DN đầu mối muốn sửa cơ chế tính giá xăng dầu

Lần nào dư luận cũng phải gây sức ép, xăng dầu mới giảm nhỏ giọt được vài trăm đồng, trong khi tăng thì “vừa nhanh vừa mạnh”. Để giải quyết triệt để tình trạng này, theo nhiều chuyên gia và cả các DN đầu mối, cần sửa ngay Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Nhập nhèm dự trữ quốc gia và lưu thông

Trao đổi với PV, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, theo Nghị định 84 doanh nghiệp đầu mối được quyền quyết định giá bán lẻ nhưng do thị trường độc quyền nên các doanh nghiệp có lợi thế khá lớn.

Để đảm bảo công bằng, cần rà soát, kiểm tra lại các định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là định mức hao hụt của doanh nghiệp.

Cùng với đó, một trong những việc cần làm ngay để điều hành thị trường xăng dầu được hiệu quả, minh bạch là cần điều chỉnh các yếu tố hình thành giá, chi phí, cơ chế vận hành.

Đây là một trong những lý do khiến doanh nghiệp luôn vin vào để được “tăng nhanh, giảm chậm” thậm chí có cả việc “lấp liếm” trách nhiệm trong điều chỉnh giá.

Chẳng hạn, việc thời gian tính giá cơ sở là 30 ngày căn cứ số lượng hàng phải dự trữ trong kho là 30 ngày.

Thực tế cho thấy, hoàn toàn có thể tính giá cơ sở theo mức 30 ngày nhưng thời gian cho điều chỉnh giá tần suất là 10 ngày.

DN đầu mối muốn sửa cơ chế tính giá xăng dầu - 1

Theo các chuyên gia, cần tách bạch việc quản lý điều hành của Nhà nước với việc làm thay, thậm chí can thiệp giá cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Ngoài ra, để Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hiệu quả, cần điều chỉnh các yếu tố hình thành giá, cơ chế vận hành quỹ bình ổn, giải quyết lỗ kinh doanh xăng dầu tồn đọng trong doanh nghiệp.

“Xăng dầu dự trữ quốc gia đang trữ tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng không minh bạch giữa xăng dầu dự trữ quốc gia và xăng dầu kinh doanh”- một quan chức Bộ Tài chính thừa nhận.

Lãnh đạo một số đơn vị đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro cho rằng, một lỗ hổng có thể điều chỉnh ngay là đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi, lỗ của doanh nghiệp đầu mối.

Quy định về mức lợi nhuận của doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh tùy theo loại hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quản lý mức thù lao, hoa hồng, đại lý của doanh nghiệp cũng là việc cần thực hiện ngay.

Hiện các doanh nghiệp tự thỏa thuận, quy định mức hoa hồng khác nhau, có những thời điểm mức thù lao này cao hơn cả mức khoán chi phí kinh doanh được Nhà nước quy định (quy định cho xăng là 600 đồng/lít và dầu madút là 400 đồng/kg), để cạnh tranh giành giật thị phần.

Một lãnh đạo PV Oil cho rằng bên cạnh sửa nghị định 84, Chính phủ cần có chính sách đảm bảo các doanh nghiệp xăng dầu mua được USD theo giá niêm yết để thanh toán. “Mức trần thù lao đại lý, tổng đại lý cần tăng từ 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít”- vị này kiến nghị.

Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng về việc thực hiện Nghị định 84, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, một trong những vướng mắc của Nghị định là chưa vận hành tốt giá bán xăng dầu.

Điển hình là, dù được quy định rõ nhưng doanh nghiệp đầu mối chỉ được quyết định giá bán trong một giai đoạn ngắn, từ cuối năm 2009 đến tháng 3/2010, còn lại đại bộ phận thời gian giá do Nhà nước quyết định.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn biến động của giá thế giới trong khi giá bán lẻ thấp hơn giá vốn gây lỗ tích lũy cho doanh nghiệp.

Một “lỗ hổng” nữa là chưa có quy định cụ thể để bù đắp những chi phí hợp lý cho doanh nghiệp tham gia bình ổn giá dẫn đến lũy kế số dư Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp bị âm hơn 2.300 tỷ đồng.

Khoản lỗ kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp lũy kế hơn 5.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý.

“Việc chậm điều hành, điều chỉnh giá bán trong nước làm vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bị teo tóp kéo theo khó khăn trong việc duy trì ổn định hệ thống phân phối xăng dầu vì bị giảm chiết khấu hoa hồng”- ông phân tích.

Tách nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu

Tại hội thảo về điều hành giá xăng dầu tổ chức mới đây, TS Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, cần tách khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ.

Nếu khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu còn tình trạng độc quyền nhóm thì nhà nước sẽ kiểm soát giá ở khâu này. Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu chỉ được lập hệ thống bán lẻ của riêng mình ở mức tối thiểu.

Doanh nghiệp bán lẻ được quyền chọn nhà nhập khẩu xăng dầu cho mình và cạnh tranh với nhau thông qua việc bán giá thấp nhất.

“Cần rà soát lại các điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 84 theo hướng đơn giản và tối thiểu hóa các điều kiện để doanh nghiệp được nhập khẩu, là đại lý xăng dầu”- ông Thụy nói.

PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Học viện Tài chính cho rằng, câu chuyện điều hành giá xăng dầu thời gian qua không chỉ gây bức xúc cho người tiêu dùng mà cả cho doanh nghiệp đầu mối.

Cần bắt buộc doanh nghiệp phải nộp Quỹ bình ổn giá theo định kỳ 15 ngày về kho bạc nhà nước trên địa bàn để quản lý thống nhất.

Ngoài ra, cần lập cơ quan xúc tiến tìm kiếm thị trường để tìm những nguồn hàng nhập với mức giá thấp nhất đồng thời minh bạch hóa các khoản ưu đãi, hoa hồng mà các nhà xuất khẩu dành cho các lô hàng nhập.

Những khoản này phải được hạch toán vào doanh thu của các doanh nghiệp hoặc được trừ vào giá cơ sở.

TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng, nếu cứ duy trì cách điều hành như hiện nay là Nhà nước quyết định thay cho doanh nghiệp thì cơ quan quản lý luôn phải chạy theo doanh nghiệp và sa vào mớ bòng bong kinh doanh lỗ lãi.

Như vậy thì còn thời gian đâu mà xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, thanh kiểm tra. “Giải pháp thiết thực nhất là giảm độc quyền, quy định công khai, minh bạch, dễ kiểm soát và ít đầu mối”- bà Hiền nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN