Dẹp loạn vỉa hè Hà Nội: Dân phố cổ lo “mất cần câu cơm”

Một số ít người kinh doanh, buôn bán tại phố cổ Hà Nội sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng phần lớn còn lại tỏ vẻ lo lắng trước sự quyết liệt của nhà chức trách. Bởi, vỉa hè từ lâu đã là nguồn sống của họ.

Dẹp loạn vỉa hè Hà Nội: Dân phố cổ lo “mất cần câu cơm” - 1

Vỉa hè phố Hàng Cá bị chiếm dụng làm nơi để xe máy và kinh doanh cà phê. Ảnh: Hà Phương

Mất bản sắc?

Dân phố “Tây” Tạ Hiện nghe ngóng và thấp thỏm lo việc vỉa hè bị dẹp từ cuối tháng 2. Nói là phố “Tây” bởi con phố này nằm ở tuyến phố đi bộ Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - Đinh Liệt, trong lòng phố cổ Hà Nội. Ở đây, bất kỳ ai cũng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà nhỏ san sát với kiểu kiến trúc cũ từ thời Pháp thuộc, không chỉ vỉa hè mà cả lòng đường được trưng dụng làm khu ẩm thực. Bao nhiêu năm nay, Tạ Hiện là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều khách nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch hoặc làm việc.

Anh Dân - người sống ở phố Tạ Hiện cho biết, các hộ dân ở đây đã nhận được thông báo của phường, quận về việc trả lại lòng lề đường trên địa bàn. Theo anh Dân, khu vực này khách đến ăn uống ngồi ra cả lòng đường là đặc thù riêng. “Từ lâu, khách vẫn ngồi tràn xuống đường, nhiều khách Tây thích ngồi lề đường uống bia, ngắm cảnh đường phố, xe cộ di chuyển, dòng người dạo phố. Bây giờ mà dẹp thì ảnh hưởng đến khách du lịch, mất đi nét văn hóa phố Tây và những người kinh doanh sống dở chết dở”, anh Dân than thở. Nhiều hộ dân ở Tạ Hiện cũng cho rằng, nếu bây giờ khu phố “Tây” này mà dọn sạch sẽ, trống trơn như những khu phố khác thì không còn ý nghĩa, đặc trưng của khu phố này nữa.

Cũng giống như ở Tạ Hiện, phố Hàng Cá vốn đã ngắn, nhỏ càng chật chội hơn khi hai bên vỉa hè xe máy và hàng hóa được dựng kín không còn lối đi. Người đi bộ chỉ còn cách phải bước xuống lòng đường hòa chung với dòng xe cộ qua lại đông đúc. Một quán cà phê nằm giữa phố lúc nào cũng đông khách. Chỗ ngồi của khách được bày kín vỉa hè mà không gặp bất cứ một trở lại từ cơ quan chức năng. Bà chủ quán này cho biết: “Không chỉ ở đây mà cả phố cổ này thế rồi. Bây giờ, khách đến uống nước, không để xe ở đây biết để ở đâu, chẳng lẽ đi vài kilomet ra bãi gửi xe. Ai cũng biết vậy, chật chội một tí nhưng kẻ bán người mua đều có lợi”.

Nhiều hộ kinh doanh lo lắng

Dẹp loạn vỉa hè Hà Nội: Dân phố cổ lo “mất cần câu cơm” - 2

Xe máy đẩy người đi bộ xuống lòng đường ở phố Cầu Gỗ.

Những ngày qua, quận Hoàn Kiếm đã ra quân quyết liệt lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc làm này của nhà chức trách không chỉ nhận được sự đồng tình của người đi bộ, mà còn của một số người vốn nhiều năm nay vẫn kiếm sống nhờ vỉa hè. Bà Hoa bán tranh, ảnh, tem… trong “cửa hàng” tự tạo khoảng 1m2 trên vỉa hè phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm) cho biết, nếu thành phố “đòi” lại vỉa hè thì bà sẵn sàng không bán hàng nữa. “Tôi tranh thủ kiếm thêm thôi chứ chồng, con cũng không cho đi bán. Nếu cấm buôn bán trên vỉa hè thì tôi nghỉ luôn”, bà Hoa nói.

Cùng quan điểm, bà Thủy - một chủ cửa hàng nước trên phố Hàng Bạc cho biết: “Nếu thành phố có chủ trương lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, tôi sẵn sàng không bán hàng nữa, tìm địa điểm khác. Tất nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình nhưng sẽ tốt cho thành phố thì tôi ủng hộ”. Những quán nước tuy nhỏ như của bà Thủy ở khu vực phố cổ tối thiểu mỗi ngày cũng thu về hàng trăm nghìn đồng. “Tôi bán từ chiều đến tối. Hôm nào có chợ đêm, phố đi bộ thì bán đến khoảng 22h những hôm đấy, kiếm được nhiều hơn”, bà Thủy nói.

Khi chúng tôi hỏi về việc lấy lại vỉa hè, nhiều người dân cho rằng vỉa hè của Hà Nội rất khác so với ở TPHCM. “Vỉa hè Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố cổ là nơi kinh doanh kiếm sống không chỉ hôm nay mà từ bao nhiêu năm qua, từ đời này qua đời khác, nói “dẹp” nhưng không đơn giản. Một quán nước chè, dẹp lúc nào cũng được, nhưng những cửa hàng lớn, là nguồn thu nhập chính của gia đình thì chắc việc đòi lại vỉa hè sẽ có trở ngại”, bà Nguyễn Thị Nụ ở phố Hàng Điếu cho biết.

Theo bà Nụ, các hộ kinh doanh trong khu vực phố cổ Hà Nội bao lâu nay vẫn kinh doanh, buôn bán, đóng thuế bình thường nên bây giờ việc lấy lại vỉa hè là rất khó. "Tại sao nhà ở phố cổ chật chội thế mà người ta vẫn muốn ở lại, không chuyển sang chung cư mới? Tại sao người ta cố bám trụ những căn nhà chỉ hơn 10m2 mặt bằng, thậm chí nhỏ hơn thay vì những chung cư hiện đại? Đơn giản, vì chung cư không mang lại tiền, lại vừa mất thêm chi phí hàng tháng. Trong khi đó, ở phố cổ có thể kiếm được tiền từ vỉa hè", bà Nụ bày tỏ.

Từ lâu việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè đã thành nếp xưa cũ ở nhiều tuyến phố để tư lợi, thì việc lấy lại vỉa hè sẽ gặp nhiều trở ngại. Vì nhiều khoảnh nhỏ của vỉa hè là nguồn sống của nhiều gia đình, của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trong “chiến dịch” lấy lại vỉa hè chính đáng cho người đi bộ của TP Hà Nội, nếu tạo ra giải pháp phù hợp thì nhiều người dân ở đây cho biết họ cũng sẽ tuân thủ. Hy vọng “cuộc chiến” lấy lại vỉa hè ở phố cổ sẽ nhận được sự đồng tình từ phía người dân.

Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, lãnh đạo UBND quận, phường, lực lượng công an, lực lượng chuyên trách giữ gìn trật tự đô thị phường, tổ tự quản khu dân cư, các ngành đoàn thể các phường… cùng ra quân thực hiện nhiệm vụ lấy lại vỉa hè, lòng đường. Toàn quận Hoàn Kiếm ra quân theo kế hoạch này với hơn 1.560 người. Những ngày đầu ra quân đảm bảo trật tự văn minh đô thị, quận Hoàn Kiếm đã xử lý 297 trường hợp vi phạm, với số tiền phạt hơn 242 triệu đồng.

Dẹp loạn vỉa hè Hà Nội: Dân phố cổ lo “mất cần câu cơm” - 3

>>XEM THÊM

Video: Phát biểu "dậy sóng" của ông Nguyễn Đức Chung đòi lại vỉa hè

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình Xã hội)
Cuộc chiến đòi lại vỉa hè Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN