CSGT kể chuyện bị quấy rối trên đường

Có đối tượng cố tình lao xe vào CSGT để đe dọa, chống đối. Có người cứ phóng xe vòng đi vòng lại để quấy rối, khiêu khích cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Sau khi xảy ra vụ CSGT nổ súng tại Thanh Hóa, nhiều người bất bình trước hành vi thách thức, coi thường pháp luật của chính những người vi phạm. Thực tế lâu nay, hình ảnh những thanh niên đi trên đường khiêu khích, lăng mạ, gây rối CSGT không hiếm gặp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Trả lời chúng tôi, nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT thừa nhận họ vẫn thường xuyên gặp phải trường hợp tương tự.

Họ cũng công nhận, pháp luật đã quy định chế tài đối với hành vi này nhưng thực tế vẫn rất ít trường hợp bị xử lý.

CSGT kể chuyện bị quấy rối trên đường - 1

Kẻ chống đối CSGT hồi năm 2010 bị truy tố là một trường hợp hiếm hoi

Đe dọa, thách thức

Gần 1 năm đã qua, Đại úy CSGT Nguyễn Thanh Hải (Đội CSGT số 2 – PC67 – Công an TP. Hà Nội) vẫn không khỏi rợn người khi nhớ lại vụ việc 2 tên côn đồ lao xe vào mình.

Sáng hôm đó, như mọi ngày, Đại úy Nguyễn Thanh Hải đến ngã 3 đường Bưởi - Nguyễn Khánh Toàn điều tiết giao thông. Đây là nút thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm nên Đại úy Hải được Đội phân công đến chốt trực.

Vừa dựng xe bên mép đường bước ra giữa ngã ba, anh Hải chợt đứng tim. Một chiếc xe Dream chạy với tốc độ kinh hồn đang lao thẳng về phía anh. Trên xe là 2 nam thanh niên mặt mũi rất ngổ ngáo, không đội mũ bảo hiểm. Chúng lao xe một cách thản nhiên không chút sợ hãi. Dường như chúng cố tình lao xe vào vị trí viên CSGT đang đứng.

Thỉnh thoảng vẫn có những thanh niên ngông cuồng làm như thế. Chúng lao xe vào CSGT cốt để bỡn cợt, dằn mặt. Và lẽ dĩ nhiên, CSGT sẽ phải lùi tránh để cho chúng đi qua.

Nhưng lần này, phản ứng của Đại úy Hải hơi chậm. Anh lùi lại đúng lúc càng chiếc xe quệt vào chân. Hai gã thanh niên có lẽ hơi giật mình nên bị ngã ra đường. Chúng vứt xe lại bỏ chạy bộ về phía đường Đào Tấn.

Đại úy Hải vào lề đường xoa bóp một lúc rồi tiếp tục công việc. Chiếc xe của hai thanh niên kia bị tạm giữ lại.

Không lâu sau, 2 thanh niên này quay lại tỏ ý hối lỗi, xin xe. Viên CSGT dứt khoát giữ xe, đề nghị xuất trình giấy tờ để xử lý. Sau mấy câu thuyết phục không được, 2 gã thanh niên lập tức đổi thái độ, lập tức chửi bới chiến sĩ Hải thậm tệ. Hai tên du côn còn hô toáng lên rằng CSGT “bắt chẹt” chúng.

Giờ nghĩ lại, Đại úy Hải vẫn có cảm giác như mặt bốc hỏa. Lúc đó, viên CSGT này cố im lặng, không nói gì. Lập tức, một nhóm người đi đường ùa vào túm 2 gã thanh niên lại. Họ đã dừng lại chứng kiến sự việc từ trước đó. Rồi người dân gọi cho công an phường đến đưa 2 kẻ ngông cuồng về đồn. Vụ việc đã xảy ra hồi tháng 4 năm ngoái.

CSGT kể chuyện bị quấy rối trên đường - 2

Đại úy Hải đang làm nhiệm vụ Kế hoạch 141/CAHN. Từ khi có lực lượng 141, những kẻ ngổ ngáo ít dám “quấy rối” CSGT

Chống đối, gây rối

Vậy nhưng, đối với Đại úy Nguyễn Thanh Hải, đó chỉ là lần hiếm hoi những kẻ lăng mạ, thách thức CSGT bị xử lý trong nhiều lần anh chứng kiến và trải qua.

Đại úy Hải cho biết, việc CSGT bị những kẻ ngổ ngáo đi qua đường lăng mạ, chửi bới là chuyện khá thường xuyên. Những kẻ khiêu khích, gây rối CSGT chủ yếu trông bề ngoài không tử tế gì. Chúng thường là những kẻ xăm trổ, tóc xanh, toác đỏ, khuyên tai, ăn nói tục tĩu... Những đối tượng này thường ở độ tuổi 18 – 25, là những thanh niên lêu lổng, thích đua đòi, thể hiện máu yêng hùng. Nhưng thực chất, nếu bị bắt giữ lại, đôi khi chúng lại run như cầy sấy.

Hầu hết cán bộ, chiến sĩ CSGT khi được chúng tôi hỏi đều thừa nhận, ít nhất cũng một vài lần bị người vi phạm hoặc những thanh niên ngổ ngáo trên đường lăng mạ, khiêu khích. Vậy nhưng, các trường hợp này vẫn thản nhiên không bị ai xử lý. Hoặc nếu có, các đối tượng cũng bị xử lý rất nhẹ.

Những người được hỏi cũng công nhận, luật pháp đã có chế tài nhưng thực tế, để xử lý được lại rất khó. Một mặt, cơ quan chức năng chưa có biện pháp nào để chứng minh được hành vi của những đối tượng này. Mặt khác, ở chốt giao thông khi đó chỉ có một vài chiến sĩ, không thể chặn xe lại được.

Phần lớn, những kẻ khiêu khích này thường rất manh động. Chúng dừng lại gây rối, chửi bới một vài câu rồi phóng xe bỏ chạy. Có kẻ còn ngang nhiên vòng đi vòng lại, rồ ga thật to, kèm theo lời thách thức, chửi tục. Đôi khi, CSGT thấy sôi giận nhưng đành cố nhịn, không thể đuổi theo bắt chúng lại được.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Đội CSGT số 1, Hà Nội) thú nhận: “Họ là thanh niên. Mình cũng là thanh niên. Mà thanh niên thì ai chẳng dễ bị kích động! Nhưng đành cố nhịn”. Viên CSGT này cho rằng, những cán bộ đã cứng tuổi có thể điềm tĩnh hơn, còn những chiến sĩ trẻ để kiềm chế được là rất nặng nề, khó chịu.

Trước đó, Trung tá Nguyễn Văn Đức (nguyên Đội trưởng Đội CSGT số 2 – Hà Nội) cũng thừa nhận, ông đã chứng kiến rất nhiều lần cán bộ chiến sĩ cấp dưới bị một số đối tượng đi đường lăng mạ, thách thức. Nhưng ông Đức cho hay, cơ quan chức năng vẫn khó xử lý các đối tượng này. Bởi CSGT chưa có đủ trang thiết bị có thể ghi lại hình ảnh, âm thanh làm bằng chứng. Khi xử lý, các đối tượng vẫn cãi cùn nên rất khó cho CSGT.

Trong khi đó, theo Luật sư Hà Huy Phong (GĐ Công ty Luật Inteco, Hà Nội), hành vi điều khiển xe máy vòng đi, vòng lại nhiều lần, cố tình “trêu ngươi” CSGT, vẫn có thể bị xem xét để khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng”. Còn hành vi chửi bới, lăng mạ CSGT, nếu đến mức xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, vẫn có thể bị truy cứu hình sự về tội “làm nhục người khác”.

Chiều 16/7, khi đang làm nhiệm vụ, Đại úy Trần Ngọc Hoàng (công tác tại Đội CSGT - Công an TP.Thanh Hóa) phát hiện 2 thanh niên điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, cũng không chấp hành đèn tín hiệu giao thông.

Khi Đại úy Hoàng đuổi theo, hai thanh niên vẫn không dừng lại mà còn cố tình bỏ chạy, lạng lách, đánh võng tỏ thái độ khiêu khích, thách thức.

Viên CSGT này đã nổ súng cảnh cáo nhưng 2 người điều khiển xe máy vẫn không chấp hành hiệu lệnh. Cuối cùng, viên CSGT này đã bắn đạn cao su làm 2 người này bị thương.

Mới đây, trên mạng Internet xuất hiện video ghi lại vụ việc một người vi phạm lăng mạ CSGT. Vụ việc được cho là vừa xảy ra tại Hà Nội. Sau khi “nhẹ nhàng” không được, người vi phạm đã quay ra chửi viên CSGT bằng lời lẽ rất tục tĩu.

Theo quy định, các hành vi sau đây bị phạt tiền từ 1 triệu đến hơn 10 triệu: Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ; cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh sự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 121. BLHS quy định về tội làm nhục người khác:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội đối với người thi hành công vụ, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN