Chuyện về người sở hữu máy bay đầu tiên ở Việt Nam

Sự kiện: Thời sự

Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy là người Việt Nam sở hữu máy bay tư nhân đầu tiên.

Chuyện về người sở hữu máy bay đầu tiên ở Việt Nam - 1

Ảnh tư liệu, mô phỏng những chiếc máy bay giống với máy bay Công tử Bạc Liêu từng sở hữu

Không quá nhiều sử liệu, do đây không phải là nhân vật lịch sử được nghiên cứu, mặt khác tài sản đã bị tịch thu và các giấy tờ liên quan đều không còn, nhưng tất cả đều đoan chắc Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy là người Việt Nam sở hữu máy bay tư nhân đầu tiên.

Nhiều giai thoại về chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu

Trần Trinh Huy sinh năm 1900 tại Bạc Liêu, mất năm 1973. Ông được nhiều người biết bởi nổi tiếng ăn chơi của mình. Nhiều giai thoại, sự kiện gắn liền với tên ông như: Đốt tiền nấu chè, đốt tiền kiếm nhẫn cho nghệ sĩ Phùng Há, đánh canh bạc 30.000 đồng thời đó ở Sài Gòn làm cả giới ăn chơi phải choáng váng… và đặc biệt là hai sự kiện mua ô tô và mua máy bay đã làm chấn động cả nước lúc bấy giờ.

Từ những năm 1925 -1930, ông được gia đình cho đi du học Pháp để lấy bằng kỹ sư. Sau khi về nước, những gì ông học được không phải kỹ sư, bác sĩ mà chủ yếu là học lái xe, nhảy đầm, cách người Pháp kiếm tiền và canh nông.

Con cháu của công tử Bạc Liêu kể rằng, riêng ông có đến 2 chiếc xe hơi. Một chiếc xe hơi thể thao Peugeot sản xuất năm 1922 mà lúc bấy giờ cả nước chỉ có 2 chiếc: một của vua Bảo Đại và một của cậu Ba Huy. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao.

Trở lại chuyện công tử Bạc Liêu sở hữu máy bay. Gần đây nhiều tờ báo cho rằng, ông tự lái máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất chở theo cha ông là Hội đồng Trạch ghé thị xã Bạc Liêu rồi về thị xã Cà Mau. Về thông tin này thiếu căn cứ bởi những năm 30 của thế kỷ trước Bạc Liêu chưa có thị xã. Ông Trần Trinh Đức, con trai ông xác nhận, “chuyện cha tôi có máy bay tôi có nghe; còn lái máy bay từ Sài Gòn về Bạc Liêu chưa nghe bao giờ”.

Những người biết chuyện cho rằng chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu là loại máy bay 2 cánh quạt, 2 chỗ ngồi, đã được công tử Bạc Liêu ký với hãng cung cấp máy bay của Pháp. Theo một vài nguồn thông tin, giá trị hợp đồng lên đến vài chục triệu đồng Đông Dương, tương đương hơn 100kg vàng.

Khi máy bay chưa về tới Sài Gòn, nhờ Ba Huy quan hệ tốt với cánh báo chí, vào ngày 24/6/1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân công tử Bạc Liêu mua máy bay với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède un avion et il aménager une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, tạm dịch: “Ông điền chủ Trần Trinh Huy sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”. Cũng bằng cách nhờ báo chí, hình ảnh công tử Bạc Liêu và chiếc máy bay “thứ hai ở Việt Nam” xuất hiện trang trọng trên trang nhất của nhiều tờ báo.

Theo lời ông Phan Kim Khánh, con ông Phan Kim Cân, cháu gọi công tử Bạc Liêu bằng cậu, ông đã được nghe kể lại, có một lần Ba Huy đi thăm ruộng ở Cà Mau bằng máy bay. Cao hứng, công tử Bạc Liêu nói anh phi công người Pháp để mình lái. Do không rành đường bay, cũng như các kỹ thuật lái máy bay nên Công tử Bạc Liêu bay tận sang Thái Lan. Định quay về, nhưng máy bay hết xăng đành đáp xuống nước bạn. Ba Huy cùng phi cơ bị câu lưu tại Thái Lan báo hại ông hội đồng phải chở 3 chiếc ghe chày loại lớn đầy lúa qua tận Thái Lan nộp phạt chuộc Ba Huy và máy bay về. Ước tính số tiền nộp phạt khoảng vài nghìn đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10kg vàng.

Không còn dấu tích

Chính sự kiện mua máy bay (cả nước chỉ có 2 chiếc: một của vua Bảo Đại và một của Công tử Bạc Liêu) và sự kiện kèm theo đó là bị câu lưu bên đất Thái Lan phải chuộc về đã làm tiếng tăm của Công tử Bạc Liêu nổi như cồn.

Một số người thân của Công tử Bạc Liêu như: Ông Phan Kim Khánh, bà Phan Thị Vân, bà Phan Thị Sang (3 người này gọi Công tử Bạc Liêu bằng cậu ruột) đều khẳng định, Công tử Bạc Liêu có mua máy bay và có xảy ra sự kiện ở Thái Lan như đã nói ở trên.

Ông Khánh còn cho biết máy bay đó giống loại máy bay L19, nhỏ, nhẹ chỉ có 2 người ngồi. Còn máy bay hiệu nào, mua ở đâu, giá bao nhiêu, mua năm nào… ông Khánh không nhớ vì ông sinh năm 1941 lúc đó còn quá nhỏ. Sau năm 1975, mọi giấy tờ liên quan đến gia đình Trần Trinh Huy đều không còn. Ông Khánh còn nói rằng, Công tử Bạc Liêu có cho tá điền làm sân bay ở Cái Dầy rất rộng.

Tuy nhiên, việc xác nhận là rất khó vì không còn bất cứ một số liệu, giấy tờ nào để xác định. Dù vậy, mọi người đều cho rằng, Công tử rất thích lái máy bay nhưng không biết lái. Như vậy chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu bây giờ ở đâu, nơi nào lưu giữ hay đã “hư hỏng” chẳng ai biết.

Khi Công ty du lịch Cẩm Quyền mua lại Nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu để làm kinh doanh như hiện nay, giám đốc công ty này đã cất công sưu tầm những hiện vật mà Công tử Bạc Liêu cũng như Hội đồng Trạch dùng để phục dựng, trưng bày. Dù có hỏi nhiều nơi, nhiều địa điểm, đơn vị, nhưng không ai biết chiếc máy bay của Công tử Bạc Liêu từng đi hiện nay trôi dạt ở phương trời nào.

“Đua đòi” với vua Bảo Đại ?

Có rất nhiều câu chuyện về Công tử Bạc Liêu, nhưng hầu hết đều khai thác ở khía cạnh ăn chơi của ông. Tuy nhiên, điểm lại những sự kiện ấy để thấy rằng, Ba Huy theo Tây, quốc tịch Pháp mà chẳng phục Pháp. Xe cộ, tàu bè, thậm chí máy bay cũng có là trước hết phục vụ cho công việc sau đó mới đến chuyện… thể hiện “đẳng cấp” công tử của mình.

Bằng chứng là Ba Huy thuê người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri Espérinas, chồng cô em thứ tư của mình. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội đồng Trạch, dưới quyền Ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Vì vậy, ông Henri mới bỏ “mẫu quốc” qua làm mướn cho bên nhà vợ, mãi đến tháng 4/1975 mới về nước. Bởi theo Ba Huy những ngày học ở Pháp, ông hiểu rằng người Pháp quản lý giỏi hơn người Việt, điều này có lợi cho ông rất nhiều cả về quản lý và danh vọng.

Chuyện kể sau khi được cha giao quản lý điền sản, mỗi khi đi thăm ruộng cậu Ba mặc veston thắt cravatte ngồi trên chiếc Ford Vedette. Ở những khu vực phải di chuyển bằng đường thủy, cậu Ba dùng ca nô. Thời bấy giờ, các phương tiện trên sông đều chèo tay. Chiếc ca nô của cậu Ba đi thăm ruộng chạy bằng máy quả là một hình ảnh hiếm hoi ở vùng quê Bạc Liêu. Mỗi khi chơi thể thao, cậu Ba sử dụng chiếc Peugeot loại thể thao.

Tương truyền, trên đời này cậu Ba không chịu lép bất cứ ai, kể cả vua chúa. Vì thế hễ vua Bảo Đại có gì là Ba Huy có nấy, kể cả máy bay.

Việt nam không còn ai sở hữu máy bay riêng

Theo nhà chức trách hàng không Việt Nam, nếu không tính trường hợp của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy thì Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi là bầu Đức là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng. Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã lựa chọn mẫu phi cơ của Mỹ, chiếc Beechcraft King Air 350, số seri FL-417, sản xuất năm 2008. Được biết, tổng số tiền mà bầu Đức phải chi lên tới 7 triệu USD, trong đó giá trị của chiếc máy bay là 5,1 triệu USD, phần còn lại là chi phí môi giới, đào tạo phi công, bến bãi và thuế.

Kế sau bầu Đức, ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long là người thứ hai sở hữu máy bay riêng. Chiếc trực thăng thuộc mẫu EC 135P2i của ông Long về đến Việt Nam vào năm 2010 có giá khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên, theo tính toán, nếu cộng với thuế suất tiêu thụ đặc biệt và các chi phí thử nghiệm, bãi đỗ, ông Long có thể phải chi số tiền lên tới 5 triệu USD. 

Đáng nói là những chiếc máy bay của cả ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long đều đã được bán và xóa đăng ký sở hữu. Hiện trên cả nước không có tư nhân nào sở hữu máy bay riêng.

Thanh Bình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Huy(Báo giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN