Đất lành chim... chết
Từ lâu, chuyện bẫy chim, chơi chim và ăn chim đã trở nên thiên biến vạn hóa và được ví như một phần của cuộc sống
Đặc biệt, có nơi khi nhắc đến chim chóc, thay vì nhớ tới hình ảnh quê hương, thì người ta lại nhớ ngay đến tên của những nhà hàng, với các món thịt chim, cò đặc sản nổi tiếng; hay nhớ tới phiên chợ chiều, với những lồng cò hàng chục con, được bày bán công khai, nhiệt tình, giống như bao mặt hàng tươi sống khác. Và không xa lạ, tình trạng đó đã và đang diễn ra từ lâu ngay tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng – Hà Nam.
Vào mùa gặt, ngang qua thị trấn Quế, hướng vào trung tâm huyện Kim Bảng, trước mặt bạn là hình ảnh những cánh đồng lúa vàng thơm ngát. Lúa trải dài ngay trên quốc lộ, len lỏi vào từng ngõ xóm thôn quê. Thế nhưng trong khung cảnh mộc mạc bình dị ấy lại thật khó để nhìn thấy hình ảnh cánh cò bay chấp chới, mặc dù nơi đây nổi tiếng là có nhiều loài chim về cư trú.
Thắc mắc thì một người dân mách nước: “Muốn thấy cò thì ra... chợ Nhật Tân”. Quả đúng như vậy, chợ ở đây không chỉ giúp tôi thỏa cái ước muốn được nhìn thấy cò quê mà còn dễ dàng mua về thưởng thức như một món ẩm thực lạ miệng.
Của trời cho
Phiên chợ chiều chỉ mới bắt đầu nhưng đã rất nhộn nhịp người mua bán. Trong vai người đi mua cò với số lượng lớn, rất nhanh chóng tôi được các chị chủ thương bán cò mời chào đon đả. Một “chùm” cò 6 con bị buộc vào nhau cùng dòng máu đỏ tứa ra từ vết khâu ở mắt, được một người chuyên bán cò tên Hòa đưa ra chào mời với giá bán lẻ là 30.000 đồng/con, nếu mua với số lượng lớn thì được giảm xuống còn 27.000 đồng/con; vạc là 100.000 đồng/con còn chim dẽ là 25.000 đồng/con.
Chim được bày bán tại chợ Nhật Tân
Sau hồi làm quen, tôi được một chị bán cò đưa về tận nhà để cho tiện lần sau xuống mua. Và cũng từ đây tôi hiểu được vì sao Nhật Tân lại nổi tiếng là địa chỉ tàn sát chim, cò với mức độ... gây sốc. Chủ gia đình, ông B với công việc thu vé chợ đồng thời cũng là một người có thâm niên trong nghề săn, bắt chim.
Sau một lát dò xét đầy cảnh giác, ông hé lộ cho tôi chuyện nghề: Trung tuần tháng 9, khi chuẩn bị bắt đầu vụ gặt là thời điểm cò về nghỉ chân kiếm ăn đông nhất. Với một cái “bẫy lưới”, đặc biệt là “bẫy rựa” (một loại nhựa siêu dính) thì một người trung bình một ngày có thể bẫy đến 50 con hoặc nhiều hơn nữa. Theo tiết lộ của ông B thì bán đắt nhất vẫn là các loài chim quý bị cấm săn bắt như: Sâm cầm, mòng két với giá 250.000 đồng/con; vịt trời 450.000 đồng/con; dang 250.000 đồng/1kg.
Dù biết loài chim quý nào bị cấm, nhưng người dân coi đấy là món hời của thiên nhiên và mặc nhiên săn bắt, bán cho nhà hàng hoặc những lái buôn. Thắc mắc thì ông B thản nhiên: “Cánh chúng tôi đi đánh thì cứ đi, việc bán cứ bán, việc các nhà hàng mở thì cứ mở”. Nhìn 2 chú cò bị nhốt ở góc sân, với đôi mắt được nhuộm đỏ bằng máu qua những vết khâu, giờ chỉ còn biết nghiêng đầu lắng nghe từng âm thanh xung quanh. Nhưng chúng biết đâu mình sẽ là “cò mồi” cho buổi đánh sáng mai, lòng tôi chợt thấy thật xót xa.
Ở Nhật Tân, lượng chim, cò được tiêu thụ rất lớn và nhanh. Chỉ cần người mua có nhu cầu thì bất cứ lúc nào cũng có “hàng” đáp ứng, bởi việc săn, bẫy được diễn ra quanh năm. Ông B cho biết: Bây giờ đang là mùa gặt, do đó dân đi săn ở đây chủ yếu là bẫy cò. Khi lượng cò ít đi, khoảng hết tháng 9 (âm lịch) thì cũng là lúc mùa đánh dẽ bắt đầu và bẫy cho đến khi vào vụ cấy, song lại chuyển sang bẫy cò.
Nhật Tân là một làng đa nghề, với ba nghề chính là dệt, mộc và mây dang đan. Tuy nhiên những người không học nghề thì đa phần lại chọn săn, bẫy chim làm công việc chính hằng ngày. Bởi lợi nhuận của nó mang lại rất lớn (hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày) nhưng đầu tư thấp.
“Phố thịt chim”
Không chỉ nổi tiếng với nguồn chim dồi dào từ săn bắt, mà Nhật Tân còn nổi tiếng với nhiều nhà hàng đặc sản chim trời. Nhiều thực khách đã gọi vùng quê này là “phố thịt chim”. Trên đoạn đường Biên Hòa, xã Nhật Tân, không khó để tìm các nhà hàng với tên gọi chim – cò, chim trời đủ các món, hiện lên với nhiều dáng vẻ, màu sắc khác nhau, lúc nào cũng tấp nập người ăn, nhưng đông nhất vẫn là quán Ô.V và quán L.Q, với 2 dãy ôtô đậu chật kín vào những ngày cuối tuần.
Mỗi ngày có hàng “đống” chim như thế này bị giết thịt tại “phố thịt chim”
Ở quán L.Q, tôi chưa kịp ngồi xuống ghế, một tiếp viên vừa đưa thực đơn vừa giới thiệu mồm: “Ngoài những loại chim ghi trong thực đơn như dẽ có giá 35.000 đồng/con, cò 40.000 đồng/con... quán chúng em còn có loài chim quý bị cấm như sâm cầm có giá 1triệu đồng/con”. Ngừng một lát để thở, cũng là lúc tiếp viên nhìn tôi nháy mắt: “Đặc biệt, ngoài các món được chế biến từ thịt, quán chúng em còn có một loại rượu ông uống bà khen, bà uống ông khen, được rất nhiều người ưa thích là rượu tiết chim sẻ...”.
Tôi hỏi: Mỗi ngày ở đây có bao nhiêu con chim sẻ bị cắt tiết? Tiếp viên trả lời, giọng có chút tự hào: “Hàng nghìn con chị ạ”. “Thế có bao nhiêu con sâm cầm bị làm thịt?”. “Sâm cầm thì thất thường vì giá hơi đắt...”.
Ô.V là một nhà hàng có lịch sử lâu đời ở “phố thịt chim”. Và ấn tượng lớn nhất của tôi ở đây không phải số khách ăn mà là lượng chim, cò được “làm thịt” mỗi ngày. Tôi rùng mình khi chứng kiến “từng đống” chim được vặt lông sạch sẽ, chỉ còn lại lớp da màu hồng hồng nằm chồng chất, ngổn ngang trong các thùng xốp đang chờ được “bay” trong các chảo dầu hay nồi hấp để phục vụ nhu cầu của những “thượng đế”.
Vừa thấy tôi ngó nghiêng, chủ quán đã đon đả tiếp thị: “Đây là chim dẽ, cò, gà đồng, sẻ... nếu em muốn ăn vạc hay vịt trời thì chị sẽ đi làm ngay”. Thấy chúng tôi có ý nghi ngờ chim không tươi, một chị vừa cho mẻ chim dẽ vào chảo vừa nói: “Ở đây chỉ phục vụ toàn chim tươi thôi, đằng sau chim vẫn còn sống đấy”.
Quả đúng vậy, “đằng sau” chim sống nhiều vô kể, với đủ loại và được nhồi trong các bao lưới mỏng hoặc chiếc thùng. Con thì đứng ngóc đầu nhìn lên khi thấy người lạ, con thì ủ rũ với ánh mắt vô hồn mệt mỏi. Bên cạnh là những chậu nước đỏ ngầu, hay những đám lông của những mẻ chim đã được làm sạch trước đó. Một cảnh tượng hãi hùng và tang thương...
Chị Bốn - người phục vụ ở quán thịt chim này - còn cho biết thêm: “Quán không chỉ phục vụ các món mà còn bán cả chim sống khi khách có nhu cầu mua mang về, với giá gà đồng 60.000 đồng/con, chim dẽ là 30.000 đồng/con...”. Cũng theo chị Bốn: “Trung bình một ngày ở quán cung cấp cho khách từ 400 - 500 con dẽ, còn sẻ thì phải hàng nghìn con. Hôm nào cuối tuần khách về đông thì lượng tiêu thụ chim, cò tăng lên”.
Người xưa có câu “đất lành chim đậu”. Nhật Tân là đất lành nhưng ở đây chim lại đã, đang và sẽ chết theo đúng nghĩa đen của từ này. Với cách suy nghĩ “lộc trời tận hưởng” và tận diệt của người dân, cộng với sự thờ ơ của cơ quan chức năng, chắc chắn một ngày không xa, cánh cò, cánh vạc cùng hàng chục loài chim quý khác sẽ chỉ còn trong ký ức của không chỉ người dân Nhật Tân...