Đề xuất thu phí cao, phạt nặng hơn ở HN

Trong phiên làm việc sáng 26/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về 4 vấn đề, trong đó có việc HĐND TP Hà Nội được “Quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự án Luật Thủ đô trình Quốc hội khoá XII đã được chuẩn bị từ năm 2009 theo đúng trình tự, thủ tục và yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã được Ủy ban pháp luật của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, dự án luật đã không được Quốc hội khóa XII thông qua.

Cũng theo ông Cường, trong quá trình xây dựng dự án Luật Thủ đô (mới) để trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII lần này, các ý kiến của Hội đồng thẩm định, thành viên Chính phủ; ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật và các cơ quan của Quốc hội cơ bản nhất trí về các nội dung của dự án luật.

Bên cạnh nhóm ý kiến thứ nhất đồng ý quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn, có nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không nên quy định thu phí cao hơn ở nội thành trong lĩnh vực giao thông vận tải vì tăng phí chưa phải là giải pháp tối ưu để hạn chế việc sử dụng xe cộ cá nhân.

Cho biết dự thảo Luật quy định theo tinh thần nhóm ý kiến thứ nhất, ông Cường nói: “Trước mắt, khi chưa có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, cần tiếp tục có giải pháp để giải quyết vấn nạn ùn tắc. Dự thảo Luật cũng chỉ giao thẩm quyền cho HĐND xem xét, cần thiết mới quy định. Việc thu phí cao hơn không vì mục đích thu, mà để giảm ùn tắc trước hết là vào giờ cao điểm; người dân sẽ lựa chọn sử dụng loại phương tiện giao thông và thời gian lưu thông trong khu vực nội thành”.

Đề xuất thu phí cao, phạt nặng hơn ở HN - 1

Người nhập cư mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh: Châu Anh

Dự thảo Luật Thủ đô cũng quy định mức xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn. Cụ thể, luật xử lý vi phạm hành chính đã cho phép HĐND các thành phố trực thuộc Trung ương được quy định mức tiền phạt cao hơn trong 3 lĩnh vực là an ninh, trật tự, an toàn xã hội; môi trường; giao thông. Nay Chính phủ đề nghị tiếp 3 lĩnh vực còn lại là văn hóa; đất đai; xây dựng để áp dụng ở nội thành thủ đô.

“Ngoài việc tăng cường các biện pháp thi hành pháp luật, một trong những giải pháp cần phải có là các quy định pháp lý với mức phạt hành chính cao hơn để đủ sức răn đe. Chẳng hạn, nếu vi phạm lấn chiếm đất công mà chỉ phạt khoảng 2 triệu, 10 triệu ở một nơi giá đất vài trăm triệu đồng 1m2 là không đủ mức để ngăn ngừa những người cố tình vi phạm. Tương tự như vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, nếu xử phạt 50 - 100 triệu đồng đối với mỗi công trình vi phạm, trong đó có công trình xây sai phép, vượt tới 4 - 5 tầng, vượt hàng nghìn m2 xây dựng, trong khi giá trị giao dịch mỗi m2 xây dựng đã là gần một trăm triệu đồng, thì việc cố ý xây thêm tầng, cơi nới trái phép là khó ngăn chặn hết” - ông Cường nói.

Siết nhập cư vào thủ đô

Về quản lý dân cư, dự thảo Luật Thủ đô được thể hiện theo hướng áp dụng một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành, và đưa ra hai phương án trong đó phương án 1 ít hạn chế hơn và phương án 2 đưa ra điều kiện cao hơn.

Cụ thể, phương án 1 quy định công dân không thuộc các trường hợp như vợ về ở với chồng, con về ở với cha mẹ,... thì được đăng ký thường trú ở nội thành, nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Phương án 2 bổ sung thêm nội dung “trường hợp nhà ở do thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người”. Chính phủ cho biết sơ bộ tính toán cho thấy nếu theo phương án 1 thì khi Luật Thủ đô có hiệu lực, mỗi năm số người đăng ký thường trú vào nội thành sẽ giảm khoảng 28% (14.000/50.000 người); còn theo phương án 2 thì giảm khoảng 38% (19.100/50.000 người).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết nhiều ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với phương án 1. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo V.V.Thành (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN