Đi xem rước vua giả ở... Hà Nội
Lễ hội rước vua giả ở làng Thụy Lôi (Đông Anh, Hà Nội) được tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao Thần Trấn Vũ giúp vua An Dương Vương xây thành ốc Cổ Loa.
Tục lệ hàng năm, vào ngày 11 tháng giêng tại thôn Thụy Lôi (Đông Anh, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội rước vua giả và trò trừ ma gà. Cứ vào ngày này, du khách khắp nơi lại đổ về Thụy Lôi để dự lễ rước vua giả độc đáo của làng.
Tục này bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành ốc được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ, nhưng thần ma gà tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Sau nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn, nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa.
Thần Trấn Vũ nay được thờ trên núi Sái một hòn của Thất Diệu (nay thuộc thôn Thụy Lôi, Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội).
Ngày nay, dân làng vẫn nhớ lệ, tổ chức rước "vua giả". Người cao tuổi nhất trong làng được chọn làm vua, người cao tuổi thứ hai được làm chúa. Bốn vị từ 65 tuổi trở lên được chọn làm quan Thự Vệ, Trấn Thủ, Tán Lý, Đề Lĩnh.
Đám rước có sứ Thanh Giang (hay gọi là chúa) tức Thần Kim Quy dẹp đường, có gộc tre mang hình đầu gà trắng và thầy tu cầm gươm đi bên được đi đầu đoàn. Sau đó là kiệu vua và các bốn vị quan.
Người dân ở đây cho biết, dòng họ nào có người được chọn làm vua thì năm đấy rất có lộc, các cụ sống lâu, con cháu đề huề, cuộc sống sung túc.
Sau khi làm lễ tại đình, kiệu vua, chúa được rước ra đền để đón vua chúa
Thanh niên làng khỏe mạnh nhất được chọn khiêng kiệu chúa
Chúa được chọn là người cao tuổi thứ hai trong làng
Khi đến đền Trình, các quan và vua làm lễ trước khi ra kiệu về đình
Cụ cao tuổi nhất làng được chọn làm vua, được mặc long bào, đội mũ bình thiên
Chúa được rước ra khỏi đền trước
Trên tay chúa là có gộc tre mang hình đầu gà trắng, đi trước dẹp giặc
Những chàng trai khiêng kiệu chạy theo nhịp trống, quay vòng tròn chạy theo cờ hiệu của người dẫn đường.
Kiệu vua quan đi theo sau
Năm nào cũng vậy, cứ 11 tháng giêng, khách thập phương lại đổ xô về đền Sái để tham dự lễ rước vua giả