiến người ta mất niềm tin. Con người ngày càng khó nhận thức được đâu là giá trị thực. Đôi khi chính những hành động nghĩa hiệp, vì người khác lại bị người ta nghi ngờ. Hành động nghĩa hiệp ở bất kỳ xã hội nào cũng đều được tôn vinh. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng cần thừa nhận, ở xã hội văn minh, người ta luôn hướng con người thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Cứu người là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Nếu muốn cứu người, anh phải trang bị cho mình đầy đủ kỹ năng, dụng cụ cần thiết. Đó mới là giá trị mà một xã hội văn minh hướng tới. “Tất nhiên, khi xã hội còn chưa đạt đến độ văn minh cần thiết, rõ ràng những hành động dũng cảm, nghĩa hiệp càng là giá trị được tôn vinh hơn bao giờ hết.” – TS. Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh. |
Pháp lệnh “Ưu đãi người có công với cách mạng” quy định, một số quyền lợi mà thân nhân liệt sĩ được hưởng như sau: Cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ được hưởng tiền tuất hàng tháng. Nếu những thân nhân này cô đơn không nơi nương tựa, hoặc con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng. Thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế; được hỗ trợ về nhà ở,... Con liệt sĩ được ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học. Con liệt sĩ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, vẫn tiếp tục được hưởng tiền tuất hàng tháng. |