Đổ xô tìm lao động phổ thông sau Tết

Sau đợt nghỉ Tết dài, nhiều gia đình bấn loạn vì thiếu người giúp việc. Những nhà hàng, ăn uống cũng thiếu lao động trông xe, chạy bàn…

Thị trường lao động phổ thông đang sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại những nơi làm đầu mối giới thiệu việc làm. Người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc hơn.

Chiều 20/2. Mưa phùn lất phất làm tăng thêm cái lạnh se sắt đầu xuân. Mấy phụ nữ trùm áo mưa kín mít bước vào văn phòng tìm người giúp việc. Một số lao động nữ, nam thanh niên trẻ đã ngồi chờ sẵn để được phỏng vấn.

Quay quắt tìm lao động

Chị Hoàng Hải ở phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đội mưa đến Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam (Trung tâm) tại phường Văn Chương, quận Đống Đa. Đây là địa chỉ quen thuộc nhiều năm chị đến tìm người làm, nhất là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Nhìn chị hỏi chuyện các lao động đang ngồi tại đây cũng có thể nhận thấy chị cần người làm đến mức nào. Gia đình chị có cháu nhỏ, lại có một cửa hàng bán thiết bị chiếu sáng trên phố Nguyễn Công Trứ nên rất cần người giúp việc. Hiện nhà đã có một người trông cháu nhỏ, nhưng vẫn cần thêm một phụ nữ làm cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và vài cậu thanh niên phụ giúp cửa hàng.

Chị tâm sự: “Trước đây tôi đã phải thuê người giúp việc riêng 10 ngày Tết, mỗi ngày 300.000 đồng. Nhưng bây giờ thì phải tìm người giúp việc lâu dài. Cô giúp việc trước vừa xin nghỉ để về quê lấy chồng. Tìm được người giúp việc đúng ý mình cũng khó lắm!”.

Ra Tết, tình trạng người giúp việc về quê chưa trở lại khá phổ biến. Chính vì điều này mà nhiều gia đình ở Hà Nội phải tất tả gửi con nhỏ cho ông bà hoặc chạy đôn chạy đáo tìm người trông con. Anh Phạm Hoàng Đại, ở tập thể Thanh Xuân Bắc cho biết: “Đến hôm nay rồi mà người giúp việc còn chưa lên, tôi gọi điện thoại thì lại đưa ra “tối hậu thư” phải tăng lương thì mới làm tiếp. Tìm người mới bây giờ cũng khó, phải đào tạo lại, chắc phải tăng lương để họ lên làm tiếp thôi”.

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Thịnh ở phường Sài Đồng, quận Long Biên tại Trung tâm, chị bức xúc chìa quyển sổ có những dòng chữ chi chít cho tôi xem và bảo: “Đây chị xem, 2 người giúp việc đều viết cam kết là mùng 6 quay trở lại làm việc. Hôm nay quá 5 ngày rồi mà không thấy đâu, gọi điện lại không nghe máy. Tôi phải đến đây để hỏi mới được”.

Đổ xô tìm lao động phổ thông sau Tết - 1

Khách đến tìm người giúp việc tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo.

Chẳng là chị Thịnh thuê 2 người giúp việc, một quê ở Lào Cai, một Thanh Hóa qua Trung tâm với hợp đồng là 6 tháng. Nhưng được 3 tháng thì nghỉ Tết và nay giúp việc không liên hệ lại. Chị đến Trung tâm yêu cầu thay người khác nhưng hiện Trung tâm cũng đang bí người nên đành cáo lỗi với khách hàng và hoàn trả lại tiền đặt cọc. “Đầu năm đi đón người giúp việc khó khăn và phức tạp lắm, đi nhiều lần may ra mới có. Nhà tôi bán hàng cơm, phải cần 4 người nhưng đến nay chưa ai quay trở lại, mọi việc chủ hàng phải cáng đáng hết.” - chị Thịnh phàn nàn.

Chị Nguyễn Thị Thái, nhân viên tiếp nhận và làm hợp đồng lao động cho biết, dịp này lượng khách đến tìm lao động tăng cao. Cuốn sổ theo dõi đặt trên bàn của chị liên tục bổ sung tên, địa chỉ và số điện thoại của khách đặt nhu cầu tìm người lao động. Điện thoại đổ chuông liên hồi với câu hỏi đã quá quen thuộc: “Có phụ nữ giúp việc tầm tuổi… không em? Quê ở đâu? Có làm lâu dài không?....”. Sau mỗi câu trả lời của chị Thái, những ánh mắt từ phía người lao động ngồi chờ tại chiếc ghế dài lại đưa về phía chị, chờ một câu trả lời. Họ cũng đang chọn một công việc cho cuộc mưu sinh đầy vất vả nơi đất khách.

Người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn

Chị Hoàng Thị Sinh, 45 tuổi ôm theo chiếc túi xách gọn nhỏ đựng tư trang quần áo. Bàn chải răng, khăn mặt… lộ ra ngoài chiếc túi đã hỏng khóa. Sự khắc khổ hiện rõ trên nét mặt của chị Sinh. Nói về lý do phải rời quê tìm việc, chị Sinh ngậm ngùi: “Tôi là người dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Nhà chỉ có một ít ruộng, hai đứa con đang lớn, tiền học tốn lắm. Mà chỉ trông chờ vào ruộng thì không có tiền tiêu. Chỗ ruộng ở nhà, chồng tôi làm rốn là xong”. Giọng chùng xuống: “Ai chả muốn ở bên chồng, con…” - chị buông lửng câu nói.

Cô gái Ma Thị Tiếp, 25 tuổi, ngồi im lặng trên chiếc ghế dài. Nhìn những người trước mặt đang quay quắt tìm việc, tìm lao động, chị buông tiếng thở dài. Trong đầu chị, đứa con nhỏ 2 tuổi có lẽ đang nhớ mẹ lắm. Quê ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, hoàn cảnh khó khăn, chị dằn lòng gửi đứa con nhỏ cho ông bà ngoại rồi một mình xuống Hà Nội tìm việc. Vừa đến nơi buổi sáng, chị hy vọng sẽ tìm được một công việc không quá vất vả để kiếm tiền mang về quê nuôi con. Cùng ngồi với chị là mấy thanh niên từ Phú Thọ cũng ngồi chờ những công việc phù hợp như trông xe, chạy bàn, nấu bếp…

Nước da đen đúa, khắc khổ, chị Trịnh Thị Cam, quê ở xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vội vàng xách chiếc ba lô cũ kỹ đi theo chủ mới. Bị kéo lại để hỏi chuyện, chị góp chuyện vội vã: “Tôi mới ra hôm qua mà hôm nay đã có việc. Bà chủ trả lương 2,7 triệu, thấy hợp lý nên tôi đồng ý”. Chị Cam làm nghề giúp việc mới được 1 năm nên trông chị vẫn còn đậm vẻ nông dân. Theo chị Cam thì chỉ vì ra Tết chị lên Hà Nội muộn, chủ cũ đã thuê được người mới nên chị mất việc. Nhưng hiện tại, người giúp việc đang rất khan hiếm nên từ sáng đến giờ có mấy người đến hỏi mà chị cũng chẳng ưng ai. Đến người chủ này thấy công việc phù hợp chị mới ký hợp đồng.

“Cháy” lao động phổ thông thường xảy ra sau Tết. Năm nay cũng rơi vào tình trạng này. Tuy từ mùng 6 đã có lao động lên Hà Nội nhưng rất ít khiến cho nhiều khách hàng đến mà không thuê được người giúp việc. Từ mùng 8 trở đi thì Trung tâm đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của khách hàng và đến nay được 70%, vẫn còn thiếu 30%” - ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết.

Cũng theo ông Hải, mỗi năm người sử dụng lao động tăng thêm từ 12-15%, trong khi đó người lao động về quê nghỉ Tết có một số đã không ra nữa, nhiều người khác thì ra chậm từ 5 đến 7 ngày. Thế nên sau Tết Hà Nội thường bị “cháy” người giúp việc. Để khắc phục nguyên nhân này, Trung tâm đã hợp tác với các địa phương vận động một số em học sinh mới tốt nghiệp tham gia lao động phổ thông, bổ sung vào đội ngũ cũ. Đặc biệt trong năm nay Trung tâm đã đi đến vùng sâu, vùng xa, tìm những người có hoàn cảnh khó khăn để đưa họ đi kiếm thêm thu nhập.

Ông Hải cũng thừa nhận, hiện nay người giúp việc chưa được đào tạo chuyên nghiệp vì họ luôn biến động. Do vậy, tiêu chí của Trung tâm trong năm tới là lao động nào có ý thức kém thì sẽ bị loại. Tình trạng người lao động không trung thực, làm việc không chuyên cần hoặc phá vỡ hợp đồng… đã được Trung tâm khắc phục cơ bản.

Thị trường lao động phổ thông như hiện nay đang đặt ra vấn đề, dù là lao động phổ thông nhưng vẫn rất cần chương trình đào tạo chuyên nghiệp để ổn định thị trường lao động, tránh tình trạng tìm người, tìm việc ồ ạt, thiếu chất lượng, dễ dẫn đến nhiều nguy cơ không lường trước. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu lĩnh vực này để đưa ra hướng đi tích cực cho thị trường lao động phổ thông

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Hằng - Việt Hà (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN