Cuộc sống mới của mẹ con “người rừng”

Trong căn nhà tuềnh toàng, mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Minh vẫn sống cuộc sống “hoang dã”, tách biệt với mọi người xung quanh. Hơn một năm nay, chính quyền địa phương và hàng xóm đã rất cố gắng tạo điều kiện và giúp đỡ để mẹ con chị Minh sớm hòa nhập cộng đồng...

Cuộc sống mới của mẹ con “người rừng” - 1

Chị Minh và cu Nhỏ trong căn nhà dột nát, ẩm ướt như một nhà kho. Ảnh:  Lê Chung

Khó hòa nhập cộng đồng

Cách đây hơn một năm, Báo GĐ&XH có đăng bài “Ba mẹ con sống hoang dã như người rừng” phản ánh về trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Minh (45 tuổi, trú tại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo đó, hơn 10 năm qua, mẹ con chị Minh ở trong một ngôi nhà rách nát, sống một cuộc sống rất hoang dã. Đáng thương hơn, một trong hai đứa con của chị Minh thiếu thốn áo quần để mặc, mặt lấm lem bùn đất khiến ai nhìn thấy cũng tưởng là “người rừng”.

Đầu năm 2016, chúng tôi đã quay trở lại thăm gia đình chị Minh. Men theo con đường bê tông dẫn vào thôn Sư Lỗ, không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được căn nhà nhỏ của chị. Khác với lần trước, bây giờ bên căn nhà cũ tồi tàn rách nát của mẹ con chị đã có thêm một căn nhà mới khang trang vững chắc. Từ khi hoàn cảnh khó khăn của chị Minh được nhiều người biết đến, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã quan tâm đến gia đình chị nhiều hơn, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, cuộc sống của ba mẹ con so với một năm về trước không khác nhau là bao. Được biết, sau khi chuyển sang nhà mới ở được một thời gian, hiện mẹ con chị đã quay lại với cuộc sống lay lắt như trước trong căn nhà cũ ẩm mốc, tồi tàn.

Thấy chúng tôi đến thăm, chị Minh tỏ ra khá ngại ngùng tìm cách tránh mặt, mãi sau chị mới chịu nói chuyện. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, đập vào mắt chúng tôi là những đồ dùng vương vãi, từ áo quần cũ cho đến chai lọ, củi gỗ… có ở khắp mọi nơi. Tài sản đáng giá nhất của gia đình là cái giường cũ kĩ đã gãy cả bốn chân và bình nước vàng ố dùng để trữ nước sinh hoạt hàng ngày. Nói là nhà nhưng thực chất đây không khác một nhà kho lâu ngày không được dọn dẹp. Khi chúng tôi hỏi vì sao có nhà mới không ở mà lại chuyển về ở đây, chị Minh bảo: “Nhà mới nóng, có ở thì Tết mới ở. Nhà cũ để nấu ăn, còn đêm lên ngủ ở nhà mới”. Dứt câu, chị Minh cười sằng sặc một tràng dài. Suốt buổi nói chuyện chị cũng nói được vài câu rồi hay cười lên một cách hoang dại như vậy.

Cuộc sống mới của mẹ con “người rừng” - 2

Cu Nhỏ rất được mọi người trong xóm quý mến.

Con trai út của chị Minh năm nay 12 tuổi, gặp chúng tôi đã mạnh dạn hơn trước rất nhiều, không còn tỏ ra sợ hãi khi thấy người lạ nữa. Cháu bé ghé tai chúng tôi nói nhỏ: “Mẹ bắt hai anh em ở đây cả ngày, không cho lên nhà mới. Ban đêm, 3 mẹ con nằm trên đống quần áo cũ, lấy áo mưa để đắp”. Khi được hỏi về anh trai, cháu bé cho biết: “Anh lớn đi chơi suốt, đói thì về ăn, tối tìm về nhà ngủ. Khi thì anh ở ngoài xóm, khi chơi ở trong chùa. Nhiều lúc cháu phải đi tìm anh về”.

Anh Nguyễn Nam (hàng xóm của chị Minh) cho biết: “Hai cháu bé sinh ra rồi được mẹ thả lăn lê trên đất từ nhỏ nên quen với lối sống hoang dã. Cháu nhỏ thì còn biết, chứ cháu lớn thoắt ẩn thoắt hiện, thấy người lạ lại chạy đi trốn bởi không thích tiếp xúc với mọi người. Lúc nào cháu lớn cũng chỉ bận một cái áo rách trên người, không mặc quần. Có lúc đêm, cháu vừa đi vừa hú lên như thú rừng khiến nhiều người không khỏi sợ”.

Vấn đề nan giải...

Cuộc sống mới của mẹ con “người rừng” - 3

Cu Lớn như con mèo hoang len lỏi khắp xóm, trên người chỉ bận mỗi chiếc áo dài che luôn phần dưới.

Về hoàn cảnh của mẹ con chị Minh, ông Nguyễn Ngọc Thành - Trưởng thôn Sư Lỗ chia sẻ: “Trong gia đình chỉ có chị Minh và cháu lớn có dấu hiệu của bệnh tâm thần, lúc điên lúc tỉnh. May mắn là cháu nhỏ bình thường và khá lanh lẹ. Năm ngoái chính quyền đã giúp đỡ làm hộ khẩu cho ba mẹ con. Hàng tháng, mẹ con chị Minh được hỗ trợ gần 900.000 đồng, lâu lâu lại có các nhà hảo tâm về cho gạo, mỳ tôm”.

Hai cháu bé giờ cũng đã được làm giấy khai sinh và có họ tên. Người anh có tên mới là Nguyễn Văn Hiếu (15 tuổi), người em tên là Nguyễn Văn Hiền (12 tuổi). Tuy nhiên, mọi người trong xóm vẫn gọi là cu Lớn và cu Nhỏ để phân biệt. Vì không rõ các em sinh ngày nào nên chính quyền khai sinh luôn cho hai anh em vào ngày 1/1.

Ông Thành cho biết thêm, tính cu Nhỏ thật thà nên được mọi người rất quý mến. Ai nhờ làm việc gì cháu cũng nhanh nhảu, xong việc lại thưởng cho cháu nắm xôi, lúc thì cho gói mỳ tôm hay ít tiền. Năm ngoái, đoàn thể phụ nữ và cô giáo trường tiểu học có đến nhà động viên cháu đi học nhưng đến lớp được một tuần thì cháu ở nhà không đi học nữa. Hỏi ra mới biết mẹ bắt cháu ở nhà để phụ mẹ... đi chợ.

Còn cu Lớn đã lớn hơn rất nhiều. Mái tóc dài, khuôn mặt nhem nhuốc, dáng cao và gầy nhưng lúc nào cũng nhanh như một chú mèo hoang len lỏi khắp ngõ xóm. Bấy lâu nay cháu vốn vô hại với mọi người xung quanh, nhưng theo ông Thành, cháu đang vào tuổi dậy thì nên việc cháu không mặc gì trông rất phản cảm. Vả lại, cháu thoắt ẩn thoắt hiện, trong xóm nhiều gia đình có con gái đi học thêm về ban đêm nên cảm thấy rất lo ngại. Nhiều lần họp thôn mọi người cũng đã có ý kiến đưa cu Lớn đến một trung tâm bảo trợ xã hội nào đó. Nhưng với bản năng làm mẹ của mình, chị Minh chỉ muốn con ở bên cạnh, việc tách cháu ra với mẹ cũng rất khó khăn.

Về chuyện ba mẹ con không chịu chuyển sang nhà mới, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Năm trước lúc mưa bão, lo ngại cho mẹ con chị Minh nên chúng tôi đến vận động ra khỏi căn nhà cũ dột nát, nhưng chị Minh cứ cố thủ trong nhà, nhiều khi còn chửi bới. Sắp tới chúng tôi sẽ vận động họ hàng dỡ bỏ căn nhà cũ, chỉ có như vậy thì mẹ con chị ấy mới chịu chuyển sang nhà mới để ổn định cuộc sống”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.Chung – Đ.Hoàng (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN