Chuyện người đàn ông nhặt được vợ trên chiếc ghe bẹo
Hai mươi năm, cả gia đình sống trên chiếc ghe cũ, thiếu thốn đủ thứ nhưng họ vẫn thấy hài lòng với những gì đang có
Đối diện toà nhà Sunrise City, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP HCM có một chiếc ghe nhỏ nằm ẩn mình dưới tán cây. Đây là "tổ ấm" của gia đình ông Lê Văn Đực (58 tuổi, quê Bình Đại, Bến Tre).
Hai mảnh vỡ ghép lại
Hơn 8 năm trước, trong một lần tình cờ đi câu cá tại rạch Bàn, chúng tôi gặp một người đàn ông cụt chân, ngã người ra phía sau, đưa chiếc chân cụt lên trên cho con gái xoa bóp trong cơn gió lớn. Vài ba phút thì nghe tiếng cười phá lên của hai cha con. Cuối tháng 8-2019, một lần nữa chúng tôi quay trở lại. Cuộc sống của gia đình ông Đực chẳng có gì thay đổi, ngoại trừ có nhiều giấy khen, chiếc ghe năm xưa hư hỏng nặng.
Chiếc ghe nhỏ là nơi ở gần 20 năm qua của gia đình, mọi sinh hoạt gia đình phải dùng bình ac-quy.
Ông Đực là bộ đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam 40 năm trước và bị thương mất một chân trái. Xuất ngũ, ông về nhà lấy vợ sinh được 5 người con. Vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo mất đi, các con lớn lên lập gia đình cũng rời chiếc ghe nhỏ. Một mình, ông thả câu kéo lưới và lưu lạc lên TP HCM.
"Đang mải mê đánh lưới, tôi bắt gặp một người phụ nữ cập chiếc ghe kế bên, ngồi gục đầu khóc. Qua dò hỏi mới biết người này vừa chia tay chồng. Thế là, ghe tôi đi đâu cũng kéo ghe của người này theo đó. Dần dần, thấy cảnh ngộ neo đơn, cuộc sống cứ dập dìu theo sông nước nên cả hai quyết định dọn về ở chung"- ông Đực nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh (56 tuổi, vợ ông Đực) kể: "Ổng dò ý tôi chứ không dám nói thẳng là muốn cưới làm vợ vì mặc cảm cụt chân. Tôi nói sống khổ rồi, giờ cả hai về ở chung khổ gấp đôi cũng chịu luôn. Vậy là ổng gật đầu. Ngày cưới mời dăm ba người bạn ăn mâm cơm là đủ".
Lúc cả hai đã gần 50 tuổi, họ sinh được 1 cô con gái. "Tôi nghĩ bụng đến tuổi này có con chắc trời thương ban thêm người để cả hai vui cửa, vui nhà"- ông Đực tâm sự.
Vợ chồng ông Đực và bé Diễm Mi
Năm 2007, bé Diễm Mi ra đời, cả gia đình chọn chân cầu Rạch Bàn 2, quận 7 làm nơi dừng chân. Lúc này, nước ở các dòng sông bắt đầu ô nhiễm khiến ông bỏ nghề đánh, lên bờ bán vé số; bà Vĩnh vừa chăm sóc con, vừa bán nước giải khát kiếm thêm thu nhập.
"Người ta chê, nhưng tôi thấy thấy sướng"
Cùng vợ chồng ông Đực bước vào bên trong chiếc ghe nhỏ, chúng tôi phải đi thật cẩn thận bởi sàn nhà nhiều nơi đã hư hỏng. Ông Đực gãi đầu, chỉ tay lên nóc ghe in dòng chữ "Nhà tôi, chính là đây" cười: "Dòng chữ trên là do bé Diễm Mi viết ra. Chiếc ghe có thể che nắng, che mưa, chức năng chẳng khác gì căn nhà, gọi vậy chẳng sai. Dù lụp xụp, đêm không đèn phải mượn điện đường soi xuống để ăn cơm, người ta chê nhưng tôi thấy sướng. Xung quanh bốn bề cây xanh, không khí trong lành. Có người còn gọi nơi đây là "Biệt thự miền Tây ở trung tâm quận 7".
Ông Đực lạc quan cho biết nơi ở là "Biệt thự Miền Tây ở trung tâm quận 7".
Giấc mơ đổi đời
Một lần con gái được 6 tuổi, ông Đực chở con theo đi bán vé số, mục đích có thể chăm sóc được con. Trưa nắng, cả hai nghỉ chân ven đường. Con gái ông xin ba chạy vào quán cà phê gần đó để phụ bán với ba. Sợ người ta nghĩ mang con đi theo để lợi dụng bán vé số, ông Đực không đồng ý nhưng con gái một mực đòi để tự bán và lấy tiền lời mua kem ăn. Bán được 3 tờ vé số, vị khách tặng thêm 10.000 đồng, Diễm Mi vội chạy mua 3 cây kem, một cho khách và số còn lại mang qua hai cha con cùng ăn.
Gia đình ông Đực không khi nào thiếu vắng tiếng cười
Ông Đực tự hào khoe: "Từ nhỏ, cháu đã biết tự lập, tự lao động để phụ giúp ba mẹ. Nhưng vợ chồng tôi không cho con làm việc mà muốn con học thật giỏi để đổi đời… Nhiều năm liền, Diễm Mi luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, thuộc nhóm đứng đầu của trường".
Trò chuyện với Diễm Mi, chúng tôi nhận ra cô bé có những suy nghĩ rất người lớn. Nói về ước mơ của mình, không một chút suy nghĩ, Mi nói liền mạch: "Thứ nhất, em muốn ba mẹ sống cả đời với em. Thứ hai em muốn làm bác sĩ. Thứ ba, em muốn có tiền giúp người nghèo khó…".
Khi rảnh hai cha con cùng nhau nô đùa
Trong suốt 3 tiếng cùng sinh hoạt với gia đình, cứ vài ba phút, chúng tôi lại nghe tiếng cười đùa vui vẻ của Diễm Mi với đàn chó, hay tiếng ông Đực trêu ghẹo vợ rồi cả hai cùng phá lên cười. Dường như với họ những thiếu thốn vật chất không là gì, chỉ cần có tiếng cười và được ở cùng nhau, vậy là đủ.
Ốc đảo có trạm y tế nhưng lại không có y bác sỹ, có trường học, nhưng lại chẳng có bóng dáng em học sinh nào.