DN "lờ" giảm giá xăng: Bộ Tài chính lên tiếng
Chiều 9/10, Bộ Tài chính có công văn chính thức về công tác điều hành giá xăng, dầu. Trong thời điểm hiện nay sau khi dư luận lên tiếng thắc mắc về việc tại sao Bộ Tài chính để yên cho các DN “lờ” tịt việc giảm giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới liên tiếp giảm trong thời gian qua.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, giá bình quân xăng dầu thành phẩm 30 ngày từ ngày 09/9/2012 đến ngày 08/10/2012 của mặt hàng xăng RON 92 là 122,85 USD/thùng, dầu điêzen 0,05S là 131,56 USD/thùng, dầu hỏa là 131,38 USD/thùng, dầu madut là 673,74 USD/tấn.
Sau khi tính toán cùng các khoản chi phí như thuế, trích quỹ BOG, lợi nhuận định mức... thì giá xăng bán lẻ vẫn đang thấp hơn giá cơ sở 733 đồng/lít; giá dầu Điêzen 0,05 S chênh 710 đồng/lít; mặt hàng dầu hỏa là 817 đồng/lít.
Như vậy, “nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng chứ không giảm”, công văn Bộ nêu rõ.
Nếu không trích quỹ bình ổn, xăng sẽ tăng giá chứ không giảm như “đòi hỏi” của dư luận
Để bù đắp, liên Bộ Tài chính – Công Thương chủ trương vẫn cho sử dụng Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít, kg như hiện nay; phần còn lại (xăng RON 92 là 233 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S là 210 đồng/lít, dầu hỏa là 317 đồng/lít, dầu madut 3,5S là 64 đồng/kg), các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải trừ vào lợi nhuận định mức”, công văn của Bộ Tài chính cho biết.
Trước đó, dư luận phản ánh việc giá xăng thế giới liên tiếp giảm giá tuy nhiên không thấy doanh nghiệp xăng dầu điều chỉnh giảm giá mà Bộ Tài chính cũng không thấy “tuýt còi”. Từ đầu năm tới nay, giá xăng đã điều chỉnh tổng cộng 11 lần, với 6 lần tăng, 5 lần giảm và đang đắt hơn so với cuối năm 2011 là 2.850 đồng/lít. Riêng từ tháng 7 tới nay, giá xăng thay đổi 5 lần trong đó 4 lần tăng.
Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, các yếu tố để tính giá cơ sở là khoảng thời gian cho 30 ngày (số ngày dự trữ lưu thông), tức là từ ngày 09/9/2012 đến ngày 08/10/2012.
Tuy nhiên, trước đó vào tháng 7, Bộ Tài chính có đề xuất lên Chính phủ giảm thời gian bình quân 30 ngày làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay xuống bình quân 10 ngày, đồng thời, khống chế mức thù lao cho Tổng đại lý xăng dầu, đưa Quỹ bình ổn giá xăng dầu về kho bạc Nhà nước.
Chiều 8/10, theo đăng ký giá của một doanh nghiệp đầu mối lớn tính theo mức giá dao động từ 28/9-5/10, doanh nghiệp lãi 800-1.000 đồng/lít xăng dầu nhưng tính theo 30 ngày, doanh nghiệp vẫn lỗ và doanh nghiệp này cũng đang đề xuất xin được tăng giá xăng dầu. |