Cướp lộng hành: Công an có chủ quan!

Phần trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM sáng nay (6/12), của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho thấy ngành công an có những điểm yếu khi để nạn cướp giật gia tăng, hung hãn hơn.

Trước đó, Công an TP.HCM đã dự báo năm 2013 tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp.

Tội phạm hung hãn hơn

Tình hình tội phạm trong năm 2012 nhìn chung đã giảm so với năm trước. Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận trong tháng 11/2012, tội phạm có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là cướp giật. Tội phạm ngày càng hung hãn hơn, công nhiên chiếm đoạt tài sản gia tăng. Tuy nhiên theo ông Minh điều này thực ra không mới, vì trước đây cũng có những vụ cướp sử dụng vũ khí nóng. “Chúng ta đang bị ám ảnh bởi những vụ cướp như cướp laptop ở đường Cộng Hòa, chặt tay cô gái ở quận 2”, ông Minh phát biểu.

Tình trạng rải đinh, đua xe trái phép đã giảm và ngành công an đã xử lý tận gốc từ cơ sở độ xe. Năm 2012, hầu như không có vụ đua xe lớn tại TP.HCM, có chăng chủ yếu ở các tỉnh.

Cướp lộng hành: Công an có chủ quan! - 1

 Hung khí gây án của băng cướp chặt tay cô gái gần cầu Phú Mỹ

Có chủ quan

Trước các chất vấn về tội phạm gia tăng, ở các vùng ven, vùng giáp ranh của các đại biểu, ông Minh thẳng thắn thừa nhận: Công an có chủ quan trong việc phòng chống tội phạm. Cùng với đó là tính toán sai của ngành công an thành phố, kế hoạch từ cuối năm 2011, tập trung vào khu vực trung tâm, xử lý vi phạm đối với người nước ngoài. Đây là điều kiện cho các loại tội phạm, trộm cướp ở vùng ven nổi lên. Người dân thành phố khi gặp trộm cướp không chỉ mất tài sản, mà cả tính mạng.

“Nói du khách nước ngoài sụt giảm vì cướp giật quá oan cho ngành công an. Khi tiếp xúc với người nước ngoài bị trộm cướp, công an chưa ghi nhận được du khách nào bộc lộ sẽ rời Việt Nam ngay vì chuyện này cả”, ông Minh phân trần.

Ông Minh thông tin, đang có một nghịch lý số lượng ma túy tổng hợp thu giữ được tăng lên, nhưng số người sử dụng phát hiện lại giảm. Đó là một nghịch lý!

Cướp lộng hành: Công an có chủ quan! - 2

Thiếu tướng Phan Anh Minh: “Tội phạm cướp giật sử dụng vũ khí nóng không mới. Nhưng chúng càng táo tợn hơn, chúng ta đang bị ám ảnh bởi những vụ cướp như cướp laptop ở đường Cộng Hòa, chặt tay cô gái ở quận 2”

Có chuyện giấu án!

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, công an tại các địa bàn đang giấu án, đùn đẩy án để lấy chỉ điểm thi đua. Tại sao không lấy việc phá án, bắt bao nhiêu đối tượng tội phạm làm chỉ tiêu thi đua?

Trước ý kiến của đại biểu Hiếu, ông Phan Anh Minh thừa nhận: Có giấu án! Vừa rồi lãnh đạo công an đã đề nghị cắt thi đua với một số công an của phường Bến Nghé về sai sót không thống kê các vụ tội phạm đầy đủ, thiếu chính xác.

Ông Minh đồng ý với đại biểu Lê Trương Hải Hiếu chỉ tiêu bắt được tội phạm là chỉ tiêu mấu chốt. Khắc phục bất cập này công an thành phố sẽ chủ động đổi mới. Ông Minh thừa nhận, thống kê tội phạm theo địa bàn làm sẽ rất bất công. Vì có địa bàn như quận 1, quận 3… dân số giảm, nhưng các quận 4, quận Bình Tân… dân số đang tăng và tội phạm cũng tăng. Sắp tới công an sẽ xây dựng chỉ tiêu hiện đại hơn, số đối tượng phạm tội trên 100.000 dân. Đây cũng là tiêu chí phản ánh được tình trạng người dân sống an toàn hơn.

Sắp tới công an TP.HCM sẽ trang bị hệ thống phần mềm để tất cả các trường hợp vi phạm về tệ nạn xã hội, hình sự sẽ được thống kê đầy đủ từ cơ quan điều tra, hệ thống xử phạt, đến trung tâm cai nghiện, nơi sinh hoạt… Các thông số sẽ được công bố định kỳ hàng quý. Có như thế không có nơi nào giấu được dân trên địa bàn mình phạm tội. Chẳng hạn người ở quận 8, sang quận 12 mua ma túy cũng sẽ được nói rõ.

Vẫn theo thiếu tướng Phan Anh Minh, hiện Công an TP.HCM không hứa hẹn tăng thêm lực lượng cảnh sát khu vực, chuyên trách ở các quận, huyện, phường, xã do không tuyển sinh. Bù vào thiếu hụt này công an thành phố cố gắng tăng cường chất lượng. Và chỉ mong làm sao thế được lực lượng hao hụt tự nhiên vì nghỉ hưu đã là tốt lắm. Ông Minh chia sẻ: “Mong sao công an các quận huyện choàng gánh cho nhau”.

Trước ý kiến lực lượng bảo vệ dân phố thiếu chuyên nghiệp, công cụ hỗ trợ, kiêm nhiệm, tuổi cao, thiếu sức khỏe, ông Minh cho biết: Sẽ mở lớp đào tạo nghiệp vụ thêm cho họ và bớt đi việc kiêm nhiệm các công việc khác của những người tham gia công việc này.

Thưởng nóng 5 triệu cho người bắt cướp

“Chúng tôi đang dự tính vận động doanh nghiệp du lịch kinh doanh có lãi trên địa bàn thành phố đóng góp để bất kỳ ai bắt cướp quả tang thưởng ngay 5 triệu đồng. Nếu giáo dục tốt, với mức thưởng đó đồng bọn của chúng sẽ quay lại bắt và giao cho lực lượng công an. Và ngành công an sẽ có lực lượng hùng hậu để chống tội phạm”, thiếu tướng Phan Anh Minh phát biểu.

Không cần lực lượng 141

Giải đáp kiến nghị của đại biểu về TP.HCM cần thành lập lực lượng 141 như ở Hà Nội. Phó giám đốc Công an TP.HCM giải thích: “Ở Hà Nội có quá nhiều đầu gấu, đi xe không đội nón bảo hiểm, chặn lại thì nói là con ông cháu cha nên phải có lực lượng hỗ trợ. TP.HCM chưa tới mức đó nên chưa cần thiết có lực lượng này. Thành phố chỉ cần thông tin nhanh, không cần một ông làm mà hai thợ vịn…”.

Chiều nay, tiếp tục phiên chất vấn, thiếu tướng Phan Anh Minh đưa ra con số làm mọi người không khỏi giật mình: những năm trước đợt đặc xá phạm nhân vì lý do trại giam quá tải, chứ không phải họ cải tạo tốt. Trả lời đại biểu Nguyễn Quý Hòa về tình hình nguyên nhân phạm pháp hình sự, thiếu tướng Phan Anh Minh trả lời: Hôm qua, các đơn vị có thống kê hơn 150 đối tượng hình sự bị bắt trong các tháng gần đây thì 49% là thất nghiệp, hơn 50% là có việc làm không ổn định. Trước đây khoảng 30% liên quan đến ma túy, gần đây lên tới 46%, 24% có tiền án tiền sự, 41,13% đã gây án nhiều lần hoặc đang bị truy nã. Các con số này đủ nói lên được vấn đề.

Đại biểu Lâm Đình Chiến, đặt vấn đề phục hồi cảnh sát săn bắt cướp (SBC). Thiếu tướng Minh nói: “Chúng tôi hiểu SBC đã nằm trong lòng dân, giờ dùng từ đặc nhiệm nghe hơi xa lạ. Lực lượng đặc nhiệm kế thừa những ưu điểm của SBC trước đây. Từ SBC hiện nay không phù hợp. Nguyên nhân do cướp cũng là con người, nên dùng từ săn bắt không hay, do vậy từ đặc nhiệm thích hợp. Người dân chờ đợi thêm thời gian nữa, không nên cho rằng hình sự đặc nhiệm không bằng SBC”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN