Chuyện lạ: Trai bản sợ hủ tục bắt vợ

Sự kiện: Thời sự Quảng Nam

Ở sâu trong đỉnh Trà Xiên (xã Gary, Tây Giang, Quảng Nam), người dân tộc Cơ Tu đang dần đoạn tuyệt với hủ tục bắt vợ sau nhiều hệ lụy trong đời sống hôn nhân, gia đình.

Chuyện lạ: Trai bản sợ hủ tục bắt vợ - 1

Bling A Ía (áo đen) đang phiền muộn vì chuyện mẹ ép đi bắt vợ

Ngán ngẩm bắt vợ

Bling A Ía, chàng trai Cơ Tu năm nay 22 tuổi, khá nổi bật bởi nước da ngăm đen chắc nịch, tóc bóng dày xoăn tít, sống mũi cao. Ngày xuân, người dân bản Gary không chộn rộn như bản làng khác do cuộc sống khó khăn. A Ía kể, nhà có 6 anh chị em, riêng A Ía trong cảnh “độc thân” nên liên tục bị nhà bắt ép, hỏi cưới. “Em đang làm thuê ở xưởng mộc duy nhất trong vùng, gọi là có việc nên quyết tâm kiếm ít tiền rồi mới tính chuyện vợ con. Nhưng…”, giọng Ía ngập ngừng.

Vừa xem clip trai bản ở vùng Tây Bắc bắt vợ, Ía chối đây đẩy: “Em sợ lắm. Mẹ em đang ép em đi bắt vợ đấy, nhưng cái bụng em chưa ưng. Giờ này chẳng mấy thanh niên thích bắt vợ nữa. Bọn em cũng hiểu muốn lấy nhau phải yêu nhau mới được”.

Theo Ía, ở vùng Gary này trước đây vẫn có tục bắt vợ. Thường thì người mẹ sẽ chỉ đạo việc chọn con dâu, là những cô gái có họ hàng bên mẹ như con cậu. Sính lễ để được bắt vợ phải ít nhất có 2 con heo. Khi người lớn đã định sẵn duyên lứa rồi sẽ tới nói chuyện với nhau gọi là lễ ăn hỏi. Sau đó, cha mẹ hai bên sẽ ngồi lại trong một tối để xin được bắt con dâu, nếu tất cả đồng ý thì chàng trai sẽ bắt cô gái về làm vợ ngay trong đêm.

A Ía thở dài: “Cô vợ mà mẹ đang ép em đi bắt là con của anh họ mẹ. Cô ấy mới tầm 15 tuổi. Chị của cô ấy ngày trước mẹ em cũng bắt anh trai kế em đi bắt về làm vợ, bắt về xong rồi nó lại bỏ đi. Sau này, anh trai em lấy người khác là chị dâu em bây giờ rất hạnh phúc”. “Em có yêu cô ta không?”. “Không. Em nói rồi nhưng cha mẹ không chịu, nói phải bắt. Đây là hủ tục, lấy nhau gần huyết thống rồi con cái bệnh tật. Lệ làng giờ không có chuyện đó, nhưng do quan niệm của từng người, cha mẹ em giờ vẫn muốn vậy”.

Không chỉ A Ía, hầu hết thanh niên trai tráng trong bản đã quá ngán ngẩm với hủ tục bắt vợ bởi không thể tự mình đi tìm hạnh phúc tương lai cho bản thân.

Chuyện lạ: Trai bản sợ hủ tục bắt vợ - 2

Chị dâu A Ía phải nhờ trai bản cáng xuống huyện sinh nở vì đường đi cực kỳ khó khăn

Xa dần hủ tục

Theo bà Bling Hon, Phó chủ tịch xã Gary, toàn xã có 6 thôn với 333 hộ/1.750 nhân khẩu, trong đó có 302 hộ nghèo, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, đồng bào có hủ tục bắt vợ nhưng giờ đây đã thay đổi nhiều. Thanh niên biết chủ động chọn cuộc sống hôn nhân cho mình. Ía là trường hợp cá biệt do tác động từ cha mẹ. Xã cũng đã đến khuyên bảo, vận động gia đình. “Trước đây, anh trai A Ía cũng bị ép bắt vợ nhưng rồi cô vợ không ưng nên bỏ về. Mẹ A Ía tiếc lễ nên buộc A Ía bắt em gái cô kia làm vợ. A Ía không thích việc này”, bà Hon nói và cho hay, hiện nay không chỉ lớp trẻ mà nhiều người dân trong xã cũng đã dần nhận thức được hệ lụy của hủ tục bắt vợ.

Cuộc sống khó khăn của vùng cao này cũng là một phần khiến nhận thức của người dân chậm thay đổi. Bản Gary quanh năm mây phủ nên làm ruộng lúa không được. Với người đồng bào dân tộc các vùng cao, trong năm lễ cúng lúa mới là lễ hội quan trọng nhất nhưng ở đây giờ không cúng nhiều mấy vì không có lúa. Theo bà Hon, chỉ riêng con đường vào từ xã A San đến Gary vài chục cây số vẫn còn cách trở. Để vào Gary, nhất là mùa mưa, chỉ có cách đi bộ hoặc xe máy đã qua độ chế. Tất cả các loại hàng hóa đưa vào trao đổi phải sử dụng xe tải 2 cầu.

Ở Gary không có chợ búa. Ngay ở trung tâm xã cũng chỉ có đơn độc 5 nóc nhà là trụ sở làm việc, trường học, trạm xá. Bà Hon cho biết, thu nhập trung bình của người dân trong xã khoảng 14 triệu đồng/người/năm.

Hôm chúng tôi vào Gary cũng là lúc trai bản vất vả cáng võng chạy bộ đưa chị dâu A Ía xuống huyện sinh con. A Ía bảo, trên trạm xá xã không có người đỡ đẻ nên thường ai mang thai còn vài tuần đẻ là xuống bệnh viện huyện nằm chờ, ai không có tiền thì sinh ở nhà. Cũng đã có nhiều trường hợp gánh đi không kịp và chết giữa đường. 

Nói không với tục đâm trâu

Theo ông Bh’ríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, sau 1 năm tích cực triển khai đến nay, 100% bản làng trên địa bàn huyện đã “nói không” với tục lệ đâm trâu nhưng vẫn duy trì lễ ăn trâu. Theo ông Liếc, để làm được điều này, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của các già làng, trưởng bản, đến đại đa số người dân Cơ Tu của huyện. Bởi lẽ, đâm trâu đã đi sâu vào tiềm thức của đồng bào Cơ Tu từ ngàn đời nay. Bất luận ốm đau, hiếu hỉ người dân đều đâm trâu cúng tế Giàng, thần linh. Tuy nhiên, nghi thức đâm trâu man rợ, không còn phù hợp với nét văn hóa hòa nhập hiện nay. “Bên cạnh việc tuyên truyền vận động, các đơn vị chức năng của huyện cũng xuống từng bản làng để hướng dẫn cho người dân biết, thay vì đâm trâu khi ốm đau bệnh hoạn, mọi người đến các cơ sở y tế để thăm khám. Việc hiếu hỉ mọi người chia sẻ với nhau để không mất thời gian, tốn kém… Nhờ biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, đến nay hầu hết người dân đều đồng thuận. Huyện xóa bỏ được tập tục này để xây dựng đời sống văn hóa, văn minh hơn cho các bản làng”, ông Liếc nói.

Ngân Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thạch Châu (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN