Dân nhà C8 bị cháy đang sống ra sao?
Chưa hết bàng hoàng sau đám cháy tại khu tập thể nhà gỗ C8, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra sáng 26/8, các hộ dân bỗng chốc trắng tay lại bộn bề lo toan với cuộc mưu sinh...
Ký ức kinh hoàng
Cùng chung cảnh hỏa hoạn như những người hàng xóm khác, nhưng có lẽ hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Sự, phòng 2, tầng 2 nhà gỗ C8 (được tạm cư tại phòng 312, nhà A2 Phú Thượng) là éo le nhất. Căn hộ gần 20m2 ở nhà C8 là nơi 3 mẹ con bà hàng ngày dựa vào nhau để sống. Cậu con trai lớn tàn tật ở cả 2 tay, đã 37 tuổi mà không lo nổi cuộc sống của mình và cô em gái 34 tuổi đang làm nhân viên phục vụ nhà hàng với khoản lương ít ỏi 2 triệu đồng/tháng. Vì thế, bà Sự dù đã ngoài 60 tuổi nhưng hàng ngày vẫn dọn hàng nước trà đá bên lề đường kiếm sống nuôi con. Lúc hỏa hoạn xảy ra, bà chỉ biết đứng nhìn mà chân tay run rẩy. Tất cả những gì bà tích cóp được bao nhiêu năm qua đều bị ngọn lửa biến thành tro.
Bà Sự nhớ lại, khu tập thể gỗ C8 được xây dựng từ năm 1960, với vật liệu chủ yếu là gỗ. Bà được phân căn hộ từ năm 1969 khi còn làm công nhân xí nghiệp thực phẩm Tông Đản. “Gia đình tôi có lẽ là nghèo nhất và sống thời gian lâu nhất trong số 35 hộ dân ở đây. Hơn 40 năm sinh sống, vậy mà chỉ một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ số căn hộ trong khu tập thể gỗ này”. Bà Sự nói tiếp: “Tôi lập bập chạy lại căn nhà, hy vọng lấy lại được số vốn tí ỏi tích cóp để chuẩn bị đi chữa căn bệnh sỏi mật mà tôi đã phẫu thuật 2 lần vào năm 2004 giờ đây tái phát. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng, đã vậy tôi còn bị ngã gãy cả tay. Số tiền 6 triệu đồng được hỗ trợ, lẽ ra là để mua chăn màn, quần áo thì lại phải mang đi băng bó tay gãy, giờ vẫn còn đau”.
Nhấc từng bước chân nặng nề lên cầu thang nhà A2 Phú Thượng, cô Nguyễn Thị Thủy (trước ở tầng 2 nhà gỗ C8) phải dừng lại nghỉ chân vì mỏi mệt. Cô Thủy nhớ lại: “Tôi là người cuối cùng chạy ra khỏi tòa nhà bốc cháy, chỉ chút nữa là tôi mất mạng vì ngọn lửa ngùn ngụt cháy. Tôi chạy thục mạng ra khỏi đám cháy, vừa chạy vừa phải tránh những thanh gỗ lửa rơi từ trên cao xuống. Ra được bên ngoài, ngồi sụp xuống, tất cả giờ đây với tôi chỉ là hai bàn tay trắng với bộ quần áo rách trên người”. Cô Thùy cũng cho biết, đã mấy ngày nay, cô vẫn bị ám ảnh bởi ngọn lửa, không dám quay lại khu nhà cũ.
Nhà A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ, nơi các hộ dân nhà gỗ C8 bị cháy được bố trí tạm cư
Bàng hoàng, thẫn thờ là cảm giác của gia đình nhà ông bà Tống Bá Nho ở phòng 6, tầng 2, khu nhà gỗ C8. Hôm đó là ngày chủ nhật, cả nhà đi vắng, khi trở về, thật không dám tin vào mắt mình khi trước mắt là đống tro tàn tan hoang. Tất cả những tài sản dành dụm được cả một đời người, hồ sơ, giấy tờ, sổ sách... đã cháy sạch. Bà Nho tâm sự: “Con trai tôi bị câm từ nhỏ, may mắn lắm nó cũng lấy đươc cô vợ bình thường, các cháu cũng khỏe mạnh. Mấy ngày nay, sau đám cháy, nó buồn lắm mà không nói được thành lời, nhìn con mà tôi thấy thương quá” - vừa kể bà Nho vừa ứa nước mắt.
Thấp thỏm lo âu
Về chỗ ở mới trong tình cảnh tay trắng nhưng các hộ gia đình nhà gỗ C8 cũng an ủi phần nào vì nơi tạm cư khang trang để bắt đầu ổn định lại cuộc sống. Tại khu tái định cư A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ những ngày này đã đông đúc hơn, các hộ gia đình bắt tay vào mua sắm những vật dụng gia đình cần thiết. Bà Nguyễn Thị Sự cho biết, gọi là chuyển đến nơi ở mới, nhưng hầu như mọi người đều đi người không đến chứ làm gì ai còn tài sản nào mà chuyển. Nhà mới đến cũng thiếu thốn đủ thứ, có phần xuống cấp... Nhưng dù sao lúc này, có chỗ ở, chỗ ăn, ngủ đã là may mắn.
Khó khăn trước mắt đã tạm ổn, nhưng bà Sự lo lắng hơn về cuộc sống sau này: “Nồi cơm của 3 mẹ con trông chờ chủ yếu vào quán nước nhỏ, nay đến chỗ mới, lại già yếu, quán nước nhỏ cũng không thể tiếp tục được nữa. Chỗ ở mới cũng khá xa trung tâm, không tiện việc buôn bán như trước, sắp tới tôi cũng chưa biết phải xoay sở thế nào đây?”.
Bà Sự và bà Nho trong căn hộ tạm cư A2 Phú Thượng
Bữa trưa đạm bạc của gia đình bà Sự
Bà Nguyễn Thị Thi, hiện đang tạm cư tại tầng 3 tòa nhà A2 Phú Thượng lo âu: “Hầu hết các hộ gia đình ở nhà gỗ C8 là dân lao động nghèo, sống bằng nghề làm thuê, chạy chợ, bán hàng... Nhà gỗ C8 lụp xụp là vậy nhưng lại gần chợ, gần đường, dân lao động chúng tôi còn có chỗ mưu sinh kiếm sống. Về đây rồi, không biết những ngày tới lấy gì để sống”.
Bà Nguyễn Thị Thủy mặc dù đã 55 tuổi nhưng con trai mới học lớp 5. Đám cháy vừa rồi đã thiêu rụi toàn bộ số sách vở, đồng phục đầu năm của con bà. Nhận được tiền trợ cấp ít ỏi, việc đầu tiên bà phải làm là xin cho con trai chuyển trường để kịp năm học mới, số còn lại để dành còn lo học phí cho con sau này. Bà Thủy Tâm sự: “Nhà mới khang trang hơn, nhưng trống rỗng vì không dám mua sắm đồ đạc, nếu mua đồ thì những ngày tới chắc phải nhịn cơm mất”.
Phòng khách trống trơn của gia đình anh Vũ Ngọc Khang ở tầng 2
Những vật dụng gia đình thiết yếu vừa được mua mới vì đồ dùng ở nhà gỗ đã cháy hết.
Lắng nghe tâm nguyện của bà con vừa chuyển đến khu tái định cư A2 Phú Thượng, có thể thấy hầu hết người dân đều muốn được ổn định cuộc sống lâu dài ở khu tái định cư này vì có an cư mới lạc nghiệp. Bà Thi cho biết: “Chúng tôi không có nghề nghiệp ổn định nên làm gì có lương, nguồn sống là những chuyến hàng chợ. Do vậy, phải nhanh chóng bắt tay vào cuộc sống mưu sinh, chỉ sợ rằng, vừa bắt đầu công việc mới lại phải chuyển nhà, rồi bắt đầu lại... chắc chúng tôi không sống nổi, hiện tại đã quá mệt mỏi rồi. Trước mắt, cũng mong chính quyền nhà nước tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong việc ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho bà con”.
Phòng khách mới chỉ có chiếc TV do thành phố tặng
Phòng bếp thì vẫn còn bừa bộn
Nhiều nơi trong các căn hộ ở nhà tạm cư A2 Phú Thượng đã xuống cấp, hỏng hóc
Ông bà Tống Bá Nho chia sẻ: “Mấy ngày nay, chúng tôi không làm được việc gì, vì không biết sẽ được ở đây mấy ngày, hay mấy tháng. Trong khi đó, miệng vẫn phải ăn, tiền vẫn phải tiêu. Nghĩ đến những ngày, tới vợ chồng tôi lại thấp thỏm lo âu, mấy đêm không ngủ được. Mong sao nhà nước cho chúng tôi được định cư ở đây, để chúng tôi tìm việc làm, ổn định cuộc sống”.