Đánh thuế 45% tài sản ‘bất minh’ để bớt thất thoát

Sự kiện: Thời sự

Nhiều vụ thất thoát hàng ngàn tỉ nhưng không chứng minh được số tiền đó đã “chui” vào túi ai nên rất khó thu hồi.

Chính phủ vừa đề xuất đưa quy định truy thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, về vấn đề này.

Thu được càng nhiều tài sản bất minh càng tốt

. Phóng viên: Dư luận đang rất băn khoăn về căn cứ để đưa ra đề xuất nói trên. Ông có thể chia sẻ về điều này?

+ TS Đinh Văn Minh: Hiện nay, cách duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, nghĩa là hành vi tham nhũng đã được chứng minh, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng mà có. Tuy nhiên, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng những năm qua rất khiêm tốn.

Tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng cho thấy chúng ta mới chỉ thu được 4.000 tỉ đồng trong tổng số khoảng 60.000 tỉ đồng tài sản tham nhũng phải thu từ các bản án. Nhiều vụ thất thoát hàng ngàn tỉ nhưng không chứng minh được số tiền đó đã “chui” vào túi ai.

Chính vì vậy Thanh tra Chính phủ đề xuất áp dụng các biện pháp linh hoạt. Phương châm là với những tài sản chưa rõ nguồn gốc thì phải làm sao thu được càng nhiều càng tốt; với tài sản hỗn hợp vừa do tham nhũng vừa do tự làm ra thì truy thu là hợp lý.

. Con số 45% dựa trên tính toán như thế nào, thưa ông?

+ Về nguyên tắc thì phải kê khai thu nhập, nộp thuế. Nếu phát hiện tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình một cách hợp lý thì tạm coi đây là phần thu nhập đã giấu, do đó phải truy thu.

Con số 45% bao gồm cả truy thu thuế bình thường, phạt trốn thuế… và có thể thay đổi về sau này. Mức đề xuất ban đầu như vậy sẽ được các bên, kể cả người bị thu dễ chấp nhận.

Khi chúng ta quản lý tài sản tốt, từ nhà đất, thuế đến tiền mặt,... thì phát hiện tham nhũng là không khó.

Nếu được thông qua, quy định này sẽ giúp công tác thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn trước đây rất nhiều. Cái được nhất chính là thu hồi một phần tài sản cho Nhà nước, bởi như hiện nay nếu không chứng minh được thì cũng không thu được đồng nào.

Còn theo dự thảo, chưa cần biết anh có tham nhũng hay không nhưng nếu kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc thì trước tiên 45% giá trị tài sản sẽ bị truy thu.

Ông PHẠM TRỌNG ĐẠT, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ 

Không tịch thu khi chưa chứng minh được

. Có ý kiến cho rằng cần phải thông qua con đường phán quyết của tòa để xác định tài sản đó bất minh hoặc có từ tham nhũng và tịch thu luôn thay vì chỉ truy thu 45%?

+ Việc xác định nguồn gốc tài sản có do tham nhũng hình thành nên hay không không hề dễ dàng. Ví dụ, dư luận nghi ngờ một ông quan chức có biệt phủ “khủng”, người ta cũng chỉ biết ông này có nhiều tài sản và thấy rằng cách giải trình về nguồn gốc số tài sản đó không “thuận tai”.

Thế nhưng về pháp luật, muốn chứng minh tài sản đó từ tham nhũng mà ra thì phải làm rõ được ông ta tham gia vụ nào, ăn chia ra sao... Có đủ căn cứ thì mới kết luận là phạm tội và tiến hành tịch thu. Điều này rất mất thời gian và khó khăn.Trong khi đó, không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ không có nghĩa tất cả đều là tham nhũng. Có thể vì lý do nào đó, chẳng hạn như để tránh phải nộp thuế thu nhập nên không kê khai hoặc kê khai không trung thực.

Hơn nữa, nguyên tắc căn bản của pháp quyền là suy đoán vô tội, trách nhiệm chứng minh phạm tội là thuộc về cơ quan nhà nước. Tịch thu tài sản tham nhũng là đúng nhưng phải dựa trên quy định pháp luật.

. Xin cám ơn ông.

Cần tính lại cơ sở đánh thuế tài sản kê khai không trung thực

Trước hết chúng ta không có một cơ sở pháp lý nào để tiến hành truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc hay kê khai không trung thực, bởi những tài sản này không phải là đối tượng nộp thuế được pháp luật quy định. Vậy tài sản đó anh có xác định được là tài sản hợp pháp, tài sản chịu thuế đâu mà tiến hành thu thuế?

Mặt khác, muốn xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không rõ nguồn gốc thì phải thông qua phán quyết của tòa án mới đảm bảo tính pháp lý. Cho nên công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng người ta quy định rõ các nước thành viên có thể hoặc cần phải quy định hành vi làm giàu bất hợp pháp hoặc không chứng minh được nguồn gốc tài sản để xử lý tội phạm thì cần thiết phải đưa ra tòa để xử lý tội phạm đó.

Tôi nghĩ cần có bước quá độ, phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay. Cụ thể như phải đưa vào Bộ luật Hình sự một số tội liên quan đến làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc tài sản để xử lý.

Thứ hai là quản lý chặt chẽ thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn bằng cách kiểm soát thanh toán đối với tài sản có giá trị lớn, ví dụ tài sản trên 100 triệu đồng mà không được thanh toán qua ngân hàng thì là tài sản bất hợp pháp. Như vậy thì những vụ tài sản hàng tỉ đồng được thanh toán không thông qua ngân hàng mà cơ quan chức năng phát hiện được thì coi đó là bất hợp pháp.

TS NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TRỌNG PHÚ ghi

Yên Bái nói gì về việc phạt và cho tồn tại ”biệt phủ” gia đình ông Phạm Sỹ Quý?

Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái chiều 2-12 giải thích việc xử phạt hành chính các công trình sai phép và không phép trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN