Cuộc tình cảm động của 2 bệnh nhân phong

Vượt lên nỗi đau bệnh tật, sự ghẻ lạnh của cộng đồng, họ tìm đến nhau với bằng sự đồng cảm và tình yêu chân thành.

Căn bệnh quái ác có thể cướp đi cánh tay hay đôi chân hai con người này nhưng không thể ngăn hai trái tim đang cùng nhịp đập. Đó là câu chuyện tình yêu của vợ chồng bệnh nhân Trần Đình Chất (SN 1969) và Dương Thị Đoàn (SN 1972) ở Trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh).

“Cổ tích” chuyện tình ở làng Phong

Cúi đầu vân vê cánh tay còng queo không còn cảm giác, anh Chất bùi ngùi nhớ lại những ngày đầu khi biết mình mang căn bệnh phải cách li với xã hội. Đó là một ngày mùa đông năm anh học lớp bảy. Đang buổi thi giữa học kỳ, bàn tay anh đột nhiên mất cảm giác và không thể cầm chắc cây bút.

Nghĩ rằng đó chỉ là bệnh liên quan đến dây thần kinh nên anh Chất được anh trai đưa xuống bệnh viện ở Quảng Ninh để chữa trị. Nhà nghèo, hàng tháng hai anh em vượt qua đoạn đường hàng chục cây số bằng xe đạp nhưng gia đình cũng chỉ dành dụm đuợc vài cân gạo đưa xuống cấp dưỡng. Ngoài số gạo ấy, anh phải tự kiếm thức ăn bằng cách mò cua bắt ốc ngoài suối. Sau hai năm, bệnh tình vẫn không thuyên giảm, bệnh viện đưa anh vào đồi Quả Cảm. Đến lúc ấy, anh đau khổ nhận ra mình bị mắc phong. Căn bệnh mà lâu nay người ta vẫn gọi là hủi. Cái giây phút biết mình mắc bệnh, anh rụng rời chân tay và không muốn tin đó là sự thực. Nỗi sợ hãi và mặc cảm bao trùm cuộc sống của anh. Dần dần anh trở thành người lầm lì, ít nói. Không ít lần anh muốn tìm cái chết như một sự giải thoát.

Cuộc tình cảm động của 2 bệnh nhân phong - 1

Anh Trần Đình Chất

Trong những ngày tháng sống và sinh hoạt cùng các bệnh nhân ở đồi Quả Cảm, anh được gặp y tá Xuân, người vốn được mọi người gọi với cái tên trìu mến là sơ Xuân. Biết anh luôn suy nghĩ bi quan, hàng ngày, sơ Xuân gặp gỡ, hỏi thăm, chuyện trò và lắng nghe mọi tâm sự của anh. Đồng thời, người con gái này cũng động viên anh vượt qua những mặc cảm bệnh tật. Cũng chính nhờ sơ Xuân anh đã tìm đến với người bạn đời và có được tổ ấm hạnh phúc của riêng mình.

Biết các bệnh nhân trong đồi Quả Cảm luôn lo lắng, cô đơn nên sơ Xuân thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu với các trung tâm điều trị phong khác. Một lần, anh Chất theo sơ Xuân tới trại phong ở Sóc Sơn (Hà Nội). Hôm đó, anh đảm nhiệm trọng trách phụ bếp nấu phở, kiêm ca sĩ của đoàn Quả Cảm. Tâm sự thầm kín thiết tha trong bài “Tương phùng tương ngộ” được anh khéo léo thể hiện qua chất giọng trầm ấm. Bài hát đó đã làm ấm lòng biết bao trái tim. Giọng ca ấn tượng của anh cũng khiến một cô gái nao lòng, da diết nhớ thương.

Ngày ấy, sau buổi giao lưu, chị Dương Thị Đoàn (sau này là vợ anh – PV) dù rất cảm mến nhưng không dám tới gần làm quen. Từ lâu chị đã nghĩ, mình mắc bệnh rồi thì chẳng thể yêu thương và đến được với ai nữa. Thế nhưng, mãi đến bây giờ, cả anh và chị cũng không lý giải nổi vì sao sơ Xuân lại tinh ý đến thế. Cô một mực giới thiệu hai anh chị với nhau. Dần dần, qua những chia sẻ, tâm sự về cuộc sống và ước mơ trong tương lai, anh Chất và chị Đoàn nảy sinh tình cảm. Sau một năm, họ quyết định đến với nhau và xây dựng hạnh phúc ngay tại làng phong.

Nhớ lại khoảng thời gian yêu nhau, anh Chất vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động. Ban đầu, anh cũng sợ chị Đoàn không chấp nhận tình cảm của mình. Sợ chị chê anh què cụt chân tay chẳng thể lo cho cuộc sống của hai người. Một lần nữa, sơ Xuân lại tiếp thêm sức mạnh và động viên anh mạnh dạn bày tỏ tâm tư với người con gái mình nhớ thương đêm ngày. Sơ Xuân còn giúp anh viết thư tâm sự gửi đến chị Đoàn. Hạnh phúc mỉm cười khi chị Đoàn có nhã ý trả lời thư anh. Vậy là, anh tiếp tục hi vọng…

Biết tin anh lấy vợ, gia đình anh ít nhiều ái ngại. Vậy là cô Xuân lại tất bật vừa làm họ nội, vừa làm họ ngoại, lo tổ chức đám cưới cho hai anh chị. Một buổi lễ vu quy đầm ấm, đơn giản giữa đã diễn ra trong trại Quả Cảm. Cả hai làng phong, ai cũng vui mừng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Cuộc tình cảm động của 2 bệnh nhân phong - 2

Điều quan trọng là mỗi người phải biết sống hết mình, biết vun vén cho cuộc sống của bản thân và gia đình (Ảnh minh họa)

Quả ngọt từ những mầm sống không lành lặn

Trong một lần nói chuyện với sơ Xuân, anh Chất mới tình cờ biết rằng, cô Xuân còn có một niềm vui riêng. Đó là làm bà mối “mát tay”, vị thần tình yêu mang đến hạnh phúc cho nhiều đôi trẻ khác của làng Phong. Thậm chí, không ít người còn nhờ cô thay bố mẹ tổ chức hôn lễ cho họ. Tổ ấm hạnh phúc được ghép từ những mảnh đời thiếu hụt như anh Chất chị Đoàn đã không còn hiếm gặp ở làng Phong. Cuộc sống và tình người nơi đây đã khiến họ thức tỉnh. Họ nghiệm ra rằng, không thể chìm đắm mãi trong cô đơn, buồn tủi mà phải biết xích lại gần nhau, cùng nhau vươn lên trong cơn khốn khó. Chính những con người ấy đã chứng minh một chân lý vô cùng đẹp đẽ rằng, hạnh phúc không là của riêng ai. Điều quan trọng là mỗi người phải biết sống hết mình, biết vun vén cho cuộc sống của bản thân và gia đình.

Nói về hạnh phúc của mình, anh Chất luôn chia sẻ với niềm xúc động: “Để có được mái ấm gia đình ở nơi mà tưởng chừng như sự sống đã vùi tắt này, tình yêu cũng quan trọng nhưng nó không phải điều duy nhất để đến được với hạnh phúc. Điều quan trọng là mỗi người phải biết chia sẻ, phải có quyết tâm và phải có tình thương. Chúng tôi có cùng hoàn cảnh, có sự cảm thông nên bầu bạn với nhau để chia sẻ vui buồn trong cuộc sống”.

Niềm vui gia đình của vợ chồng anh Chất như được nhân lên gấp bội khi họ đã có một cậu con trai học lớp ba. Hàng ngày, cháu vẫn đạp xe đến trường học cùng các bạn học sinh bình thường khác. Anh Chất thường động viên con: “Đời bố bệnh tật khổ nhiều rồi. Con cố gắng học tốt, mai này làm người có ích cho xã hội”. Dường như hiểu được hoàn cảnh của mình, cháu ngoan ngoãn và học khá giỏi. Cậu bé lớp ba ấy cũng không bao giờ đòi ba mẹ phải mua đồ chơi, quà bánh như những đứa trẻ cùng tuổi khác.

Khi có được hạnh phúc gia đình, anh cũng dần đón nhận được sự chia sẻ của những người xung quanh. Anh Chất nhớ lại: “Ngày xưa mắc bệnh, mình chỉ muốn chui vào rừng mà sống, hoặc là chết đi cho khỏi bắt gặp ánh mắt của mọi người. Bây giờ xã hội phát triển, người ta không còn sợ người bị hủi như trước nữa”. Thỉnh thoảng anh vẫn ra ngoài chợ mua mớ rau, con cá về cải thiện bữa ăn. Rau trong vườn nhà trồng có khi dư thừa không ăn hết, anh lại mang ra ngoài chợ bán. Lạc quan là vậy, nhưng ánh mắt anh Chất vẫn còn bao điều trăn trở. Anh mong sau này xã hội sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với những người bị bệnh phong để con anh sau này có cuộc sống bình thường như bao người khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thu (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN