Chuyện về cái Tết Nguyên đán ở làng tiêu tiền “đô”

Tết cận kề người dân ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại tất bật sửa sang lại nhà. Niềm vui đón tết dường như được nhân lên gấp bội với nhiều gia đình sau bao năm vất vả mưu sinh bên xứ người. Xuân này họ được về quê hương đón một cái tết ngọt ngào và ấm cúng bên gia đình.

Giàu lên nhờ xuất khẩu lao động

Trò chuyện với PV NTNN ông Hoàng Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: “Hơn 20 năm về trước người dân Cương Gián dù chịu khó với nghề  biển, nhưng chủ yếu đi biển gần bờ nên thu nhập không cao. Tìm đủ nghề nhưng vẫn nghèo vẫn thiếu trong cái khó đó một hướng đi mới được người dân lựa chọn và trở thành phong trào rầm rộ và thay đổi bộ mặt nông thôn nhờ xuất khẩu lao động”. Ông Tiến cho biết thêm: Thời điểm đó là vào năm 1995, người người, nhà nhà ở Cương Gián đều thi nhau xuất khẩu lao động. Với lợi thế của dân biển có nghề đánh bắt hải sản, lao động khỏe mạnh, cần cù nên xã đã đưa ra kế sách xuất khẩu lao động và đã đạt được bước đột phá nhờ chính sách này”.

Chuyện về cái Tết Nguyên đán ở làng tiêu tiền “đô” - 1

Bà Bùi Thị Đường ở thôn Đông Tây, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân vui vầy bên con cháu.   Ảnh: Hữu Anh

Hiện, xã Cương Gián có khoảng 2.700 lao động làm việc ở nước ngoài. Nguồn lợi từ xuất khẩu lao động đem lại là rất lớn. Năm 2017, chỉ tính riêng thị trường đi xuất khẩu ở Malaysia và Đài Loan con em gửi tiền về tín dụng xã gần 36 tỷ đồng; mỗi năm người dân xuất khẩu đem về khoảng 70-80 tỷ đồng.

Thị trường xuất khẩu mạnh nhất của xã Cương Gián từ trước đến nay là Hàn Quốc, tuy nhiên gần đây thị trường này có sự chuyển giao sang Nhật Bản, Đài Loan… Cương Gián ngày nay chẳng khác gì thành thị, nhà cao tầng mọc san sát thậm chí những ngôi biệt thự tiền tỷ cũng không còn hiếm. Những khối nhà tầng quét sơn đủ màu sắc, đất làng như dồn chật lại.

Chúng tôi đến thăm nhà bà Bùi Thị Đường ở thôn Đông Tây, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân đúng lúc gia đình đang dọn dẹp nhà cửa để đón chào năm mới. Nhắc đến việc xuất khẩu lao động của địa phương, bà Đường giống như "mở cờ” trong bụng nói: “Chồng tôi mất sớm, một mình nuôi 4 đứa con khó khăn, vất vả lắm. Nhưng từ ngày các con đi xuất khẩu lao động, cuộc sống của tôi đã đỡ vất vả hơn. Hiện tại, dâu và rể cũng có 8 đứa đi nước ngoài, công việc ổn định, thu nhập tương đối cao. Bây giờ, tôi chỉ ở nhà trông cháu để các con yên tâm làm ăn. Tuổi già vậy là vui rồi!”.

Cách gia đình bà Đường không xa là căn nhà 4 tầng của vợ chồng anh Trần Đức Khánh ở thôn Đông Tây đang được xây dựng khang trang. Anh Khánh chia sẻ: “Gia đình tôi sinh được 4 người con, học xong các con có nguyện vọng đi nước ngoài lao động. Bây giờ chỉ còn một cháu đang làm việc ở Đức, còn 3 cháu đã về nước lập gia đình, cuộc sống ổn định. Căn nhà này xây dựng hết khoảng hơn 3 tỷ đồng, tết này có nhà mới các con về sum họp ấm quây quần”.

Vào các ngã đường trong xã Cương Gián những dãy nhà 2-3 tầng như phố thị nối nhau dài tít tắp. Cận tết, không khí càng phấn khởi hơn khi người dân trang hoàng cờ, đèn sặc sỡ trước ngõ. Từng tốp trẻ con tung tăng đùa vui khắp xóm để khoe những bộ quần áo mới.

Tết ở làng tiêu “tiền đô”

Tiếp chúng tôi trong căn nhà hai tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi ông Nguyễn Văn Dinh ở thôn Ngọc Huệ, xã Cương Gián vui vẻ nói: “Tết năm nay chúng tôi đón tết sung túc hơn, các con làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định”. Cùng tâm trạng với ông Dinh, chị Hoàng Thị Hoa-Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cương Gián cho biết: “Chồng và con tôi đều đi làm việc ở Hàn Quốc, bây giờ tôi ở nhà vừa hoạt động công tác xã hội, vừa chăm cháu. Để chuẩn bị đón tết, tôi mướn thợ về sơn lại nhà cho mới, các cháu thấy tôi trang trí lại nhà cửa, chúng vui lắm”.

Với gia đình anh Phạm Thế Hùng ở thôn Đông Tây, xã Cương Gián niềm vui như được nhân đôi bởi sau 8 năm ngược xuôi xứ người, nay anh đã về đoàn viên cùng gia đình. “Tôi xa quê đã 8 năm, bây giờ về thấy quê hương thay đổi nhiều quá. Vui nhất là tết năm nay được về đoàn tụ cùng gia đình. Ở Hàn Quốc tết đến chúng tôi cùng nhau tụ họp nấu bánh chưng nhưng lại không có cái ấm cúng của gia đình như tết ở Việt Nam”. Anh Hùng cho biết thêm: “Nay về quê mọi thứ thay đổi ngoài nhà cửa khang trang hơn thì nhiều gia đình giàu lên, mở được cửa hàng, tạp hóa, làm trang trại chăn nuôi, thậm chí mua xe ôtô kinh doanh nhờ tiền gửi về của con cái đi xuất khẩu lao đồng”.

Theo thống kê của Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián- Hoàng Văn Tiến: Hiện, xã Cương Gián có khoảng 2.700 lao động làm việc ở nước ngoài. Nguồn lợi từ xuất khẩu lao động đem lại là rất lớn. Năm 2017, chỉ tính riêng thị trường đi xuất khẩu ở Malaysia và Đài Loan con em gửi tiền về tín dụng xã gần 36 tỷ đồng; mỗi năm người dân xuất khẩu đem về khoảng 70-80 tỷ đồng. “Khi có vốn người dân đầu tư chủ yếu vào việc xây nhà, ngoài ra mở rộng kinh doanh, buôn bán dịch vụ. Điều đó lý giải vì sao xã Cương Gián giống như "phố” và người dân ở đây cũng thừa gọi đùa rằng Cương Gián là làng tiền đô vì ngoại tệ từ con em gửi về”-ông Tiến vui vẻ nói.

Không khí Xuân đang tràn ngập từng ngôi nhà, ngõ xóm của người dân Cương Gián. Trong thời khắc giao thừa nhiều gia đình ở làng quê có người đi xuất khẩu nhiều nhất nước này sẽ không có đầy đủ thành viên cùng quây quần, sum họp nhưng xen lẫn đó là niềm vui của cuộc sống đủ đầy, ấm no và một tương lai tươi sáng khi quê hương đang bước chuyển mình, cất cánh.

Giải mã tục “chít khăn tang“ cho cây ở làng ven đô

Không biết từ bao giờ, ở nhiều địa phương có phong tục “chít khăn tang” cho cây. Đó là khi trong gia đình có một người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Anh - Quỳnh Nga (Dân Việt)
Hà Tĩnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN