Cuộc sống bi đát của cặp vợ chồng cứ ăn cơm xong là "chia tay nhau"

Sự kiện: Thời sự

“Từ ngày tôi bị bệnh, cứ ăn cơm trưa xong là chồng đi đằng chồng (xạ trị tại Bệnh viện K ), vợ đi đằng vợ (chạy thận tại Bệnh viện Bưu Điện) đến tối về lại mới được gặp nhau”, ông Chiên nghẹn ngào cho biết.

Chăm vợ chạy thận phát hiện mình ung thư

Từ lâu, căn phòng trọ ẩm thấp, chật chội trên phố Lê Thanh Nghị đã trở thành ngôi nhà thứ hai của vợ chồng ông Chiên. Trong căn phòng đó vẻn vẹn kê được một chiếc giường.

Đồ dùng trong phòng không có gì nhiều, một chiếc xe đạp điện ông bà được tặng từ khi tham gia chương trình “Điều ước thứ 7”. Nhưng đã lâu chiếc xe đó không được sử dụng từ ngày ông Chiên ốm. Ngoài ra, chỉ còn hai chiếc nồi cơm điện phục vụ các bữa ăn hàng ngày của ông bà.

Đã tròn 9 năm, bà Dương Thị Hoài (SN 1955) và ông Dương Xuân Chiên (SN 1948) rời xa quê hương (Nam Định) lên Thủ đô chữa bệnh. Cũng từng đó thời gian, ngôi nhà mái bằng mới xây ở quê cửa chốt then cài vì không có người sinh sống. Lúc chúng tôi đến thăm, bà Hoài đi chạy thận chưa về. Ông Chiên đang ngồi uống nước chè, đánh cờ cùng nhiều bệnh nhân trong ngõ.

“Từ ngày lấy nhau, vợ chồng tôi làm lụng vất cả, nuôi các con lớn. Đến lúc các con trưởng thành, vào Tây Nguyên lập nghiệp, chúng tôi mới xây cất được ngôi nhà che nắng che mưa. Vợ chồng tôi cũng vui vì nghĩ từ đây con cháu về sẽ có chỗ tử tế chui ra chui vào. Nhưng, ai ngờ rằng, xây nhà xong thì không được ở vì bệnh tật”, ông Chiên tâm sự.

Cuộc sống bi đát của cặp vợ chồng cứ ăn cơm xong là "chia tay nhau" - 1

Thời trai trẻ, ông Chiên đem lòng mến mộ bà Hoài, người con gái hiền lành, chịu thương chịu khó làng bên. Đủ duyên đủ phận, ông bà nên vợ nên chồng từ năm 1977, sau 2 năm ông từ chiến trưởng trở về. Cuộc sống của họ bình dị trôi qua, dư dả thì không có nhưng hai vợ chồng cũng có lo đủ cái ăn, cái mặc cho các con của mình.

Bao năm vất vả, đến khi các con trưởng thành, tưởng rằng vợ chồng có cuộc sống dễ thở hơn nhưng những điều không may mắn lại liên tiếp ghé thăm gia đình ông bà.

Năm 2009 khi đang làm ngoài đồng thì bà Hoài thấy hoa mắt, ngưởi như muốn lả đi. Lúc đó, bà nghĩ mình chỉ mệt mỏi thông thường.

Vài lần như vậy, nghe người ta mách bà đi điều trị bằng thuốc nam. Không đếm nổi mình đã uống bao nhiêu thang thuốc nhưng bà không thấy người khỏe lại. Điều lo ngại hơn là người bà càng ngày càng phình to ra. Linh cảm không lành, nhận thấy cơ thể mình có vấn đề lớn, được sự động viên của chồng và các con, bà ra Hà Nội khám thì phát hiện bị viêm cầu thận, suy thận giai đoạn nặng.

“Còn nước còn tát”, đó là lời an ủi của ông dành cho người vợ của mình khi biết bà bị bệnh. Các con ở xa, ông khăn gói lên Hà Nội cùng bà chiến đấu với bệnh tật. Ngoài việc chăm sóc, nấu cơm cho vợ, tuần 3 ngày ông đạp xe chở vợ mình đi điều trị. Bệnh tật tốn kém, gia đình bà Hoài đã bán hết các của cải có giá trị trong nhà.

Năm 2016, ông Chiên bị đau bụng. Đi khám, các bác sĩ phát hiện ra ông bị ung thư đại tràng. Kinh tế gia đình đã chật vật giờ càng khó khăn hơn. Giờ cứ 20 ngày ông phải đi xạ trị 1 lần, mỗi đợt kéo dài 3 ngày. Ông có bảo hiểm dành cho thương binh, nhờ vậy mà tiền xạ trị ung thư được hỗ trợ, còn lại phải lo tiền thuốc.

“Chết cả hai mới về quê”

Từ ngày bị bệnh, ông Chiên sau những đợt chữa trị đã bắt đầu rụng tóc. Người đàn ông 70 tuổi có khuôn mặt hốc hác, thều thào kể chuyện xen lẫn những tiếng ho khan. Sức khỏe của ông đi xuống rất nhiều. Giờ sức ông đi lại còn khó khăn chứ chẳng nói tới chuyện đèo vợ bằng xe đạp.

“Trước tôi làm hết việc nhà nhưng giờ thì không làm được nữa. Bà ấy vừa nấu cơm đem theo để mang vào viện ăn. Bữa tối bà ấy chừa lại rồi, hai người già cứ nương tựa nhau sống thôi. Các con thì ở xa cả, có cô con gái cách đây gần 40km, lúc tôi đi xạ trị thì nó xuống chở đi cho tiết kiệm, đi taxi thì tốn kém lắm. Tháng nào các con cũng gom góp tiền gửi cho hai ông bà để trang trải cuộc sống”, ông Chiên cho hay.

Hiện tại, mỗi tháng ông bà tiêu tốn khoảng 6 triệu tiền thuê nhà, sinh hoạt, những lúc cần mua thuốc thì phải cần nhiều hơn. Các con cũng có cuộc sống vất vả, thương con, đã từng có lúc bà Hoài rủ ông về quê bởi không biết kiếm đâu ra mấy triệu để tiếp tục duy trì cuộc sống cho hai thân già.

Cuộc sống bi đát của cặp vợ chồng cứ ăn cơm xong là "chia tay nhau" - 2

Cuộc sống bi đát của cặp vợ chồng cứ ăn cơm xong là "chia tay nhau" - 3

Một góc phòng trọ ông Chiên, bà Hoài. Ảnh: Ngọc Thi

Những ngày đầu vì chưa có bảo hiểm nên ông bà mất gần hai tháng điều trị tốn kém. Cả nhà chạy vạy mượn tiền ngân hàng, họ hàng thân thích. Về sau bà Hoài được cấp cho bảo hiểm hộ nghèo nên đỡ chi phí chạy thận. Một tuần 3 buổi, bà lại tới Bệnh viện Bưu điện, cách chỗ ở 3km để chạy thận.

Nói về căn bệnh của vợ, ông Chiên bảo, suy thận cũng giống như bị đi tù chung thân, cả đời sống chung với máy chạy thận. Nếu gia đình nào giàu có thì dần dần cũng sẽ thành nghèo, còn người nghèo thì sẽ trở nên khánh kiệt.

Khó khăn của ông bà không kể đâu cho hết nhưng ông luôn vững trí, động viên vợ mình. “Bà ấy bao lần đòi về quê vì khổ quá, không có tiền chữa bệnh. Nhưng, tôi thì xác định căn phòng trọ này là nhà. Tết cũng chỉ về 2 - 3 ngày lại lên vì bà ấy phải chạy thận đều đặn. Nếu các con còn lo được thì chúng tôi sẽ tiếp tục sống cuộc sống như bây giờ, chết mới về quê thôi”, ông Chiên nghẹn ngào.

Chuyện tình cảm động

Câu chuyện tình “bác  - cháu” của ông Học chị Bích từng khiến người dân tò mò, dị nghị suốt một thời gian dài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Thi (Gia đình & Xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN