Đà Nẵng: Hỗ trợ CSGT bằng tiền phạt
Ngoài cảnh sát giao thông, các lực lượng khác như thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự… cũng sẽ được hỗ trợ.
Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đưa ra tại buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 10/7.
Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (trưởng đoàn), đặt vấn đề: Trong thời gian qua, dư luận có nhiều phản ứng trái chiều về việc TP Đà Nẵng đưa ra cơ chế hỗ trợ, thêm phụ cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông khi làm nhiệm vụ. Liệu việc dùng tiền xử phạt để bồi dưỡng cho người đi xử phạt có trái quy định?
Trả lời, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết TP ghi nhận những ý kiến đóng góp của dư luận và các cơ quan, ban ngành về vấn đề này và sẽ có phương án điều chỉnh hợp lý, đúng quy định pháp luật. Ông Tuấn cũng cho hay TP không chỉ hỗ trợ cho CSGT và thanh tra giao thông mà các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự, ma túy… cũng sẽ nhận được hỗ trợ tương ứng.
Ngoài CSGT, các lực lượng khác cũng sẽ được hỗ trợ (Ảnh minh họa)
Theo đó, toàn bộ số tiền thu phạt vi phạm giao thông được điều phối theo tỉ lệ như sau: 70% số tiền giao cho Công an TP, 10% được giao cho thanh tra giao thông, trong đó 8% (tương ứng 2 triệu đồng/tháng) hỗ trợ cho người đi làm nhiệm vụ. 10% giao cho Ban ATGT, 8% để TP xử lý các vấn đề đột xuất, 1% nộp kho bạc và 1% nộp tài chính. Trong 70% số tiền phạt giao cho công an thì CSGT làm nhiệm vụ được hưởng 50% của số tiền này (tương ứng 5 triệu đồng/người/tháng), cảnh sát trật tự được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng, cảnh sát cơ động 500.000 đồng/người/tháng, cảnh sát hình sự, ma túy được hưởng 100.000 đồng/người/đêm khi đi thực hiện nhiệm vụ.
Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng (Công an TP Đà Nẵng), cho biết hiện tiền hỗ trợ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đã được chuyển về đơn vị hậu cần, chờ cấp phát cho các chiến sĩ.
Cũng tại buổi làm việc, TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 về xử phạt hành chính trong giao thông cho phù hợp với thực tế. Đại tá Nguyễn Đến dẫn chứng: “Theo quy định, trẻ em trên sáu tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, nếu không thì bị xử phạt nhưng thực tế rất khó để xác định đứa trẻ bao nhiêu tuổi để có phương án xử lý. Hay như việc xử lý lái xe có nồng độ cồn trong người vượt quá quy định rất mất thời gian, gặp nhiều vướng mắc. Theo quy định thì CSGT buộc phải giữ xe, còn lái xe được về. Nhưng nhiều tài xế say rượu không có phương tiện để về nhà, gây rối tại cơ quan công an. Nhiều lần, CSGT phải đưa tài xế vi phạm về tới nhà”.
Đại diện Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cũng kiến nghị tăng mức xử phạt đối với những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như lạng lách, đánh võng, đua xe… Ngoài ra, theo Đại tá Nguyễn Đến, cần xây dựng đường truyền kết nối thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông giữa công an của 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhằm phục vụ theo dõi, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần, tái phạm để áp dụng các tình tiết tăng nặng. “Thực tế, có nhiều đối tượng vi phạm giao thông lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, báo mất để được cấp lại, trốn trách nhiệm trước pháp luật” - ông Đến nói.