Đề nghị kiểm tra, xử lý việc bổ nhiệm ồ ạt người thân

Sự kiện: Thời sự

Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước…

Sáng 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe hai báo cáo quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

“Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân;

Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đây là vấn đề được đông đảo đại biểu QH, dư luận cử tri và báo chí phản ánh.

Theo Ủy ban Tư pháp, thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

"UBTP đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu QH và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm phải kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới” - bà Nga nói. 

Đề nghị kiểm tra, xử lý việc bổ nhiệm ồ ạt người thân - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Đáng chú ý, cũng liên quan đến công tác cán bộ, báo cáo của Chính phủ lần đầu tiên cũng thừa nhận: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân và có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật”.

Ủy ban Tư pháp cho rằng hiện còn thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu.

Với quy định“biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống”đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ. Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng“dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”.

“Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phục vụ phòng, chống tham nhũng hiệu quả hạn chế” - bà Nga nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN