Đòi CA bồi thường 2 tấn bạch tuộc

Không trong danh mục, vùng công bố dịch, nhưng cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương vẫn bắt giữ, làm trên 2 tấn bạch tuộc của 40 người dân huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh bị chết, thiệt hại hại gần 1 tỷ đồng.

Thu giữ phương tiện, hàng hóa trái quy định

Theo anh Nguyễn Quang Hưng, khoảng 23 giờ, ngày 27/5, anh Hưng vận chuyển trên 2 tấn bạch tuộc tươi sống của 40 người dân nói trên từ sân bay Nội Bài đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ.

Khi đến TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương thị bị CSGT của tỉnh này bắt giữ, giao cho Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) Công an tỉnh Hải Dương với lý do hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch.

Sau khi tiến hành bắt giữ, cán bộ Phòng CSMT tỉnh Hải Dương đã yêu cầu anh Hưng đưa xe, hàng hóa về bãi đỗ xe của Công ty TNHH Trường Giang, số 57, đường Ngô Quyền, TP. Hải Dương để tiếp tục làm rõ. Tại đây, anh Hưng yêu cầu cán bộ Phòng CSMT tỉnh Hải Dương tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện, hiện trạng hàng hóa, nhưng không được cơ quan này chấp nhận.

Anh Hưng đã trình bày số bạch tuộc này là tươi sống nên chỉ gây mê được 12h, quá thời gian trên không thực hiện lại nó sẽ chết cũng không được cán bộ Phòng CSMT tỉnh này xem xét.

Đòi CA bồi thường 2 tấn bạch tuộc - 1

Người dân tập trung tại Phòng CSMT tỉnh Hải Dương đòi quyền lợi.

“Đến khoảng 4h, ngày 28/5, một cán bộ của Phòng Cảnh sát môi trường yêu cầu tôi ký vào biên bản để nhận lại xe, hàng, tôi không đồng ý lấy xe đi vì biết toàn bộ số bạch tuộc đã bị chết” – anh Hưng nói.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Hưng đã gọi điện báo cho một số người dân huyện Cần Giờ. Theo đó, chiều 29/5, gần 10 người dân đã lặn lội ra trụ sở Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương yêu cầu cơ quan này làm rõ vụ việc vì theo Thông tư số 32/2012/TT–BNNPTNT, của Bộ NNPTNT, bạch tuộc không nằm trong danh mục hàng phải kiểm dịch và việc làm trái quy định của Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương đã gây thiệt hại cho dân quá lớn về tài sản.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Anh Nguyễn Trung Hải, SN 1975, trú tại huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ số bạch tuộc nói trên là do người dân huyện Cần Giờ khai thác từ tự nhiên. Từ 3 năm nay một số người dân vẫn gom hàng, vận chuyển theo đường nói trên, mặc dù có bị kiểm tra nhưng chưa bao giờ bị bắt giữ.

“Ngoài chúng tôi còn có một đầu mối nữa cũng vận chuyển theo con đường này ra phía Bắc nên chúng tôi không khỏi nghi ngờ việc bắt giữ của Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương” – anh Hải bức xúc.

Anh Đặng Văn Hùng, một người dân khác bức xúc, người dân bỏ công sức, thậm chí đánh cược cả tính mạng với biển mới có được số hàng trên. Ngoài tổng giá trị hàng hóa gần 1 tỷ đồng, tiền công vận chuyển cũng tốn hàng trăm triệu đồng, vậy mà phút chốc bị Phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương để phân hủy khiến chúng tôi vô cùng bức xúc.

“Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã làm trái quy định gây thiệt hại cho người dân chúng tôi, do đó chúng tôi kiến nghị đến các cơ quan chức năng yêu cầu Phòng Cảnh sát môi trường Hải Dương bồi thường” – anh Hùng nói.

Theo Thông tư 32/2012 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản; Danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, cùng một số văn bản quy phạm khác, bạch tuộc không nằm trong danh mục hàng phải kiểm dịch và cũng chưa từng bị công bố dịch nên không phải kiểm dịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Thắng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN