Từ khoảng 9h đến 12h mỗi ngày, hàng trăm hộp cơm chay miễn phí lần lượt được đặt ngay ngắn trên bàn ngay trước cửa quán cơm Cô My, số 203 đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tặng người khó khăn.
Quán cơm chay 0 đồng này là của vợ chồng bà Nguyễn Thị My (70 tuổi) hoạt động được gần 7 tháng nay, từ khi đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM bùng phát.
Bước vào bên trong, sau vách ngăn bằng tấm ni lông che phần trên lối vào là mặt bằng quán cơm chay rộng khoảng 20m2. Quán không có bàn ghế cho khách mà chỉ là những khay đồ ăn, nồi cơm và hàng chục suất cơm đang được 4 người đóng hộp. Người xúc cơm cho vào hộp xốp, người gắp thức ăn, người bỏ vào túi bóng, người phát cho người dân, mỗi người một việc như một “dây chuyền” hoạt động gần 2 tiếng đồng hồ. Hộp cơm chay quán Cô My thường có món chính hàng ngày là đậu hũ chiên hoặc kho, các món rau, củ, quả, nấm… và canh.
Cầm trên tay 6 hộp cơm nóng hổi, ông Nguyễn Văn Hoàng (chạy xe ôm truyền thống) cho biết ông thường ghé xin mấy hộp cho mình đồng nghiệp luôn. “Cơm của bà My ngon lắm. Thỉnh thoảng anh em thay nhau ghé nhận mấy suất về chia cho mọi người cùng ăn trưa. Có cơm ăn miễn phí cũng đỡ tiền mua chú ạ”, người đàn ông 61 tuổi nói.
“Mấy tháng nay đi xin phụ việc các quán ăn mà không được đành làm xôi bán mà ế quá, thỉnh thoảng đi lượm ve chai bán kiếm thêm. Nhà hai mẹ con ăn chay trường 6 năm nay nên cũng hay ghé quán cô My xin 2 suất. Lần đầu ghé nhận về ăn thử thấy rất ngon và thường ghé tới bây giờ. Hai ông bà nhiều tuổi lắm rồi mà vẫn làm việc thiện mọi người thương lắm. Thỉnh thoảng gom được chút tiền tôi mua gói bột ngọt, hạt nêm nhỏ nhỏ tới góp chút xíu để cô nấu cho mọi người”, chị Trần Phương Uyên, ngụ phường 4, quận Bình Thạnh chia sẻ.
Chủ quán 0 đồng, bà My có dáng người nhỏ nhắn, lưng gù nhưng đi lại, làm việc rất thanh thoát, giọng nói ấm áp nhưng phong cách phóng khoáng, đậm chất miền Tây.
Bà cho biết thời điểm gần 7 tháng trước, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 bùng phát, rất nhiều lao động đường phố thất nghiệp, quán xá đóng cửa, nhiều người gặp khó khăn. Hàng trăm người, nhóm người ở thành tổ chức nấu cơm từ thiện phát cho người nghèo, bà cùng chồng là ông Trần Văn Hồng (81 tuổi) cũng nấu cơm chay 0 đồng để tặng bà con khó khăn.
Thời điểm đầu quán không có người làm, hai ông bà chỉ nấu khoảng 50 suất phát cho người qua đường cần, sau đó tăng dần lên 100, rồi 150 phần. Khi có một số người trong phường, các công ty… biết đến thay nhau hỗ trợ, có thời điểm quán nấu đến 800 phần cơm một ngày. Hiện tại, với 3 người làm và một người hỗ trợ phát, quán Cô My một ngày nấu 600 suất.
Trừ chủ nhật quán nghỉ nấu, các ngày trong tuần công việc đều đặn hàng ngày bắt đầu từ 3h sáng. Bà My và cô Nguyễn Thị Nga (quê Cần Thơ) người ở cũng thức dậy soạn nguyên liệu các món, nồi chảo, nhóm bếp than, nấu các nồi cơm để đến 5h chị Lê Thị Đẹp (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) tới cùng nấu món. Các món nấu xong lần lượt được cho vào thau inox, mỗi người một việc lần lượt cho những hộp cơm đầy ắp thức ăn nóng hổi đặt sẵn lên bàn. Ông Tư, ngụ cùng phường 9h hàng ngày đến hỗ trợ phát cơm, khi xong hết ông mới về.
Hàng ngày, những lúc khoẻ ông Hồng thường phụ bà và các chị từ gọt rau củ đến phát cơm nhưng mấy ngày hôm nay ông về quê để làm đám giỗ nên chỉ có 4 người cùng làm. Công việc luôn tay nhưng quán cơm nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp, đầy ắp tiếng cười nói.
Sau khi phát hết cơm, dọn dẹp, ăn cơm trưa xong, nghỉ ngơi đến khoảng 13h chiều, 3 người phụ nữ cùng xem lại nguyên liệu cho ngày mai còn thiếu để mua bổ sung. Đậu hũ và 600 hộp xốp thì quán mua mỗi ngày.
Chủ quán cơm 0 đồng cho biết trung bình mỗi ngày nấu 600 suất quán dùng khoảng 30 kg rau củ, 200 miếng đậu hũ, gạo 45-50 kg. Một ngày làm khoảng 3-6 món, tuỳ theo số lượng nguyên liệu và tiền được các mạnh thường quân hỗ trợ. Số tiền mua đồ ăn một ngày khoảng 1,5 triệu đồng, ngoài ra còn chi phí mua gia vị, đổi bình ga, tiền điện…
“Người ta hỗ trợ gì, bao nhiêu thì mình nhận đấy, còn thiếu loại khác để làm phong phú, đổi vị món ăn hàng ngày cho bà con thì mình mua thêm bổ sung. Mình nấu có mặn, có ngọt phù hợp với tất cả mọi người chứ nấu không ngon, không ai nhận thì vừa lãng phí vừa mất công lắm”, bà My cười chia sẻ.
Bà My kể hơn 3 năm trước, một mình từ quận Ô Môn, Cần Thơ lên Sài Gòn để chữa bệnh về lưng nhưng sau khi thăm khám bà quyết định không mổ nữa.
“Khi đó tôi sợ mổ xong nếu không may lại phải nằm một chỗ thì khốn khổ hơn, thà lưng gù như bây giờ nhưng tôi vẫn khoẻ mạnh, không thấy đau gì. Tôi lấy số tiền các con cho đi chữa bệnh làm từ thiện hết. Sau đó không về quê, được nhiều người thành phố giúp đỡ tôi mở quán bánh xèo, rồi gọi chồng lên làm cả bánh khọt nữa cùng bán. Thời gian sau này hai vợ chồng chuyển sang bán cơm chay. Từ lúc đấy tôi đã thường xuyên nấu cơm từ thiện vừa bán vừa tặng cho người khó khăn. Tôi nghe theo lời răn của Phật, muốn giúp đỡ người khó khăn hơn mình”.
Đến khi TP.HCM giãn cách xã hội do dịch COVID-19 bùng phát, quán cơm của bà phải đóng cửa, nhưng khi thấy nhiều người nghèo khó không có cơm ăn, vợ chồng bà quyết định dùng tiền dành dụm bán bánh xèo, cơm chay lâu nay nấu cơm cho người khó khăn.
“Bà bán bánh xèo, cơm chay cũng có tiền lắm chứ, tiết kiệm cũng khá nhưng bà cứ rút dần nấu cơm từ thiện cũng hết. Chủ nhà và ông bảo rút làm gì nữa để tiền dưỡng già nhưng bà nói không, kệ đi bởi khi cạn tiền mình nấu dù là cơm từ thiện mà không đàng hoàng, đầy đủ thì cũng tội người ta. Nấu nồi canh chua mà không có khóm (PV- dứa, thơm), giá, bạc làm sao ngon được. Mọi người có cái ăn hàng ngày, khen ngon, mình được khoẻ mạnh là động lực lớn nhất là và niềm vui của bà rồi”, bà My chia sẻ.
Cụ bà quê Cần Thơ từ tốn nói, công việc không công này vất vả lắm, ai không có cái tâm sợ không kiên trì được lâu dài. Cứ nghỉ đến nếu mình mệt, hay vì bận công chuyện gì nghỉ nấu một vài hôm, thấy người ta đến nhận cơm mà không có, buồn bã rời đi bà cảm thấy thương lắm nên luôn tự động viên mình và các chị tiếp tục cố gắng. “Các con và mọi người thường xuyên khuyên ông bà về quê nghỉ ngơi, dưỡng già, dịch bệnh nguy hiểm nhưng bà thích làm từ thiện thì bà cứ làm thôi”, bà cười vui vẻ nói.
Từ khi biết ông bà nấu cơm từ thiện, mặt bằng quán kiêm nơi ở trọ của ông bà được chủ nhà miễn tiền thuê suốt gần 7 tháng nay. Vì thế bà có thêm kinh phí để duy trì quán cơm 0 đồng của mình.