Cử tri lo lắng điện hạt nhân Ninh Thuận bị dừng 14 năm nay vẫn tiếp tục... quy hoạch

Sự kiện: Thời sự

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đàng Thị Mỹ Hương, người dân qua thời gian dài chờ đợi không ổn định sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bức xúc, nay lại nghe tin tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân nên càng lo lắng...

Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn

Thảo luận về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành", chiều 30/5, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề cập thực trạng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị dừng đến nay gần 14 năm nhưng các vấn đề về quy hoạch làm ảnh hưởng đời sống kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.

Theo đại biểu, liên quan vấn đề này, Quốc hội đã giao Chính phủ 3 nhóm nhiệm vụ chính: Giải quyết các vấn đề liên quan việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án; chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng an toàn, đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia; ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng, quy hoạch tổ chức lại sản xuất và ổn định đời sống của Nhân dân và phát triển KTXH tại địa phương chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu tại hội trường

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu tại hội trường

Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KTXH, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân giai đoạn 2018 - 2023. ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương đánh giá, nhờ nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2021, KTXH của tỉnh Ninh Thuận đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết thời gian thực hiện nghị quyết của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều việc Quốc hội giao và nghị quyết của Chính phủ đề ra chưa được thực hiện đảm bảo.

Theo đại biểu, tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng đã có chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các bộ ngành có liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Đề án tổ chức sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân khu dân cư vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt do vấn đề quy hoạch chưa được giải quyết. "Người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được thế chấp đất để vay vốn mở rộng sản xuất... Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi không ổn định được sản xuất, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc", bà viện dẫn.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, tại báo cáo giám sát, Ủy ban Kinh tế có đề nghị Chính phủ xem xét, tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định chính thức. Việc này đã làm cho các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh rất lo ngại. Cử tri nghe tin này cũng rất lo lắng về việc kéo dài quy hoạch, tiếp tục gây khó khăn cho đời sống của người dân, làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển KTXH của tỉnh...

Tiến tới xóa bỏ quy hoạch treo

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội giải quyết dứt điểm và xóa bỏ quy hoạch điện Ninh Thuận. "Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã đi đến quyết định dừng dự án này bởi rất nhiều sự cân nhắc, tính toán. Bước tiếp theo thì phải tập trung giải quyết quyền lợi, các dạng lợi ích liên quan: người dân ở đó, những người đã được đưa đi đào tạo...; rất nhiều chuyện phải làm để tạo ra quy hoạch mới cho tỉnh Ninh Thuận, tạo ra vùng du lịch, sinh thái, "vương quốc năng lượng tái tạo"...; tạo chuyển động về kinh tế để cuộc sống của bà con được nâng lên từ quy hoạch mới", ông nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, khi nghe thông tin, cá nhân ông có sự luyến tiếc, nhưng ông đề nghị xóa quy hoạch này. "Trong 10-20 năm tới chúng ta có làm điện hạt nhân hay không thì làm lại quy hoạch mới, chọn đặt nó ở đâu lúc đó sẽ tính. Còn công việc cấp bách bây giờ là cần giải quyết rốt ráo, triệt để quyền lợi cho bà con", ông nêu quan điểm.

ĐBQH TP Hồ Chí Minh khẳng định, khi cân nhắc dừng quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận có nhiều yếu tố, kể cả yếu tố an ninh quốc phòng; trong điều kiện hiện nay quản lý rủi ro càng thấp hơn. Các người bạn Nhật Bản sau vụ Fukushima cũng gửi cho chúng ta những tài liệu cho thấy, ngay cả ở Nhật, việc giải quyết sự cố cả chục năm còn chưa xong, hậu quả còn rất nhiều và còn nhiều việc phải giải quyết...

Liên quan vấn đề quy hoạch treo, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội tiến tới xóa bỏ quy hoạch treo. Nêu thực tế tiếp xúc cử tri ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) bà con đề nghị hết sức khẩn thiết có giải pháp với những quy hoạch treo 30 - 40 năm, đem lạt bất công đối với những người dân nằm trong vùng đó, ông cho rằng, sau đợt giám sát này, khi làm quy hoạch cần đáp ứng 3 tiêu chí: hợp lý, khả thi, hài hòa các lợi ích.

"Nếu anh hợp lý, khả thi nhưng không hài hòa các lợi ích thì chúng ta phải gạt bỏ. Câu chuyện này mấy thập kỷ rồi, làm sao lần này cần đột phá về chủ trương, chính sách trong vấn đề quy hoạch. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các UBND tỉnh, thành chọn giải quyết một số điểm quy hoạch treo kéo dài mà như người dân nói, lúc hai vợ chồng lấy nhau, giờ sinh con đẻ cái, thế hệ thứ ba rồi mà nhà cửa không được xây, không được chuyển nhượng, mua bán gì cả", đại biểu lấy ví dụ và kiến nghị cần có chính sách đột phá, giải quyết cấp tốc trong nhiệm kỳ này, trong 1-2 năm tới đối với những điểm quy hoạch treo nổi bật.

Thế giới đã quay lại phát triển điện hạt nhân

Phát biểu giải trình tại kỳ họp về ý kiến của hai đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị quyết của Quốc hội biểu quyết thông qua việc tạm dừng điện hạt nhân Ninh Thuận chứ không phải hủy bỏ, cho nên không có cơ sở bỏ địa điểm xây dựng điện hạt nhân. "Mặt khác, địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta cùng các ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân" - Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình ý kiến đại biểu nêu

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình ý kiến đại biểu nêu

Ông cũng cho rằng, vấn đề điện hạt nhân thì cấp có thẩm quyền mới quyết định được, nhưng ở góc độ ngành, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ và lãnh đạo cao cấp, rằng thế giới hiện nay cũng đã phải quay lại để phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, những gì các quốc gia cam kết ở COP 26 là phải khai thác năng lượng sạch, theo đó khai thác năng lượng điện mặt trời hoặc điện gió. Để khai thác được nguồn năng lượng này thì nhất thiết phải có điện nền ổn định, mà điện nền chỉ có thể là nhiệt điện than hay thủy điện.

"Mà điện than đã không còn điều kiện phát triển, thủy điện cũng đã hết dư địa phát triển nên trong tương lai nếu buộc phải thực hiện những gì ở COP 26 thì chúng ta phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo. Để phát triển năng lượng tái tạo thì phải có điện nền, mà điện nền là xu hướng tất yếu nên đến lúc nào đó phải tính đến điện hạt nhân", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải và cho biết, Mỹ và Đức 3 năm trước giảm điện hạt nhân nhưng đến giờ chính hai quốc gia này phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn, làm cơ sở khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.

Nguồn: [Link nguồn]

Thanh tra các dự án điện gió, mặt trời trong 10 năm qua

Phó tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Sỹ Bảy vừa ký quyết định thanh tra các dự án phát triển điện gió, mặt trời từ năm 2011 đến 2021.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Vinh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN