Di tản người Việt khỏi HQ nếu có chiến tranh
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Việt Nam cho biết đang cùng Bộ Ngoại giao lên kế hoạch di tản công dân Việt Nam khỏi Hàn Quốc, trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Sẽ di tản người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc nếu có chiến tranh
Trước tình hình căng thẳng ngày một gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, ngày 2/4, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thanh Hòa cho biết đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp Bộ Ngoại giao lên kế hoạch di tản công dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, tình hình hiện nay chưa đến mức phức tạp, do đó mọi bước đi cũng phải thận trọng.
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, cho biết thêm, ngày 2/4, Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch di tản lao động Việt Nam trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Mặc dù kế hoạch cụ thể vẫn đang tiếp tục bàn thảo, song ông Quỳnh cho hay sẽ đưa ra các phương án xử lý tình hình trong trường hợp bất trắc xảy ra.
75.000 lao động đang làm việc
Cũng theo ông Quỳnh, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ 3 của Việt Nam, với số lượng lao động đưa sang làm việc hằng năm trên 10.000 người. Hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường
Mặc dù Triều Tiên liên tục có những hành động đe dọa Hàn Quốc, nhưng theo ông Lương Đức Long, Phó giám đốc trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc vẫn không bị ảnh hưởng.
“Trong tuần vừa rồi, vẫn có những chuyến bay đưa lao động về nước đúng hạn, vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trở lại Hàn Quốc làm việc. Kế hoạch trong tháng 4/2013 sẽ có 2 chuyến, mỗi chuyến vài chục lao động trở lại Hàn Quốc làm việc”, ông Long thông tin.
Về tình hình lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Long nói: “Theo thông tin chúng tôi nhận được, đến thời điểm này, các lao động Việt Nam vẫn làm việc bình thường. Hầu hết lao động tại đây đã quen sống với tình hình như vậy, nên tâm lý khá ổn định. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc để nắm tình hình, trong trường hợp bất trắc xảy ra, Bộ Ngoại giao và Bộ LĐTBXH sẽ cùng phối hợp xử lý”.
Tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Ngọc Tuyến (quê Thanh Hóa), công nhân đang làm tại tỉnh Gyeongnam, cho biết qua điện thoại: “Đọc báo thấy tình hình có vẻ căng thẳng, nhưng chúng tôi ở bên này có thấy gì đâu. Cũng giống như người Hàn Quốc, chúng tôi vẫn ăn no, ngủ say, ngày đi làm việc bình thường. Tôi mới sang đây làm việc được 2 năm. Còn phải làm thêm vài năm nữa để gửi tiền về quê trả nợ”.
Thị trường truyền thống, thu nhập cao |