Dân khốn khổ sống trong điểm nóng ô nhiễm
Với cách xử lý “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay, thâm niên gây ô nhiễm của các cơ sở sản xuất dọc kênh Tham Lương, quận 12 - TPHCM không chỉ dừng lại ở con số 10!
Sau một thời gian tạm lắng, điểm nóng ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - TPHCM có dấu hiệu… bùng phát trở lại.
Dưới nhuộm kênh, trên nhuộm trời
Bà Lê Thị Sờ, đại diện chi hội phụ nữ KP4, kể: Khoảng tháng 6, 7, khi nhiều đoàn kiểm tra và xử phạt các cơ sở sản xuất, mức độ ô nhiễm có phần giảm. “Giảm chứ không phải hết!” - bà Sờ nhấn mạnh. Khoảng 2 tuần trở lại đây, khói đen phủ kín trời và bụi than bay đầy nhà dân. Cùng với khói bụi là nước nhuộm đầy màu sắc, bốc khói nghi ngút từ hệ thống thoát nước tràn ngược ra đường và tràn vào nhà dân.
Từ 15-16 giờ, các lò đốt bắt đầu hoạt động, khói đen, khói trắng bay cuồn cuộn phả lên trời, khu dân cư hai bên tuyến đường Nguyễn Văn Quá bị “tẩm” bởi mùi khét và gắt của vỏ hạt điều cháy. Bụi than rơi đầy sổ tay của chúng tôi, phủi đi có cảm giác rít dính của dầu. Người dân cho hay đó chính là loại bụi đặc trưng của vỏ hạt điều, khác hẳn với các loại chất đốt là củi hay mùn cưa.
Khói từ lò đốt vỏ hạt điều của cơ sở sản xuất Trang Kiểm, số 70/6 đường 13, KP4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - TPHCM. Ảnh: Minh Khang
Thế nhưng ông Trần Trung Hòa, đại diện MTTQ KP5, cho biết các cơ sở chỉ mới hoạt động… lai rai, “Sau khi bị xử phạt, hầu hết các lò đốt đều chuyển về đêm từ 17-18 giờ đến 6-7 giờ hôm sau. Lúc đó, cả khu phố nồng nặc mùi dầu điều.
Ngủ một đêm dậy, nhà cửa đen thui, quét được cả nắm bụi”. Rất nhiều trẻ em trong khu phố mắc bệnh về đường hô hấp được người dân cho là do hít phải khói độc. Theo GS-TS Lê Huy Bá, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, phenol trong vỏ hạt điều là một chất cực độc khi phát tán trong môi trường không khí và môi trường nước.
Chất này có khả năng bào mòn rất lớn nên đồ vật bị khói bụi từ vỏ hạt điều bám vào sẽ nhanh chóng bị hư hỏng, thậm chí nồng độ chỉ một phần chục ngàn đã có thể làm thủng da người. Vì vậy, khói từ vỏ hạt điều cháy có khả năng gây ung thư rất cao. GS Lê Huy Bá cho hay cách đây hơn 10 năm, một kho chứa nhựa vỏ hạt điều ở Bình Chánh rò rỉ nhựa xuống kênh. Khi các công nhân đi nạo vét bùn, gặp phải nước này đã bị lở loét nặng.
Phải chuyển vào KCN
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 12, trên địa bàn phường Đông Hưng Thuận có khoảng 35 cơ sở gây ô nhiễm. Hầu hết là cơ sở ô nhiễm di dời từ các quận nội thành ra và đã tồn tại hơn chục năm, gây bức xúc trong dư luận. Từ tháng 5, khi HĐND TP về giám sát và UBND TP chỉ đạo xử lý triệt để, quận đã thành lập đoàn chuyên trách để giải quyết điểm nóng này. Trong số 17 cơ sở thuộc thẩm quyền xử lý của quận, đã kiểm tra, đình chỉ hoạt động 9 cơ sở, xử phạt hành chính và tạm đình chỉ 5 cơ sở.
Trạm biến áp bị che khuất bởi đống củi khổng lồ. Ảnh: Minh Khang
Ba cơ sở còn lại đã có quyết định đình chỉ hoạt động nhưng chưa chấp hành, dự kiến cuối tháng 10 quận sẽ tiến hành cưỡng chế. Riêng 18 cơ sở thuộc thẩm quyền xử lý của TP, có 8 cơ sở đã bị Sở Tài nguyên - Môi trường TP ra quyết định tạm đình chỉ để khắc phục, 10 cơ sở còn lại do Công an TP tham mưu UBND TP hướng xử lý. Đến giữa tháng 9, các cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động đã được tháo niêm phong, cho phép hoạt động trở lại vì đã có những biện pháp xử lý, khắc phục ô nhiễm.
Theo ông Thắng, về mặt lý thuyết, các cơ sở này đã ký hợp đồng với các viện, trung tâm xử lý môi trường để cải tạo, lắp đặt các hệ thống xử lý khí thải và nước thải nên phải tháo niêm phong cho họ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp để tận thu lợi nhuận, các cơ sở này không vận hành hệ thống xử lý, xả lén ra môi trường, trong khi địa phương không có đủ thiết bị và nhân lực để liên tục giám sát hoạt động của các cơ sở.
Chính vì vậy, biện pháp căn cơ và triệt để nhất là di dời các cơ sở này vào các KCN tập trung. “Hiện chúng tôi đã rà soát và đề xuất lên TP kế hoạch di dời khoảng 40 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có nhiều cơ sở tại phường Đông Hưng Thuận” - ông Thắng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận nhiều hơn con số 35 mà quận đưa ra, bởi chỉ riêng KP4 đã tập trung gần 30 cơ sở nhuộm, giặt tẩy… và số cơ sở sản xuất ngành nghề này trên địa bàn KP5 cũng bằng từng ấy. Hầu hết cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận đều có “thâm niên” vi phạm về môi trường và nhiều lần bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt.
Giỡn mặt với “bà hỏa”! Hầu hết cơ sở sản xuất trong khu vực đều chứa củi bên dưới … các trụ điện, thậm chí trạm biến áp cũng được tận dụng làm “kho” chứa củi. Theo quan sát của chúng tôi, các cơ sở sản xuất tập trung trong các hẻm, xen lẫn trong khu dân cư. Tuy nhiên, đường hẻm ở đây khá nhỏ, vòng vèo và lầy lội. Khi sự cố về cháy nổ xảy ra, việc di tản dân sẽ rất khó khăn và hậu quả khôn lường. |