Chuyện về gia đình sinh được 17 người con

Đó là gia đình cụ Nguyễn Văn Lấc (SN 1903) và bà Nguyễn Thị Chính (SN 1905) ở ấp Hòa Định, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, vợ chồng cụ Lấc còn nhận “đỡ đầu” hàng chục đứa trẻ trong xóm.

Ngày xưa, nhiều gia đình sinh đông con là chuyện bình thường nhưng đối với gia đình cụ Lấc và cụ Chính đã trở thành một chuyện “lạ” có thật và hiếm thấy ở huyện Lai Vung.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mười Bảy (SN 1961, người con thứ 17). Bà Mười Bảy kể: Khi lớn lên nghe má và các anh, chị kể lại trước đây vùng quê này là vùng đất trũng, quanh năm ngập nước, cây cối mọc um tùm. Năm 17 tuổi, cha má gặp nhau rồi nên nghĩa vợ chồng, lúc đó cuộc sống nghèo khổ lắm, sinh đông con lại càng khó khăn trăm bề.

Thời gian đầu khi sinh được 6 người con, cụ Lấc đặt tên con là: Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Văn Lù, Nguyễn Thị Ú, Nguyễn Thị Mập, Nguyễn Thị Tùa. Sau đó, vợ chồng tiếp tục sinh con và “bí đường” mới nghĩ ra cách đặt tên con liên quan đến ngôi nhà với mong muốn thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên với nhau. Thế là, những cái tên của những người con tiếp theo được đặt là: Nguyễn Văn Bào, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Chạm, Nguyễn Văn Dồi, Nguyễn Văn Lộng, Nguyễn Văn Ván, Nguyễn Văn Vách, Nguyễn Văn Phên, Nguyễn Văn Nhà... Chưa dừng lại ở đó, vợ chồng tiếp tục sinh và không biết phải dùng tên gì để đặt, cuối cùng quyết định đặt tên con theo số thứ tự: Nguyễn Thị Mười Bảy, Nguyễn Thị Mười Tám.

Bà Nguyễn Thị Hai (SN 1933, người con cả) năm nay đã tròn 80 tuổi nhưng vẫn nhớ tất cả chuyện của gia đình mình. Bà kể: “Cha má khi mới cưới về, cuộc sống vô cùng cực khổ. Hằng ngày, cha thì đi chài lưới từ khi trời còn tối để kiếm cá về cho má mang đi bán lấy tiền mua gạo. Má phải đi mót khoai, hái rau về ăn. Năm nào má cũng sinh thêm một đứa em nhỏ, gia đình ăn không đủ no”.

Chuyện về gia đình sinh được 17 người con - 1

Bà Mười Bảy vui vẻ kể lại câu chuyện gia đình

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cổ do cha má để lại, ông Nguyễn Văn Vách (SN 1955, người con thứ 14), vui vẻ kể thêm: Người dân trong xóm thấy cha má ông “khéo tay” nuôi con tốt, dạy con ngoan nên nhiều gia đình có con nhỏ “khó nuôi” xin cha má ông nhận các cháu làm con nuôi. Tính đến lúc ông bà qua đời, gia đình nhận “đỡ đầu” tổng cộng hơn 10 đứa trẻ. Lúc đầu gia đình chỉ nhận nuôi 4 đứa trẻ, rồi đặt tên nối tiếp là: Nguyễn Văn Mười Chín, Nguyễn Văn Hai Mươi, Nguyễn Thị Hai Mốt, Nguyễn Văn Hai Hai. Từ đó về sau, tiếng tăm của gia đình ông được nhiều người dân trong xóm biết đến.

Gia đình cụ Lấc sinh nhiều người con nhưng chịu khó lao động. Cụ dùng tiền tích góp từ việc chài lưới nhiều năm mua thêm trâu đi cày mướn, rồi chăn nuôi,... về sau mua được khoảng 100 công đất ruộng. Nhờ đó, các con của cụ sau này đều có cuộc sống ổn định. “Gia đình bên tôi sinh 6 người con mà cảm thấy “ngán”, không ngờ bên nhà chồng có tới 17 người con. Nể phục cha má chồng của mình là nuôi con khéo léo, người nào cũng có cuộc sống ổn định, khó tìm được nhà như vậy. Chính vì điều đó mà gặp ông Vách rồi “ưng” ổng luôn” - bà Châu Thị Hến (vợ ông Vách), vui vẻ tâm sự.

Ông Sáu (SN 1953) - người hàng xóm cho biết: “Gia đình cụ Lấc tuy đông con nhưng luôn chăm sóc con cái chu đáo, dạy các con từng lời ăn tiếng nói, chưa hề nghe gia đình họ cự cãi lớn tiếng. Đặc biệt, gia đình cụ Lấc có “biệt tài” nuôi con “khéo tay” đứa nào cũng mạnh khỏe nên nhiều người trong xóm đến xin “cho con” để họ nuôi dùm “lấy tiếng”.

Bà Nguyễn Thị Mười Tám (SN 1962) tiếp thêm câu chuyện: “Mỗi khi đến ngày giỗ của cha má, anh chị em, con cháu sum họp rất vui, cùng nhau kể lại chuyện thời thơ ấu. Tuy đông anh em nhưng gia đình yêu thương nhau hết mực và luôn bảo nhau là phải cố gắng dạy con cháu mình sống cho xứng đáng như cha má trước đây, luôn được bà con quý mến”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Út (Người Lao Động/Đồng Tháp Online)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN