Cơ chế giá xăng dầu thay đổi nửa vời

Bộ Tài chính vừa có công văn chính thức trao lại quyền quyết định giá xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối. Quyết định này nhằm đưa giá trong nước diễn biến sát hơn với biến động giá xăng dầu thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu lại đặt câu hỏi liệu có phải quyết định này chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp? Và xét trong bối cảnh còn quá nhiều điểm mù mịt trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đây là quyết định nửa vời.

Việc trao quyền quyết định giá cho doanh nghiệp không phải là sự thay đổi mới mẻ hay đột phá trong ngành xăng dầu. Bởi tại điều 27 nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã có hiệu lực từ tháng 12/2009 nêu rõ: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán; thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa 10 ngày đối với trường hợp giảm giá...

Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện đã nảy sinh nhiều điểm bất hợp lý khiến cơ quan điều hành giá phải “thu hồi” quyền này vào tháng 3/2010. Từ đó đến nay, tổ điều hành giá xăng dầu là liên bộ Tài chính - Công thương đã tự tính toán giá cơ sở và dựa trên một số đề xuất của doanh nghiệp để thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ cũng như các công cụ thuế, phí và quỹ bình ổn giá.

Cơ chế giá xăng dầu thay đổi nửa vời - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng giá xăng tăng dễ, giảm khó sẽ còn tiếp diễn khi trao quyền định giá cho doanh nghiệp

Sau khi bị “tước quyền”, đầu năm nay Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) đã kiến nghị cho doanh nghiệp được tự quyết giá bán. Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ doanh nghiệp “đấu tranh” tích cực cho điều này vì nó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Bởi khi được “nắm quyền”, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện tăng giá bán lẻ khi giá thế giới tăng mà không phải chờ sự cho phép của cơ quan quản lý.

Thêm nữa, cứ mỗi khi giá thế giới tăng là doanh nghiệp đua nhau gửi kiến nghị đòi tăng giá bán trong nước. Nhưng trong bốn lần giảm giá bán xăng dầu vừa qua, bất chấp giá thế giới đã giảm tới mức nào, doanh nghiệp xăng dầu cũng không đề xuất giảm giá bán. Như vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt câu hỏi liệu khi nắm quyền trong tay, doanh nghiệp xăng dầu có nhanh chóng thực hiện giảm giá bán lẻ khi giá thế giới giảm, hay họ sẽ tiếp tục chần chừ, trì hoãn?

Đặc biệt, theo Luật cạnh tranh, doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trở lên được xem là thống lĩnh thị trường. Trong khi đó, ba doanh nghiệp lớn nhất trong ngành là Petrolimex, PV Oil và Petec chiếm tới hơn 90% thị phần (riêng Petrolimex hiện chiếm gần 60% thị phần). Thời gian tới, khi Petec sáp nhập PV Oil thì hơn 90% thị phần xăng dầu sẽ chỉ nằm trong tay hai doanh nghiệp lớn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ dàng điều chỉnh giá có lợi cho mình và các doanh nghiệp nhỏ phải nhìn theo.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng không khó để nhìn ra trước tình trạng giá xăng tăng dễ, giảm khó sẽ còn tiếp diễn. Chưa kể việc đưa diễn biến giá trong nước sát với giá thế giới sẽ khó đạt được khi giá cơ sở dùng làm căn cứ điều chỉnh giá trong nước vẫn áp dụng theo cách tính bình quân 30 ngày.

Ông Phong cho rằng điều cốt lõi là phải thay đổi khoảng thời gian tính giá cơ sở 30 ngày xuống còn khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày thì chưa thấy Bộ Tài chính đả động gì tới. Trong khi đó nếu thay đổi được điểm này, dù quyền quyết định giá trong tay doanh nghiệp hay cơ quan quản lý thì vẫn hạn chế được tình trạng giá trong nước lạc nhịp với giá thế giới như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Hoàn (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN